Nâng cao chất lượng đội ngũ lao động Thành phố (14:15 21/06/2017)


HNP - Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của thị trường lao động Việt Nam hiện nay không phải là giải quyết tỷ lệ thất nghiệp, mà là nâng cao chất lượng lao động. Hà Nội cũng không nằm ngoài thực tế trên. Do đó, ngành lao động, thương binh và xã hội đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo cũng như chất lượng lao động trong thời gian tới đây.

Chú trọng đến đào tạo lao động ngay trên ghế nhà trường


Tính đến hết quí I năm 2017, mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn TP Hà Nội có 314 đơn vị với đa dạng về loại hình đào tạo nghề. Trong đó, cơ sở dạy nghề công lập là 97 đơn vị, cơ sở dạy nghề ngoài công lập là 217 đơn vị. TP Hà Nội có 9 trường dạy nghề công lập trực thuộc (3 trường cao đẳng nghề, 6 trường trung cấp nghề). Trong những năm gần đây, nhiều thí sinh Hà Nội đã đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ thi tay nghề quốc gia. Chương trình đào tạo được các trường cập nhật, bổ sung sửa đổi theo nhu cầu thực tế sử dụng lao động của các doanh nghiệp và phù hợp với sự phát triển của các ngành nghề trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. 
 
Đội ngũ giáo viên dạy nghề tại các cơ sở dạy nghề đủ về số lượng và đáp ứng chuẩn về chuyên môn theo quy định. Cụ thể, tính đến hết năm 2016, tổng số giáo viên trong các cơ sở dạy nghề của Thành phố là 6.417 giáo viên. Trong đó, có 2.159 giáo viên tham gia giảng dạy tại các trường cao đẳng nghề; 921 giáo viên tham gia giảng dạy tại trường trung cấp nghề và 3.337 giáo viên giảng dạy tại trung tâm dạy nghề và các cơ sở khác có dạy nghề…
 
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đã được các cơ sở dạy nghề chú trọng đầu tư từ các nguồn theo quy định và từ phong trào tự làm thiết bị dạy nghề để đáp ứng công tác đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thành phố. Công tác xã hội hóa dạy nghề đạt được kết quả bước đầu, Nhà nước đã có chính sách đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, đã huy động được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề để tổ chức đào tạo nghề phục vụ nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và xã hội…
 
Mặc dù chất lượng đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhiều lao động có tay nghề của các doanh nghiệp. Học sinh học nghề còn thiếu các kỹ năng mềm, khả năng làm việc theo tổ, theo nhóm. Nguyên nhân của thực trạng này là do cơ sở vật chất, trang thiết bị nghề hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn các trường chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích phòng học, giảng đường theo quy định; trang thiết bị thực hành, thực tập còn thiếu về chủng loại, số lượng và lạc hậu về công nghệ, nguyên vật liệu cho thực hành còn ít.
 
Chương trình đạo tạo theo quy định của Luật chưa phù hợp với yêu cầu thực tế. Sự phối kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình và kiểm soát quá trình đào tạo, đánh giá kết quả đầu ra còn hạn chế. Trình độ chuyên môn của giáo viên dạy nghề xét trên hồ sơ bằng cấp cơ bản đáp ứng chuẩn giáo viên theo quy định. Tuy nhiên, về kỹ năng chuyên môn nghề, ngoại ngữ; khả năng ứng dụng CNTT, tiến bộ khoa học công nghệ, cập nhật phương pháp giảng dạy tiên tiến… của giáo viên phục vụ quá trình đào tạo còn nhiều hạn chế.
 
Mục tiêu trong thời gian tới được ngành lao động, thương binh và xã hội đề ra là phát triển nguồn nhân lực có cơ cấu trình độ, ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng, có phẩm chất đạo đức tốt, có tác phong chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu của quá trình sản xuất, kinh doanh. Nhất là, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo trong lực lượng lao động, cụ thể đạt từ 70% - 75% vào năm 2020.
 
Bên cạnh đó, ngành lao động, thương binh và xã hội sẽ chỉ đạo các nhà trường nâng cao tỷ lệ học sinh sinh viên Cao đẳng, Trung cấp nhằm đáp ứng nguồn nhân lực có tay nghề cao cho thị trường lao động của Thành phố. Phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT cùng các nhà trường THCS, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tuyển sinh hệ Trung cấp nhằm nâng tỷ lệ học sinh THCS tham gia học nghề.
 
Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, sắp xếp nâng cao hiệu quả hoạt động của 9 trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố. Tăng cường cao sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác đào tạo tại mỗi đơn vị. Sáp nhập, giải thể các đơn vị hoạt động kém hiệu quả và thay vào đó tập trung đầu tư các đơn vị có năng lực tốt hơn, có ngành nghề đào tạo phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. 
 
Đặc biệt, thực hiện thí điểm đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp sử dụng lao động theo Kế hoạch của Thành phố. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực đòi hỏi công nghệ sản xuất hiện đại…

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t