Biến rác thải thành phân hữu cơ: Một biện pháp bảo vệ môi trường (20:49 20/11/2017)


HNP - Việc xử lý rác thải sinh hoạt thời gian qua cho thấy, phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt làm phân hữu cơ có tính khả thi cao. Chế biến rác sinh hoạt làm phân hữu cơ một mặt giải quyết được vấn đề môi trường, mặt khác đã tận dụng các thành phần có trong rác thải để bón cho cây trồng. Đây là một hướng đi đúng nhằm giải quyết triệt để vấn đề rác thải đô thị của Hà Nội.

Mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 6.500 tấn chất thải rắn, trong đó, rác thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực đô thị khoảng 4.200 tấn/ngày và từ vùng nông thôn ước khoảng 2.300 tấn/ngày. Sau khi được thu gom từ các nguồn phát sinh, một phần được phân loại, tái sinh, tái chế và trao đổi, hầu hết lượng chất thải rắn trên đều được vận chuyển lên bãi chôn lấp.

Hằng năm, mặc dù thành phố đã phải chi phí khá lớn cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề về quản lý và môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác. Và một nghịch lý nữa là trong khi phải tốn rất nhiều tiền để mua phân hoá học và phân hữu cơ thì mỗi ngày Hà Nội đang bỏ đi hàng nghìn tấn chất hữu cơ mà sau khi qua chế biến không mấy tốn kém có thể sử dụng làm chất cải tạo đất đã bị chai cứng do thói quen chỉ sử dụng phân bón hóa học hoặc làm phân bón cho cây trồng.

Để giảm áp lực thu gom và xử lý cuối cùng, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố thực hiện chuyển giao kiến thức phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Theo đó, mỗi hộ gia đình ở địa phương này tham gia mô hình sử dụng hai thùng phân loại rác thải và được hướng dẫn xử lý theo công nghệ mới rất dễ thực hiện: Trước khi cho rác vào thùng, các hộ nông dân rắc đều 1 lớp EM Bokashi cám vào đáy thùng khoảng 40gram và lên vỉ ngăn cách 20gram. Mỗi lần cho rác vào thùng, san đều, rắc đều lên bề mặt rác 1 lớp Bokashi cám mỏng, dùng thìa (gỗ hoặc nhựa) hoặc dùng tay ấn xuống. Nếu rác ít mỗi ngày xử lý 1 lần. Rác nhiều xử lý mỗi ngày hai lần vào buổi trưa, tối. Hằng ngày, mở vòi tháo nước rác ra. Nước này không có mùi hôi và mùi chua là tốt. Chứa nước rác vào chai nhựa và dùng nó như sau: Đổ trực tiếp vào hố tiêu và cọ rửa để làm sạch và khử mùi hôi. Hòa loãng nước rác với nước sạch theo tỉ lệ 1/1.000 để tưới cho cây trồng. Khi rác đầy khoảng 80% thể tích thùng, đổ rác đã xử lý vào hố ngoài vườn và phủ đất. Sau từ 2 đến 3 tuần, rác biến thành mùn và đem bón cho cây. Các quy trình trên được lặp lại khi xử lý cho thùng mới.

Trước khi triển khai mô hình này, Chi cục Môi trường phối hợp với Hội Nông dân xã Tiền Yên đã có đợt điều tra, khảo sát cho thấy, nhân dân địa phương này không biết đến rác hữu cơ hay vô cơ và chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn. Mặc dù Tiền Yên đã thành lập đội thu gom rác thải, tuy nhiên, sự quản lý của địa phương còn hạn chế, trong khi đó ý thức trách nhiệm của một bộ phận người dân chưa cao, thường xả nước thải, vứt rác tuỳ tiện ra lòng đường, nơi công cộng gây ô nhiễm môi trường.

Xã Tiền Yên có khoảng 1.528 hộ dân thì có tới 1.220 hộ tham gia sản xuất nông nghiệp, trong đó, có 581 hộ trồng rau xanh. Với hiện trạng, lượng rác thải phát sinh từ sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt hằng ngày của Tiền Yên khá lớn, khoảng 5 tấn. Mặc dù nắm được thông tin về mô hình chế biến rác thải thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao nhưng Tiền Yên lúng túng chưa tìm được đi. Được sự giúp đỡ của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, trong quá trình triển khai mô hình thu gom phân loại rác tại nguồn, làm phân bón cho cây trồng triển khai trên địa bàn nhân dân địa phương rất phấn khởi tích cực tham gia. Người dân đã thấy được lợi ích của sử dụng rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng, từ đó thay đổi hành vi, ứng xử thân thiện với môi trường, góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm do chính con người gây ra.

TS. Lê Khắc Quảng, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ Việt Nhật là người tham gia chuyển giao kiến thức phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng tại xã Tiền Yên cho biết, việc sử dụng thành phẩm phân bón hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng sẽ làm tăng năng suất cây trồng từ 20 đến 50%, hạn chế được sâu bệnh, cải tạo đất tốt, tăng độ tơi xốp và màu mỡ cho đất. Về mặt kinh tế, nếu sử dụng phân hoá học và thuốc trừ sâu thì chi phí cho mỗi vụ là 250 nghìn đồng/sào, còn bón phân hữu cơ vi sinh từ rác thải chế biến cho cây trồng thì chỉ tốn 25 nghìn đồng chi phí hoá chất ngâm ủ. Nếu hạch toán một cách đầy đủ các chi phí nguyên vật liệu, công lao động, dụng cụ… bình quân một tấn phân hữu cơ vi sinh thành phẩm, người nông dân tiết kiệm được hơn 1,1 triệu đồng. Không những đem lại hiệu quả về kinh tế, mà còn đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t