Hiệu quả từ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý (11:32 13/12/2017)


HNP - Công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trong một năm vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định. Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử Thủ đô. 

Ứng dụng CNTT giải quyết thủ tục hành chính


Năm 2017, Thành phố xác định là năm đột phá căn bản về CNTT, tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT, tạo bước chuyển biến căn bản về xây dựng chính quyền điện tử và hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Ứng dụng CNTT Thành phố. Ngoài việc tích cực tham mưu cho UBND Thành phố, ngành còn đẩy mạnh hợp tác với các Tập đoàn CNTT hàng đầu trên thế giới và trong nước. Từ đầu năm 2017 đến nay, UBND Thành phố đã ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Microsoft và triển khai hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong nước (Viettel, VNPT, FPT và Nhật Cường); gặp gỡ, trao đổi hợp tác với nhiều doanh nghiệp nước ngoài (Israel, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ý, Australia, Áo, Tổ chức Chính phủ điện tử Thế giới (WeGO),...) về xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Việc hợp tác trong thời gian qua đã mang lại cho Thành phố nhiều kinh nghiệm trong công tác định hướng, triển khai phát triển CNTT của Thành phố.
 
Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước của Thành phố trong năm 2017 cũng được triển khai tích cực và đồng bộ. Cụ thể, tiếp tục duy trì Trung tâm dữ liệu và hệ thống mạng WAN của Thành phố. Duy trì công tác giám sát an toàn thông tin đối với hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT được triển khai. Đồng thời, thí điểm số hóa dữ liệu tại UBND quận Long Biên và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tích cực phối hợp và chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư với các sở, ban, ngành của Thành phố.
 
Cũng trong năm 2017, Sở TT&TT Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện hoàn thành triển khai 78 dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức 3 tới 9 sở, 584 xã, phường, thị trấn, 30 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, các bộ, ngành cũng đã triển khai các DVC trực tuyến cho Hà Nội, nâng tổng số DVC trực tuyến của Thành phố hiện lên 451 DVC mức độ 3, 4, đạt 23,6% tổng số thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước Thành phố. Đồng thời trên cơ sở danh mục DVC TT mức 3, 4 năm 2017 được UBND Thành phố phê duyệt, Sở TT&TT đang phối hợp với các đơn vị tiếp tục triển khai. Dự kiến, đến hết 2017, tổng số DVC trực tuyến của Thành phố đạt gần 32% tổng số thủ tục hành chính của Thành phố.
 
Đối với việc triển khai các ứng dụng thông minh hình thành nền tảng cơ bản cho Thành phố thông minh, đã hoàn thành cung cấp thông tin hệ thông quan trắc môi trường không khí tại 10 điểm, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố. Hoàn thành thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (Iparking) từ tháng 6/2017 trên 02 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) với 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe. Đến nay, đã có trên 130.000 lượt giao dịch đỗ xe và thanh toán thông qua ứng dụng Iparking. Từ 1/9/2017 tiếp tục triển khai mở rộng ứng dụng Iparking tại 4 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa); sử dụng Iparking đối với 89 điểm trông giữ phương tiện phục vụ không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; các quận, huyện, thị xã nghiên cứu phương án mở rộng Iparking đối với trông giữ xe máy. 
 
100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn duy trì và sử dụng phần mềm quản lý văn bản thống nhất và kết nối, liên thông trên môi trường mạng. Các ứng dụng dùng chung được duy trì như Cổng thông tin điện tử, Một cửa điện tử của các Sở ngành, UBND quận, huyện. Đặc biệt, Thành phố đang cho xây dựng hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thành triển khai mở rộng module khai báo quy trình cho các đơn vị của Thành phố. Dự kiến, cuối tháng 12/2017, sẽ hoàn thành và đưa vận hành chính thức.
 
Song song với những công tác trên, công tác bảo mật được đặc biệt quan tâm. Thành phố đã ký thỏa thuận phối hợp với Ban cơ yếu chính phủ thực hiện bảo mật, xác thực và giám sát an toàn thông tin đối với hệ thống ứng dụng CNTT của TP Hà Nội và phối hợp triển khai công tác giám sát an toàn thông tin đối với hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT như: cấp chứng thư số, rà soát thiết bị... Thành phố cũng đã phối hợp với Cục an toàn thông tin tuyên truyền về an toàn thông tin cho các sở, ban, ngành UBND các quận, huyện, thị xã về các biện pháp bảo vệ an ninh, bảo mật thông tin hệ thống ứng dụng dùng chung...
 
Đáng chú ý, trong năm 2017, Thành phố đã cho khai trương và chính thức đưa Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội đi vào hoạt động. Đến nay, đã tiếp nhận được 27 hồ sơ dự án, ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Đặc biệt, đã tổ chức “Hội nghị gặp gỡ giữa UBND TP Hà Nội và cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô”. Đây là hội nghị gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô lớn nhất từ trước đến nay của Hà Nội, là diễn đàn để lãnh đạo Thành phố lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, đại diện các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư đóng góp cho cơ chế, chính sách của Thành phố trong việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. 
 
Những tháng cuối năm, Thành phố cũng đã chính thức khai trương Cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp Thành phố Hà Nội (StartupCity.vn) - tạo ra nền tảng trực tuyến kết nối những cơ hội kinh doanh khởi nghiệp một cách có hệ thống. Đồng thời, giúp thu hút các doanh nghiệp quốc tế, kết nối vốn với nhu cầu khởi nghiệp, tạo việc làm mới, khuyến khích ý tưởng sáng tạo và nâng cao giá trị kinh tế cho hệ sinh thái...

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t