Chủ động phòng ngừa sự cố môi trường sau mưa lũ (15:45 20/10/2017)


HNP - Trong nội dung Công văn số 8724/STNMT-CCBVMT, ban hành ngày 18/10, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường khi các hồ thủy điện xả lũ và đảm bảo vệ sinh môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND quận, huyện, thị xã chủ động thực hiện các phương án phòng ngừa và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về môi trường do tác động của mưa lũ. Tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường do tác động của bão như: Các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, phức tạp, tiềm ẩn rủi ro xảy ra sự cố môi trường; các khu vực, bến bãi ven sông, suối; các khu vực lưu giữ, xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại; các khu vực lưu giữ nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, xăng dầu... Đồng thời, có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, bố trí nơi tập kết rác thải tạm thời trong trường hợp chưa vận chuyển lên các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố.

Huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây, cần đặc biệt chú ý trong trường hợp rác thải bị tồn đọng chưa vận chuyển được lên khu xử lý chất thải Xuân Sơn, khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thu gom, vận chuyển vào điểm tập kết tạm thời, có biện pháp che chắn, thường xuyên phun chế phẩm khử mùi, diệt ruồi, muỗi đảm bảo vệ sinh, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với các khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, chuồng chăn nuôi cần được vệ sinh, tẩy uế định kỳ theo hướng dẫn của cơ quan y tế, thú y nhằm bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh. Xác động vật chết, trôi nổi cần được thu gom, chôn sâu, khử trùng, cách xa nguồn nước, xa khu dân cư đảm bảo không lây truyền dịch bệnh. Tuyệt đối không vứt xuống các dòng sông, dòng suối, các bờ ao, bụi cây... Thu gom và xử lý thường xuyên các loại rác thải sinh hoạt theo quy định. Bảo vệ nguồn nước từ giếng khơi, giếng khoan, bể chứa nước mưa...

Khi có mưa lớn, hoặc lụt úng xảy ra trên địa bàn, cần giữ vệ sinh nơi ăn, chốn ở, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh (nếu có), hoặc dùng hoá chất để làm sạch nước; thu gom và xử lý chất thải của người và gia súc, gia cầm. Hết đợt úng lụt, cần khẩn trương kiểm tra, đánh giá tình trạng các công trình vệ sinh. Nước rút đến đâu vệ sinh nhà cửa, sân thềm, chuồng trại đến đó. Những giếng khơi bị ngập, hoặc bị thấm nước bẩn cần được hút cạn, thau rửa. Có thể dùng vôi hoặc hoá chất, viên CloraminB để làm sạch giếng ăn. Bể và các dụng cụ chứa nước ăn cần được cọ rửa sạch sẽ, bổ sung nước mới và đậy kín. Nhà tiêu, chuồng gia súc, gia cầm sau khi ngập nước phải được tẩy uế, sửa chữa, bảo đảm vệ sinh, tránh làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm nơi ở. Những khu chăn nuôi, các trang trại lớn sau khi ngập úng cần được tẩy trùng bằng hóa chất hoặc vôi bột.


Minh Châu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t