Thúc đẩy liên kết “4 nhà” trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao (14:14 15/12/2017)


HNP - Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp là mục tiêu chủ đạo của ngành nông nghiệp thủ đô. Tuy nhiên, để tạo được hiệu quả bền vững, tăng giá trị của nông sản, sự liên kết "4 nhà" gồm: nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp được coi là vấn đề mấu chốt nhất nhằm tạo chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn cho người dân.

Chăn nuôi bò tại Trung tâm sản xuất tinh cọng rạ công nghệ cao


Trong thời gian qua, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ với phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, thành Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu tập trung giải quyết bức thiết của thực tiễn sản xuất. Đơn cử như: ứng dụng các giống lúa năng suất chất lượng, có khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh; các loại cây đặc sản như: nhãn chín muộn, bưởi, hồng... Các mô hình chăn nuôi tập trung xã khu dân cư. Các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường bằng giun quế và chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó là nhiều dự án phát triển ở nông thôn miền núi tạo ra hiệu quả cao.
 
Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đến nay, thành phố đã xây dựng, quản lý và phát triển trên 20 nhãn hiệu tập thể như Khoai lang Đồng Thái (huyện Ba Vì), Bưởi tôm vàng (huyện Đan Phượng), Nhãn chín muộn (huyện Hoài Đức)… Sau khi xây dựng nhãn hiệu tập thể, giá trị sản xuất đã tăng vượt trội. Đơn cử như: nhãn chín muộn huyện Hoài Đức cho giá trị khoảng 700 triệu đồng/ha, hay rau hữu cơ huyện Sóc Sơn cho giá trị trên 1 tỷ đồng/ha…
 
Đối với chăn nuôi, ở một số địa phương đã ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, với công nghệ chuồng kín có hệ thống điều khiển nhiệt độ, ẩm độ ánh sáng; các trang trại nuôi thủy sản sử dụng giống lai, công nghệ vi sinh trong xử lý môi trường nước; các trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô tê bào, giống sạch bệnh... Ðiển hình là chương trình chăn nuôi lợn hữu cơ tại Công ty cổ phần trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn); Chương trình tạo đàn bò thịt cao sản BBB (huyện Gia Lâm), Nuôi lợn theo phương pháp sinh học tại huyện Thanh Oai nhờ các mô hình này nên thành phố đã xây dựng được 23 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm.
 
Bên cạnh đó, với sự hướng dẫn thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước, nhiều nhà khoa học ở Viện nghiên cứu và các trường đại học đã phối hợp cùng với người nông dân ứng dụng các máy sơ chế, chế biến, bảo quản rau, hoa, quả, chè, thịt, trứng, sữa bằng công nghệ bao gói hút chân không, bảo quản lạnh,... chế biến các sản phẩm thịt, trứng, chế biến sữa thành các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm.
 
Có thể nói liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp được cho là nền móng cho phát triển nông nghiệp bền vững. Doanh nghiệp và nông dân là yếu tố chính của các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng liên kết "3 nhà" còn lại để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân; từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản.
 
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có khoảng gần 10 triệu dân, để đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch hành ngày, thành phố đã có nhiều doanh nghiệp có hệ thống phân phối thực phẩm rộng khắp. Như chuỗi hệ thống các siêu thị Fivimart của công ty cổ phần Nhất Nam, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại An Việt, Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam... phần lớn các doanh nghiệp này để phối hợp với các hộ nông dân, các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố để bao tiêu sản phẩm. Việc liên kết này đã tạo ra sự thay đổi tư duy sản xuất cho người nông dân, đồng thời, định hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên.
 
Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết: nhờ công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã góp phần chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố. Từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với yêu cầu của thị trưòng. Đặc biệt, mối liên kết “4 nhà” được hình thành đã góp phần quan trọng tạo ra chuỗi sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm nông nghiệp.
 
Theo lãnh đạo Sở NN&PTTN để phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thì nâng cao hiệu quả liên kết “4 nhà” một trong những giải pháp quan trọng nhằm gắn kết sản xuất với khoa học công nghệ và tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các ngành liên quan để rà soát, đề xuất triển khai các chính sách về hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích nghiên cứu khoa học, kêu gọi đầu tư, giải quyết thỏa đáng quyền lợi của nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp...
 
Ngành nông nghiệp thủ đô sẽ cùng đồng hành cùng với các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực: chế biến, bảo quản nông sản để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nghiên cứu các giống cây trồng vật nuôi mới thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng tập trung tuyên truyền cho người nông dân về tích tụ ruộng đất, tích cực tham gia vào quá trình sản xuất quy mô lớn, hiện đại để nông dân chủ động trong nâng cao trình độ sản xuất và tham gia liên kết với doanh nghiệp, các nhà khoa học để việc sản xuất được tiến hành quy củ hơn và hiệu quả mang lại cũng đảm bảo hơn.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t