Không để người dân thiếu nước trong mùa Hè 2018 (13:14 19/04/2018)


HNP - Sáng 19/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chủ trì phiên họp tập thể UBND TP thường kỳ tháng 4 nhằm xem xét, quyết định một số nội dung thuộc trách nhiệm, thẩm quyền UBND TP. Cùng tham dự có các Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Doãn Toản; lãnh đạo các sở, ngành của TP.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp


Công khai đầy đủ, thường xuyên các dịch vụ công đã được công bố
 
Tập thể UBND TP đã nghe Sở Nội vụ trình bày dự thảo Quyết định về việc ban hành Quy định việc áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã tại thành phố Hà Nội. 
 
Dự thảo yêu cầu toàn bộ các thủ tục dịch vụ công phải được rà soát, xây dựng và thực hiện công bố, công khai. Một thủ tục dịch vụ công phải bảo đảm đầy đủ các bộ phận cấu thành theo quy đinh như đối với một TTHC được quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC. Đối với các thủ tục dịch vụ công có giá dịch vụ công được xác định theo cơ chế thị trường, các đơn vị, doanh nghiệp tự công bố giá và công khai đế cá nhân, tổ chức biết đồng thời gửi Sở, cơ quan tương đương Sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và Sở Tài chính để theo dõi.
 
Dự thảo cũng yêu cầu thông tin về thủ tục dịch vụ công đã được công bố phải được công khai đầy đủ, thường xuyên, rõ ràng, dễ tiếp cận, dễ khai thác, sử dụng. Hình thức công khai: Niêm yết công khai tại trụ sở đơn vị, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công; Đăng tải trên cổng Giao tiếp điện tử Thành phố và Cổng/Trang thông tin điện tử của Sở, cơ quan tương đương Sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực; Ngoài hình thức công khai bắt buộc, việc công khai thủ tục dịch vụ công có thể thực hiện theo các hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, doanh nghiệp và đối tượng thực hiện thủ tục dịch vụ công.
 
Theo dự thảo, Quy trình cung ứng dịch vụ công theo cơ chế một cửa bao gồm các bước: Tiếp nhận hồ sơ; Chuyển hồ sơ; Giải quyết hồ sơ; Trả kết quả. Đối với Quy trình cung ứng dịch vụ công theo cơ chế một cửa liên thông, hồ sơ cung ứng dịch vụ công được tiếp nhận, tập trung xử lý ban đầu tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan, đơn vị chủ trì cung ứng dịch vụ công. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chủ trì tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị phối hợp bằng văn bản. Trên cơ sở giải quyết của các cơ quan phối hợp, cơ quan chủ trì thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định và trả kết quả giải quyết cho cá nhân, tổ chức theo quy định. Các cơ quan, đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ công theo cơ chế một cửa liên thông xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp để tổ chức thực hiện tốt quy trình cung ứng.
 
Về nội dung này, tập thể UBND TP cơ bản thống nhất với dự thảo Quyết định do Sở Nội vụ trình bày, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giao Sở Nội vụ rà soát, hoàn thiện Quyết định trình UBND TP để ban hành.
 
Thí điểm đầu tư các khu đô thị nhà ở xã hội tập trung
 
Báo cáo về thí điểm đầu tư các khu đô thị nhà ở xã hội tập trung trên nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể quy mô nhà ở thương mại toàn TP, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, tổng mục tiêu phát triển diện tích m2 sàn nhà ở trên địa bàn toàn Thành phố giai đoạn 2016-2020 là 27.838.861 m2, trong đó, 20.418.000 m2 sàn nhà ở thương mại; 6.220.861 m2 sàn nhà ở xã hội (hiện còn thiếu khoảng 2.162.649 m2 sàn); 1.200.000 m2 sàn nhà ở phục vụ tái định cư… Qua rà soát, Thành phố hiện đang có khoảng 6 Đồ án Quy hoạch chi tiết khu đô thị có quy mô hơn 10 ha đất đã được phê duyệt đã dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, khi phát triển nhà ở xã hội tại các ô đất thuộc quỹ 20% đất ở của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố đã phát sinh bất cập như: Diện tích nhỏ lẻ nằm rải rác trong các khu đô thị, nhất là khi chia tỷ lệ 20% nhà ở để cho thuê và 20% nhà ở chủ đầu tư được kinh doanh thương mại; Tăng áp lực đô thị về dân số do diện tích căn hộ nhỏ… 
 
