Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản (14:30 20/04/2018)


HNP - Sáng 20/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và cầu truyền hình trực tuyến 63 tỉnh thành trong cả nước.

Toàn cảnh hội nghị


Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Trong quá trình triển khai pháp luật về đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách từ thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng, từ việc tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các kiến nghị của cử tri, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, người dân. Thông qua đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp và bước đầu đã tháo gỡ kịp thời một số khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng đòi hỏi phải có những giải pháp tháo gỡ.
 
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, hoạt động đầu tư xây dựng có phạm vi rất rộng, phức tạp, có đặc thù riêng và cần có sự kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn công trình, tính mạng và tài sản của người dân, đảm bảo hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, chống thất thoát, lãng phí. Hiện nay, hoạt động đầu tư xây dựng đang chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 Luật khác nhau và rất nhiều Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu xác định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc dự án đầu tư xây dựng, đưa dự án vào vận hành, khai thác.
 
Do đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề xuất Chính phủ cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng. Nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu lực thống nhất và tính khả thi của hệ thống pháp luật, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành đề xuất, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được giao theo đề xuất của Bộ Xây dựng, giao Bộ Tư pháp tổng hợp, đề xuất chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ từng năm cho đến năm 2020 để các Bộ chủ động thực hiện theo phân công.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết: Thành phố Hà Nội đã nghiêm túc triển khai công tác đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ. Qua triển khai năm 2017, quý I/2018, các bộ ngành đã giải quyết được nhiều vướng mắc, kết quả giải ngân đầu tư công. Kết quả giải ngân đầu tư công năm 2017 đạt 35.500 tỷ, đạt 96,2%, Quý I/2018 giải ngân được khoảng 14,5%. Tuy nhiên, chậm so với yêu cầu. 
 
Để tạo thuận lợi cho công tác đầu tư công TP Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Chính phủ đề xuất sửa đổi những vấn đề liên quan đến cấp, quy trình thẩm định chủ trương đầu tư cũng như là các vấn đề về Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản trong quá trình thực hiện vẫn có những vướng mắc như trong quá trình triển khai dự án có khi phát sinh dự án mới do yêu cầu thực tiễn; tuy nhiên, nếu giao phải hoàn thành dự án trước 30/10 của năm trước, như vậy, không có điều kiện để bố trí vốn. Do vậy, thành phố đề nghị, nếu thành phố Hà Nội cũng như các thành phố khác cân đối được nguồn vốn trong năm và bổ sung được từ nguồn kết dư, nguồn tăng thu và các nguồn khác thì cho phép các dự án đủ thủ tục bố trí vốn nhằm giải quyết được vấn đề phát sinh thực tiễn hàng ngày của các địa phương.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
 
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Hoạt động đầu tư xây dựng có phạm vi rất rộng, phức tạp, có đặc thù riêng và cần có sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an toàn công trình, tính mạng và tài sản của người dân, bảo đảm hiệu quả quản lý sử dụng vốn, chống lãng phí, thất thoát. Do vậy, các bộ, ngành, đặc biệt là ngành Xây dựng sẽ phải tiếp thu các ý kiến có liên quan đến xây dựng cơ bản để hoàn thiện thể chế tốt hơn.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sẽ đề ra những giải pháp khắc phục có hiệu quả, phát triển bền vững hoạt động đầu tư xây dựng - một trong những lĩnh vực sản xuất quan trọng nhất của nền kinh tế. Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản. Yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ thể chế pháp luật, thủ tục rườm rà, thái độ thiếu trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân nhằm tạo mọi điều kiện cho đầu tư tư nhân, xã hội hóa nguồn lực.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t