Nhà báo Trần Công Mân: Một cây bút chính luận xuất sắc - một Tổng biên tập tài ba (14:29 18/06/2018)


HNP - Trong gần 70 năm xây dựng và phát triển, Báo Quân đội nhân dân - tờ báo vinh dự được Bác Hồ đặt tên - đã trở thành một cái nôi, một nhà trường đào tạo ra nhiều nhà báo thành danh, có tâm, có tầm của Báo chí Cách mạng Việt Nam, trong đó, có Thiếu tướng Trần Công Mân, người đã có 25 năm giữ chức Phó Tổng biên tập và Tổng biên tập báo (từ năm 1964 đến 1989). Thiếu tướng Trần Công Mân là niềm tự hào của những người làm báo chiến sĩ hôm nay.

Nhà báo Trần Công Mân (người ngồi đầu tiên, bên trái) thăm Thông tấn xã Giải phóng tại Mặt trận Tây Nguyên (tháng 4/1974)


Thiếu tướng, nhà báo Trần Công Mân, sinh năm 1925, tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tháng 11/1945, ông được phân công phụ trách chính trị trong lực lượng Giải phóng quân Hà Tĩnh khi mới tròn 20 tuổi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến dịch Điện Biên Phủ, chuyển sang làm báo, Thiếu tướng, Nhà báo Trần Công Mân từng giữ các chức vụ Phó Tổng biên tập, rồi Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân, Phó Tổng Thư ký Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Ông trở thành một trong số cây bút chính luận xuất sắc, một Tổng biên tập tài ba, đầy bản lĩnh trong làng báo Việt Nam của thế kỷ XX.
 
Theo đánh giá của các đồng nghiệp, tác phẩm của ông thường ngắn gọn, sắc sảo, không hoa hòe, hoa sói, lượng thông tin cao và đầy trí tuệ. Ông thường lựa chọn những chủ đề trung tâm của thời cuộc; mạnh dạn đề cập những vấn đề mới, thẳng thắn phân tích những khía cạnh mà người khác có khi né tránh. Cách lập luận cũng như suy nghĩ của ông nhiều khi gây nên sự bất ngờ thú vị.
 
Là chiến sĩ quân đội nhân dân, chủ đề quen thuộc của ông trước hết là đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vạch trần âm mưu diễn biến hòa bình, phê phán các luận điệu về nhân quyền, dân chủ, tự do, nhân đạo mà các giới thù địch thường rêu rao hoặc mượn cớ để xuyên tạc sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta và đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Cũng những vấn đề trên, nhưng lại được ông đề cập chính diện, đặt vào thực tiễn nước ta với tư duy đổi mới soi rọi, phân tích, lý giải, đề xuất ý kiến của mình. Bài báo "Mở cửa và việc khẳng định những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa" ông viết vào cuối thập niên 80, khi đường lối đổi mới đang định hình, đã xuất hiện đúng thời điểm, đặt trúng vấn đề, nhằm đúng đối tượng, góp phần nâng cao sự nhất trí về nhận thức và quan điểm trong cán bộ, đảng viên.
 
Ngòi bút của Trần Công Mân thể hiện rõ sức chiến đấu trên mặt trận chống tiêu cực. Ông luôn tìm những cách tiếp cận khác nhau, song phần lớn biểu hiện một tâm trạng bức xúc trước các tệ nạn xã hội và sự trăn trở muốn góp phần tìm ra giải pháp. Quan tâm những chủ đề lớn như: chỉnh đốn Đảng, chất lượng đảng viên, công tác thanh niên, thiếu niên, ông không coi nhẹ những chuyện đời thường. Chuyện lương bổng, chén rượu ngày Xuân, an cư lạc nghiệp, gói quà trà phép…được ông viết với giọng văn dí dỏm nhưng đôi khi không phải là không chua chát: “Bổng không phải là của trời cho…Bổng càng nhiều thì công bằng xã hội càng giảm”.
 
Thiếu tướng Trần Công Mân công tác tại Báo Quân đội nhân dân 25 năm (từ năm 1964 đến 1989), trong đó, có 15 năm làm Phó Tổng biên tập (từ năm 1964 đến 1979) và 10 năm làm Tổng biên tập (từ năm 1979 đến 1989). Về công tác biên tập và quản lý báo chí của Thiếu tướng Trần Công Mân, theo ý kiến của nhiều nhà báo lão thành Báo Quân đội nhân dân thì đó là sự nghiêm túc, sắc sảo và dám chịu trách nhiệm. 10 năm Thiếu tướng Trần Công Mân làm Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân là thời kỳ Quân đội ta thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn to lớn về kinh tế-xã hội, lại phải luôn đối phó với những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm, thâm độc của các thế lực phản động.
 
Trong khoảng thời gian đó, Báo Quân đội nhân dân là một trong những tờ báo tiên phong chống tiêu cực và bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng. Hàng loạt vụ tiêu cực ở Bắc - Trung - Nam được đưa lên báo. Một số vụ đụng chạm cả một hệ thống quyền lực ở cấp tỉnh, ở một bộ; có vụ đụng cả Trung ương Ủy viên, đại biểu Quốc hội đương nhiệm… Một sức ép lớn đối với Tổng biên tập bản báo: Ép từ trên xuống và cả từ bạn đọc. Trong sóng to gió lớn, "thuyền trưởng" Trần Công Mân đã tin ở mình, tin ở cấp dưới, dám chịu trách nhiệm và bảo vệ lẽ phải tới cùng.
 
Đánh giá về giai đoạn Thiếu tướng Trần Công Mân làm Tổng biên tập báo, Đảng ủy, Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân nhiệm kỳ 2005-2010 đã viết trong cuốn sách “Lịch sử Báo Quân đội nhân dân (1950-2010)” như sau: “...Trong những tháng ngày khó khăn và gian khổ đó, nổi lên sự bình tĩnh, vững vàng, sắc sảo và dám chịu trách nhiệm của Đảng ủy và Ban biên tập, đứng đầu là Tổng biên tập Trần Công Mân. Với sự từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với sự nhạy cảm của một nhà báo tài năng và tâm huyết, luôn nắm bắt đúng chỉ đạo của trên, Tổng biên tập Trần Công Mân và Ban biên tập đã đưa Báo Quân đội nhân dân vượt qua và vươn lên ở giai đoạn rất đặc biệt này, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng ủy Quân sự Trung ương và cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân” (trang 402 và 403).
 
Nhà báo Trần Công Mân xuất thân là chiến sĩ Giải phóng quân năm 1945 và khi qua đời năm 1998, lễ tang ông được tiến hành trọng thể với nghi thức dành cho cấp tướng tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, dưới sự chủ trì của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.
 
Tấm gương của nhà báo Trần Công Mân là tài sản vô giá, là cuốn cẩm nang nghề nghiệp quý báu để lại nhiều bài học có giá trị về tư tưởng, nghề nghiệp cho các thế hệ làm báo nước nhà. Bằng tài năng, bằng bản lĩnh ông đã trở thành một trong số cây bút chính luận xuất sắc, một Tổng Biên tập đầy khí phách trong làng báo Việt Nam thế kỷ XX.

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t