Đường sắt đô thị Hà Nội: Cần cởi trói về chính sách để tạo đột phá (11:19 20/03/2017)


HNP - Vận tải hành khách công cộng, trong đó có đường sắt đô thị, đóng vai trò hết sức quan trọng giúp giảm ùn tắc giao thông, xây dựng đô thị văn minh. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) hiện được đánh giá là quá chậm, không thể đáp ứng được yêu cầu đề ra. Để tạo đột phá, đã đến lúc Chính phủ cần có sự quan tâm, cởi trói về chính sách cho Hà Nội.

Tuyến ĐSĐT số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến hoàn thành, khai thác vào cuối năm 2021


Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội sẽ có 9 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 372,5km, trong đó, có 140,8km cầu cạn; 167km cầu cạn kết hợp với đi bằng và 64,7km đi ngầm. Khái toán tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 700.801 tỷ đồng, tương đương 31,42 tỷ USD (đến năm 2030 cần 18,29 tỷ USD, sau năm 2030 cần 13,13 tỷ USD).
 
Trưởng ban BQL Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết: năm 2016, BQL Đường sắt đô thị Hà Nội được giao quản lý 2 dự án đang được thực hiện đầu tư là dự án đường sắt số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) và dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), đồng thờithực hiện chuẩn bị đầu tư 2 dự án: tuyến đường sắt đô thị số 3 giai đoạn 2 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai); tuyến đường sắt đô thị số 2 giai đoạn 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình). Tổng giá trị thực hiện trong năm 2016 đạt 1.245 tỷ đồng (bằng 163% kế hoạch), trong đó vốn ODA là gần 986 tỷ đồng, vốn trong nước là hơn 259 tỷ đồng; giá trị giải ngân đạt trên 1.227 tỷ đồng (bằng 160% kế hoạch).
 
Đến nay, dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành việc đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu, tổng giá trị các hợp đồng sau đấu thầu là 853,7 triệu Euro (tiết kiệm 104,3 triệu Euro so với tổng mức đầu tư). Dự án đã thi công được 30% tổng khối lượng và dự kiến hoàn thành, khai thác vào cuối năm 2021, chậm 36 tháng so với kế hoạch ban đầu.
 
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có chiều dài tuyến chính 11,5km, trong đó có 3km đi ngầm, điểm đầu được đặt tại Khu đô thị Ciputra, điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo. Tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 36,5 nghìn tỷ đồng (từ vốn vay ODA của Nhật Bản). Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, BQL ĐSĐT Hà Nội đang làm việc với các cơ quan liên quan để phê duyệt điều chỉnh dự án trong quý I/2017; phê duyệt thiết kế kỹ thuật, đấu thầu lựa chọn nhà thầu từ quý II/2017 đến quý II/2018; triển khai thi công các gói thầu từ quý III/2018 đến quý IV/2024.
 
Như vậy, nếu tiếp tục với tiến độ hiện tại, đến năm 2021, Hà Nội chỉ hoàn thành được 20% tổng khối lượng quy hoạch ĐSĐT, đến năm 2030 chỉ đạt được 30%. Việc triển khai các dự án ĐSĐT lại quá chậm như hiện nay không thể đáp ứng được yêu cầu đề ra là hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố những năm tới.
 
Một trong những hạn chế, trở ngại chính trong việc xây dựng, phát triển mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội là nguồn vốn. Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà cho biết, hiện vốn đầu tư cho các dự án ĐSĐT của Hà Nội có 3 nguồn là: ngân sách dành cho đầu tư công; vốn vay ODA và nguồn xã hội hóa theo hình thức hợp tác công tư. Trong khi nguồn ngân sách cực kỳ hạn chế thì nguồn ODA do Chính phủ phân bổ vẫn được coi là nguồn quan trọng nhất. Thế nhưng, vốn vay ODA lại bị chi phối bởi trần nợ công. Nếu theo cách tính thông thường thì Hà Nội chỉ vay tiền làm 2 dự án ĐSĐT đã hết trần nợ công. 
 
Trong khi đó, Hà Nội vẫn phải nộp ngân sách rồi đợi các bộ ngành hữu quan báo cáo lên Chính phủ, chờ được phân bổ trở lại nguồn vốn dành cho đầu tư công, tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ các dự án trọng điểm. Hai nguồn vốn chính khó khăn là thế, nguồn thứ 3 là kêu gọi xã hội hóa, hợp tác công tư lại rất khó thu hút. 
 
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cho rằng, tất cả những khó khăn về vốn mà Hà Nội đang phải đối diện đều xuất phát từ việc thiếu chính sách ưu tiên phù hợp. Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Tứ đề xuất Chính phủ nên xem xét, nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ, chấp thuận cho Hà Nội được thực hiện một số cơ chế tài chính đặc thù. Ví dụ như cho Hà Nội được ứng vốn ngân sách để thực hiện một số hạng mục của các dự án ĐSĐT cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với giao thông Thủ đô, như vậy sẽ rút ngắn được thời gian, trình tự thủ tục, đảm bảo tiến độ thi công. 
 
Về nguồn vốn vay ODA, phân bổ theo tỷ lệ hiện nay thì chắc chắn Hà Nội sẽ sớm kịch trần nợ công trong khi còn quá nhiều dự án ĐSĐT đang “khát” vốn. Hà Nội vẫn xác định, ngồn vốn vay ODA là nguồn chính, quan trọng nhất trong giai đoạn đầu tư trước mắt; do đó Chính phủ cần xem xét cho TP nới trần nợ công hoặc tạm thời đặt các dự án ĐSĐT ra ngoài quy định trần nợ công để tiếp tục vay và hoàn thiện dự án. Đối với việc huy dộng nguồn vốn xã hội hóa, hiện các cơ quan chức năng Hà Nội đang xem xét phương án kết hợp cả 2 hình thức BT và BOT nhằm tạo điều kiện, thu hút DN. 
 
Các dự án ĐSĐT của Thủ đô đang gặp rất nhiều khó khăn và không thể trễ hẹn thêm nữa; đã đến lúc Chính phủ cần có sự quan tâm, cởi trói về chính sách để Hà Nội có thể đột phá ra khỏi thế bế tắc đã tồn tại lâu nay. 

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t