Tích cực triển khai các phương án ứng phó với thiên tai (20:02 17/05/2018)


HNP - Chiều 17/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị đánh giá công tác phòng, chống thiên tai năm 2017 và triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai năm 2018. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị


Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội, năm 2017, có 16 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó bão số 2, số 10 ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ từ ngày 10-12/10/2017, khu vực Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa trung bình trên toàn Thành phố là 167,8mm (lớn nhất tại Ba Vì là 346,2mm). 
 
Mưa lớn gây thiệt hại nặng nề đến đời sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn Thành phố, đặc biệt một số huyện phía Tây và Tây Bắc như: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai… (mưa lớn đã làm 1 người chết, trên 7.000 nhà bị ngập nước, trên 7.000ha lúa và cây trồng bị thiệt hại, trên 8.000 con gia súc bị cuốn trôi, trên 9.000ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, hơn 8.000m đê bị sạt lở….).
 
Có 18/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố bị thiệt hại, trong đó, có 2 huyện phải tổ chức huy động lực lượng sơ tán dân là Chương Mỹ, Mỹ Đức. Thiệt hại về công trình xây dựng, giao thông, đê điều, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng. Năm 2017, để chuẩn bị tốt cho việc ứng phó với mưa bão, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tích cực tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê, tổng hợp số lượng, chất lượng vật tư phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai và có kế hoạch bổ sung vật tư đủ số lượng theo quy định.
 
Bộ Tư lệnh thủ đô cũng chỉ đạo phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị liên quan huy động 17.929 lượt người và 1.213 lượt phương tiện các loại tham gia xử lý 445 vụ việc thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn (trong đó có 26 vụ thiên tai với lực lượng huy động 3.172 lượt người và 61 lượt phương tiện các loại). Riêng lực lượng, phương tiện của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 8.448 lượt người, 76 lượt phương tiện.
 
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ triển khai đảm bảo thông tin liên lạc và cung cấp thông tin về khí tượng, thủy văn phục vụ công tác phòng, chống thiên tai năm 2017. Các đơn vị phục vụ thông tin liên lạc đã xây dựng phương án triển khai các mạng thông tin liên lạc như: Mạng vô tuyến, mạng hữu tuyến. Triển khai 15 trạm đo thủy văn trên các tuyến sông, 26 trạm đo mưa trên địa bàn toàn thành phố và các điểm đo mực nước của 18 hồ chứa Thành phố quản lý.
 
Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai 19 công trình cấp bách, cải tạo, nâng cấp  5,37km đường hành lang đê, xử lý tổ mối chiều dài 10,465km, 30 điếm canh đê… Ở khu vực nội thành, năm 2017, thành phố triển khai thi công xóa bỏ được 5/18 điểm úng ngập cục bộ trên địa bàn Thành phố. Hệ thống kênh mương, cống được nạo vét, duy tu đảm bảo thông thoáng dòng chảy, đưa nước nhanh nhất về các trạm bơm tiêu, 100% các tuyến mương tiêu thoát nước chính được nạo vét; các cửa xả ra sông được vệ sinh. 
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: Thiên tai đang ngày một bất thường và khó lường, do đó, các đơn vị không thể để tâm lý chủ quan. Đồng chí cho rằng, thành phố Hà Nội có diện tích đê lớn, tuy nhiên, đê điều Hà Nội vẫn còn nhiều điểm sung yếu. Vì vậy, các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị 05/CT-UBND 2018 về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Chủ tịch UBND thành phố. 
 
Trước mùa mưa bão năm 2018, lãnh đạo thành phố cũng đề nghị các sở ngành, các địa phương xây dựng phương án hộ đê, bảo đảm an toàn hồ đập. Sẵn sàng phương án ứng phó các cấp độ, tình huống, loại hình thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm ứng phó chủ động, kịp thời xử lý các sự cố. Phó Chủ tịch Thường trực lưu ý các địa phương cần xây dựng phương án sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm (ven sông, địa bàn trũng thấp, nơi có nguy cơ sạt lở đất…).
 
Ngoài ra, cần dự trữ lương thực, thuốc men, hàng hóa vật tư thiết yếu để hỗ trợ Nhân dân khi thiên tai xảy ra... Phó Chủ tịch Thường trực cũng nhấn mạnh: Các sở, ban, ngành, các địa phương cần phân công, phân nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trong phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố thuộc lĩnh vực ngành quản lý. “Lãnh đạo địa phương phải trực tiếp xuống địa bàn, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai thường xuyên, sâu sát, sẵn sàng ứng phó trên tinh thần chủ động cao nhất…”.
 
Riêng đối với khu vực nội thành, Phó Chủ tịch lưu ý về mưa lớn dẫn đến ngập úng ở các điểm nội thành, các đơn vị cần có kế hoạch thoát nước, Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cần phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tiêu thoát nước ra các sông lớn, tránh gập úng nội thành. Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cần điều tiết giao thông, phân làn; Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội cần rà soát lại các khu vực cây dễ bị đổ, gãy, chằng chống để đảm bảo vệ cây trồng.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t