Nhiều góp ý thiết thực vào dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 15 (06:35 25/05/2018)


HNP - Chiều 24/5, UBND TP Hà Nội tổ chức hội thảo tham gia ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điểu chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội thảo


Bên cạnh những thành tựu nổi bật đã đạt được, dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; chưa phát huy hết thế mạnh các nguồn lực về vốn, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, tài sản công chưa cao; ứng dụng công nghệ cao để phát triển sản xuất còn thấp, chưa đồng bộ. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu. Quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn hạn chế; cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư cũ trong nội thành chậm; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trường đại học, cao đẳng, cơ sở khám, chữa bệnh ra ngoài khu vực nội đô cũ chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
 
Văn hóa - xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chưa tương xứng với vị thế, vai trò Thủ đô; nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị có mặt còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa được đầu tư đúng mức; một số mặt của công tác giáo dục và đào tạo chuyển biến chậm, hiệu quả giáo dục đạo đức học đường ở các cấp học còn bất cập; công tác y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, an toàn vệ sinh thực phẩm có mặt còn hạn chế. Cũng với đó là tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương, đơn vị cơ sở còn chưa tốt. Chất lượng, hiệu quả hợp tác, đối ngoại để thu hút nguồn lực phát triển KT-XH Thủ đô một số mặt còn hạn chế. 
 
Đóng góp ý kiến cho dự thảo, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, đặc điểm Hà Nội là nơi tập trung đông trường ĐH, CĐ, dạy nghề, đây là sự khác biệt lớn của Thủ đô, vai trò các trường rất lớn, nhiều ý kiến nói rằng đây là "mỏ vàng" để Hà Nội cần cố gắng khai thác. GS.TS Trần Thọ Đạt đề nghị làm rõ nét thêm vai trò các trường và việc phát triển sau này. Ngoài ra, báo cáo cần đánh giá rõ hơn vai trò động lực mô hình tăng trưởng kinh tế của Hà Nội cũng như phân tích rõ hơn những mặt đã làm được và chưa làm được trong lĩnh vực quy hoạch trật tự đô thị, phát triển nông thôn mới, cải cách hành chính... 
 
Còn theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sau khi mở rộng, công tác ổn định chính trị, tư tưởng của Hà Nội rất tốt, bộ máy Hà Tây cũ về Hà Nội có sự sắp xếp ổn định, cuộc sống người dân không bị xáo trộn, ổn định nhanh về tổ chức. Là những người trong nghề nhưng ông cảm thấy Hà Nội mở rộng hàng ngày, với những khu đô thị mới hiện đại, khang trang. Việc mở rộng Thủ đô có ý nghĩa lịch sử với Hà Nội và cả nước...
 
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần phân tích rõ nguyên nhân những đặc thù của Hà Nội, bổ sung những điểm là cơ hội của Hà Nội mà 10 năm qua chưa tận dụng dụng được (cụ thể từ chính sách, cơ chế... ) và nêu giải pháp để đi đến những kiến nghị Hà Nội đang gửi Trung ương trong dự thảo báo cáo. Ông Hiếu cho rằng Hà Nội cần định hướng mục tiêu cụ thể, như là địa phương đi đầu của cả nước tận dụng 4.0 trong cải cách hành chính; ngoài ra không chỉ đặt mục tiêu dẫn đầu cả nước mà cần mục tiêu đi đầu khu vực, ví dụ như đi đầu cả nước và trong khu vực về khởi nghiệp...
 
Toàn cảnh hội thảo

Các Giáo sư, Tiến sỹ, nhà khoa học cũng bày tỏ đồng tình về nhận định Hà Nội vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng. Các đại biểu cho rằng về định hướng, Hà Nội cần phải tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để phát triển để xây dựng Thành phố thông minh (Smart City) và có lộ trình từ Chính phủ điện tử (Smart Government) đến công dân thông minh (Smart People); khai thác “mỏ vàng” là nơi tập trung rất đông các trường Đại học, cao đẳng; phát triển các đô thị vệ tinh; hướng đến là trung tâm khởi nghiệp, KHCN của khu vực; giãn dân khỏi vùng lõi đô thị...
 
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng đây là dịp để TP có dịp đánh giá toàn diện tình hình phát triển của Thủ đô trong 10 năm qua. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nêu vấn đề những "điểm nghẽn" hiện nay có nhiều vấn đề không chỉ của Thủ đô mà còn của cả nước. Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, nên cần phải có thể chế vượt trội trên cơ sở đề xuất trực tiếp, nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Hà Nội cần được ưu tiên về vấn đề xây dựng trung tâm tài chính, kinh tế, trung tâm cơ sở đào tạo, trung tâm y tế, trung tâm khoa học công nghệ.
 
Kết luận hội thảo, thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trân trọng cảm ơn các đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, Hiệp hội… đã đóng góp ý kiến để ban soạn thảo có cơ sở bổ sung chỉnh sửa vào báo cáo. Trong đó, tập trung đóng góp bổ sung bố cục, kết quả đạt được sau 10 năm, cơ chế chính sách, quy hoạch và thực hiện quy hoạch; bổ sung phương hướng; tồn tại và thách thức; đề xuất kiến nghị. Các đại biểu nhấn mạnh việc tăng cường các giải pháp thực hiện chung của Thủ đô, quy hoạch phân khu đảm bảo quy hoạch thực hiện hiệu quả, trong đó, chú ý quy hoạch vùng lõi và khu nông thôn, khu đô thị vệ tinh. Bên cạnh đó, nhấn mạnh tác động đánh giá làm sáng tỏ thực hiện Nghị quyết trong việc phát triển kinh tế an ninh quốc phòng; tổ chức bộ máy hành chính sớm đi vào ổn định; Tác động phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng sau hợp nhất.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t