Tăng cường các giải pháp đôn đốc thu bảo hiểm xã hội (15:24 16/07/2017)


HNP - Theo thống kê của BHXH Hà Nội, hiện nay Hà Nội là Thành phố có số nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN lớn nhất cả nước. Tính đến hết tháng 5/2017, tổng số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Thành phố là 3.764 tỷ đồng; số tiền thu hồi nợ đọng đạt thấp (chiếm 9,01% kế hoạch thu), làm ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo công tác giảm nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ngay những tháng đầu năm 2017, xác định để giảm tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN xuống dưới 4%, hạn chế tối đa việc trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi hợp pháp và quyền an sinh xã hội của người lao động Thủ đô, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tích cực tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo phối hợp tăng cường thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (Ngày 05/01/2011, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 33/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác liên ngành chỉ đạo thu nợ tiền BHXH, BHYT trên địa bàn Hà Nội). Tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp: Phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; UBND các quận, huyện, thị xã; Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất…, tổ chức 93 Hội nghị, tập huấn, tọa đàm, đối thoại đối với doanh nghiệp và người lao động.

Cùng với đó, BHXH thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật BHXH, phối hợp chặt chẽ Ban Tuyên giáo Thành ủy; các cơ quan Báo, Đài truyền hình Trung ương, Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội kịp thời thông tin những điểm mới, thay đổi về chính sách BHXH, BHYT; phối hợp Phòng Văn hóa Thông tin các quận, huyện, thị xã thực hiện tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh cơ sở (thực hiện 7.233 lượt phát thanh); phát hành 28.000 tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền trực quan (5.092 khẩu hiệu, banner, áp phích) trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, đã thực hiện công khai các doanh nghiệp nợ BHXH trên Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Hà Nội và Cổng thông tin điện tử Thành phố.

Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội là Thành phố có số nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN lớn nhất cả nước. Trong 05 tháng đầu năm, qua thanh tra, kiểm tra thu hồi nợ đọng, bước đầu thu được tổng số tiền là: 534,7 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã thực hiện gửi thông báo đôn đốc thu nợ đến 15.407 doanh nghiệp nợ, bước đầu thu được 185,6 tỷ đồng; trực tiếp thực hiện đôn đốc tại 4.882 doanh nghiệp nợ BHXH, thu được: 234 tỷ đồng. UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện thanh tra, kiểm tra 303 doanh nghiệp, thu nợ BHXH số tiền: 41,8 tỷ đồng.

Nguyên nhân nợ BHXH còn tồn tại nhiều là do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thực sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trong đó có không ít doanh nghiệp phải ngừng họat động, đơn phương chấm dứt giao dịch với cơ quan BHXH, mất khả năng thanh toán, chưa được tuyên bố phá sản, giải thể với số tiền, số tháng nợ BHXH, BHYT lớn. Sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành liên quan trong công tác nợ đọng và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; cơ quan quản lý nhà nước một số nơi chưa chủ động chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân và đơn vị sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế. Việc xử lý vi phạm còn chậm và qua nhiều khâu, nhiều cấp, do vậy hiệu quả đạt được chưa cao.

Ngoài ra, nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT, BHTN của chủ sử dụng lao động và còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước, vì vậy chủ sử dụng lao động thường xuyên tìm cách trốn đóng, chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN, bên cạnh đó, người lao động không đấu tranh để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình với chủ sử dụng lao động, dẫn đến quyền lợi của người lao động không được đảm bảo. Công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đã thực hiện nhưng chưa thường xuyên, sâu rộng, hình thức vẫn còn hạn chế. Vẫn còn có nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, coi đây là trách nhiệm của riêng của cơ quan BHXH…

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường đối thoại chính sách BHXH với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nợ BHXH; các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH để chủ sử dụng lao động nhận thức rõ trách nhiệm đối với người lao động, từ đó tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tiếp tục thực hiện công khai các doanh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ giữa BHXH TP với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tập trung thanh tra liên ngành việc thực hiện pháp luật về lao động đối với các doanh nghiệp nợ BHXH, đề nghị Thanh tra thành phố Hà Nội chủ trì thanh tra các DN nợ BHXH, đề nghị Công an thành phố Hà Nội tham gia việc thanh tra, kiểm tra cá doanh nghiệp nợ BHXH.

Cùng với đó, đề nghị Cục thuế Hà Nội khi thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, yêu cầu doanh nghiệp nộp số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật. Khi duyệt quyết toán thuế yêu cầu doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ các khoản phải trả cho người lao động, trong đó có tiền lương, tiền công, tiền thưởng, BHXH thuộc về thu nhập của người lao động, phải thực hiện nộp đủ BHXH, BHYT, BHTN. Không tôn vinh, khen thưởng đối với những doanh nghiệp nợ thuế, nợ BHXH.


Văn Chiến


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t