Hà Nội phải đi đầu cả nước về nghiên cứu khoa học công nghệ (21:03 23/04/2018)


HNP - Chiều 23/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, do đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội làm trưởng đoàn, đã làm việc với UBND TP Hà Nội về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý thay mặt UBND TP làm việc với đoàn.

Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu tại buổi làm việc


Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở KH&CN Lê Ngọc Anh cho biết: Chiến lược phát triển KC&CN của TP Hà Nội đến năm 2020 đã chỉ ra hướng phát triển là tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao (cơ khí chế tạo; điện, điện tử, tự động hóa; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ thông tin và công nghệ môi trường) vào sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tập trung vào những khâu có giá trị tăng cao như: giống cây trồng, giống vật nuôi; canh tác, nuôi trồng, chế biến, bảo quản sau thu hoạch ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm sạch, năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
 
TP đã tích cực triển khai các nội dung hướng dẫn thực hiện Luật KH&CN năm 2013, tiến hành việc tuyển chọn đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các dự án sản xuất thử nghiệm theo quy trình và hướng dẫn của Bộ KH&CN. Chiến lược phát triển KH&CN của TP đã xác định mục tiêu là: Phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ; đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đến năm 2020, Hà Nội là trung tâm phát triển công nghệ cao với tiềm lực KH&CN, năng lực nghiên cứu, phát minh, sáng chế, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có uy tín trong khu vực.
 
Đáng chú ý, TP đã ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các DN đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ, phát triển DN KH&CN. Để khuyến khích, hỗ trợ các DN, nhất là DN vừa và nhỏ đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, thời gian qua, TP đã triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách cụ thể như: Hỗ trợ triển khai áp dụng chương trình các hệ thống quản lý chất lượng, theo các tiêu chuẩn ISO 9001:2008, 14:000 và ISO 22000; Hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án nông thôn miền núi; Hỗ trợ DN nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thông qua việc cấp kinh phí để thực hiện các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm; Chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ; Hỗ trợ DN công nghiệp phụ trợ; Phối hợp tổ chức thành công Hội chợ giao thương ngành chế tạo Hà Nội 2017 với sự tham của 139 DN ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản… Bên cạnh đó, TP đã hỗ trợ 21 DN kinh phí để nghiên cứu, hoàn thiện, đổi mới công nghệ để thực hiện 25 nhiệm vụ KH&CN. Hỗ trợ ươm tạo DN KH&CN, từ năm 2012-2017, TP đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt cho hơn 11 DN và 1 hợp tác xã tham gia 15 dự án thuộc các chương trình quốc gia; hỗ trợ các DN thương mại hóa sản phẩm, giới thiệu các DN KH&CN tham gia các giải thưởng có uy tín….
 
Ngoài ra, TP đã phối hợp với Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh mẽ DN khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Kết nối các chương trình, nhiệm vụ KH&CN để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa của DN….
 
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, các đề tài nghiên cứu khoa học của TP mặc dù đã và đang được triển khai mạnh mẽ nhưng tính ứng dụng chưa cao, cơ chế thu hút DN bỏ tiền nghiên cứu chưa hấp dẫn, thị trường KHCN chưa phát triển, chưa phát huy được lợi thế của Hà Nội... Vì thế, liên quan một số kiến nghị, TP đề nghị các Bộ hoàn thiện các nghị định hướng dẫn, có cơ chế hợp tác giữa DN và nhà nước trong nghiên cứu khoa học; tạo cơ chế tài chính để nghiệm thu đề tài khoa học.
 
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá cao các hoạt động KHCN trên địa bàn TP. Trên cơ sở hệ thống pháp luật của Quốc hội, TP đã kịp thời ban hành các hệ thống văn bản và chỉ đạo trực tiếp để điều chỉnh hoạt động KHCN của TP, tạo ra các sản phẩm khoa học mang dấu ấn của Thủ đô. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Hà Nội tiếp tục phát huy và phải đi đầu trong công tác này; trong đó, cần tạo cơ chế chính sách để chi cho KHCN. Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội nhấn mạnh, với vai trò là địa phương có nhiều tiềm năng, là Thủ đô của cả nước, Hà Nội phải đi đầu cả nước về nghiên cứu KH&CN.

Anh Quý


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t