Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững (16:01 28/07/2017)


HNP -  Ngay năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của TP Hà Nội đã giảm đáng kể. Nhờ những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, Thành phố kỳ vọng sẽ đạt được những mục tiêu giảm nghèo bền vững đã đề ra trong những năm tiếp theo. Qua đó, giúp người nghèo cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Hoàn thành mục tiêu giảm nghèo Thành phố 
 
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều và là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Tính đến hết năm 2016, toàn Thành phố đã giảm được 25.037 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 3,64% (65.377 hộ) xuống còn 2,37% (44.412 hộ) tương đương giảm tỷ lệ hộ nghèo so với đầu năm 2016 là 1,3%, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo Thành phố năm 2016. 
 
Trong giai đoạn đầu thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, Thành phố triển khai nguồn vốn ưu đãi của hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, cho vay học sinh, sinh viên khó khăn. Ngoài nguồn vốn Trung ương ủy thác, Thành phố trích ngân sách 185 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đối với đối tượng chính sách xã hội. Năm 2016, có trên 20.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn từ nguồn Trung ương và địa phương. 
 
Cấp thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo, cận nghèo và thống nhất quy trình cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng chính sách xã hội theo quy định mới. Năm 2016, có 386.782 người nghèo, cận nghèo, người dân các thôn, xã thuộc chương trình 135 được cấp thẻ BHYT miễn phí với kinh phí trên 240 tỷ đồng. Ngoài ra, 100% hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với số tiền là 28,8 tỷ đồng. Mức hỗ trợ 49.000 đồng/hộ/tháng theo quy định của Trung ương. Trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng cho trên 179.000 đối tượng, tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, Thành phố cũng đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2016, đã có thêm 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay là 255 xã, chiếm 66,60% tổng số xã của toàn Thành phố. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng 7 mô hình giảm nghèo với 200 hộ tham gia…
 
Hơn 10.200 tỷ đồng cho giảm nghèo bền vững
 
TP Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2018, không còn xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố dưới 1,2%; riêng tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn dưới 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dưới 3%. Kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020: Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2016 là 2,3%; tương tự, năm 2017 là 1,7%, năm 2018 là 1,4%, năm 2019 là 1,2% và năm 2020 là 1,1%.
 
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND Thành phố dự kiến tổng kinh phí thực hiện mục tiêu giảm nghèo thành phố giai đoạn 2016 - 2020 hơn 10.200 tỷ đồng, cụ thể: Kinh phí thực hiện các chính sách hiện hành của Chính phủ và Thành phố hơn 7.125 tỷ đồng; kinh phí thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo hơn 2.575 tỷ đồng; kinh phí ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi (nguồn vốn quay vòng) 500 tỷ đồng. Về nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách thành phố gần 4.190 tỷ đồng, trong đó, vốn sự nghiệp gần 1.940 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển 2.249 tỷ đồng; ngân sách các quận, huyện, thị xã (vốn sự nghiệp) hơn 5.703 tỷ đồng; xã hội hóa hơn 309 tỷ đồng huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
 
Cùng với sự quyết tâm và đầu tư tích cực, Thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tạo điều kiện, khuyến khích các hộ nghèo thoát nghèo và vươn lên có mức sống khá. Hạn chế thấp nhất số hộ tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới; không có hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công; giảm nhanh hộ nghèo là dân tộc thiểu số. 
 
Song song với đó, Thành phố cũng xây dựng và triển khai các giải pháp hiệu quả. Trong đó, nhóm các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập được quan tâm thực hiện. Qua đó, sẽ giúp người nghèo cải thiện sinh kế, tự vươn lên thoát nghèo. Nhóm chính sách hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản với những hỗ trợ về mặt y tế, giáo dục, nhà ở tạo điều kiện cho người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội. Ngoài ra, nhóm các chính sách hỗ trợ trực tiếp và một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội khác cũng là giải pháp được Thành phố chú trọng thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 của Chương trình mục tiêu giảm nghèo.
 
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu kiên quyết “Không để ai bị bỏ lại phía sau” đang được triển khai, hứa hẹn những hiệu quả tích cực về phong trào xóa đói giảm nghèo trên địa bàn TP Hà Nội.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t