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, để chủ động phát triển nhà ở xã hội đáp ứng mục tiêu phát triến nhà ở theo chương trình, kế hoạch của TP đã được duyệt, không phụ thuộc vào tiến độ thực hiện dự án nhà ở thượng mại có bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội…Từ đó việc hình thành các khu đô thị nhà ở xã hội tập trung trên nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể quy mô nhà ở thương mại toàn Thành phố có ý nghĩa quan trọng và hết sức cần thiết để khắc phục các bất cấp trên. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương để Hà Nội triển khai. Bù đắp phần diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội còn thiếu khoảng 2.162.649 m2, Ban cán sự Đảng UBND TP đã xin chủ trương và được Thành ủy Hà Nội đồng ý thông qua việc xây dựng 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung và giao các nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với khoảng 301,64 ha đất. Cụ thể là: 2 Khu đô thị nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, diện tích khoảng 47,72 ha và 39,5 ha; Khu đô thị nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, diện tích khoảng 53 ha; Khu đô thị nhà ở xã hội tập trung tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín, diện tích khoảng 44,62ha; Khu đô thị nhà ở xã hội tập trung xã Đại Mạch, huyện Đông Anh với quy mô 116,7 ha. Các khu nhà ở gần hệ thống giao thông công cộng, sẽ tạo ra các khu nhà ở xã hội hiện đại, có cảnh quan đồng bộ, đảm bảo được các tiêu chí về sinh hoạt, hạ tầng xã hội thuận tiện, phù hợp với thu nhập của cán bộ chiến sỹ công an, quân đội, văn nghệ sỹ, nhà khoa học, công nhân, công chức, viên chức của các Bộ, Ban, Ngành của Trung ương... Đến nay, UBND TP đang xét duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với 5 khu đô thị nhà ở xã hội ở nêu trên, khi hoàn thành sẽ có khoảng 2,63 triệu m2 sàn nhà ở xã hội… 
 
Kết luận về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, sau khi thăm mô hình nhà ở xã hội Đặng Xá, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Hà Nội thí điểm xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội mà Chính phủ giao. Chủ tịch UBND TP đề nghị các sở ngành khẩn trương hoàn thiện đề xuất báo cáo UBND TP xem xét, trình HĐND TP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Đảm bảo công tác cung cấp nước sạch mùa Hè 2018
 
Để bảo đảm cung cấp nước sạch mùa Hè năm 2018 khu vực đô thị Thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, tổng nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay trung bình khoảng 942.145 lít/ngày đêm. Việc cung cấp nước sạch cho khu đô thị Thành phố hiện nay chủ yếu do 4 Công ty nước sạch cung cấp cho 1.000.000 khách hàng, tương đương khoảng 1.300.000 hộ gia đình với khoảng trên 5.200.000 người dân (tăng khoảng 6% so với năm 2017); tỷ lệ người dân khu vực 12 quận được cung cấp nước sạch cơ bản đạt gần 100%; tỷ lệ nước thất thoát, thất thu chung trên hệ thống khoảng 20,5%.
 
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, từ thực trạng hệ thống cấp nước của thành phố, mặc dù mùa Hè năm 2018 hệ thống cấp nước đô thị đã được bổ sung thêm khoảng 100.000m3/ngày đêm nhưng do tốc độ phát triển đô thị (số khách hàng đấu nối tăng thêm trên 6%) nên dự báo mùa Hè năm 2018 việc cung cấp nước sạch tại một số khu vực cuối nguồn có cốt địa hình cao sẽ còn khó khăn vào một số thời gian cao điểm.
 
Dự kiến, thời điểm cao điểm mùa Hè (đặc biệt khu vực do Công ty cổ phần Viwaco quản lý sử dụng nguồn sông Đà) sẽ thiếu khoảng 20.000-24.000m3/ngày đêm (khi nguồn nước sạch sông Đà chưa được bổ sung). Bên cạnh đó, cơ bản mạng lưới đường ống cấp nước của các Công ty đảm bảo an toàn cung cấp nước; các sự cố nhỏ được phát hiện, sửa chữa kịp thời. Riêng đối với tuyến cấp nước từ Nhà máy nước sông Đà cấp về Hà Nội hiện tại khoảng 219.295m3/ngày đêm, chiếm khoảng 23,27% tổng sản lượng nước cấp cho Hà Nội, tuyến ống này vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao xảy ra sự cố vỡ ống gây ảnh hưởng đến cấp nước cho nhân dân, đặc biệt khu vực phía Tây Nam thành phố. Tuyến ống truyền tải nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà hiện đang được vận hành với áp lực thấp hơn so với thời gian trước đây, do vậy càng hạn chế khả năng cung cấp nước cho khu vực trung tâm thành phố…

Để đảm bảo công tác cung cấp nước sạch mùa Hè 2018, Sở Xây dựng yêu cầu các Công ty nước sạch phải rà soát kỹ và xây dựng các giải pháp, biện pháp cụ thể, chi tiết nhằm khắc phục tình trạng khó khăn về nước sạch mùa hè 2018, đặc biệt đối với tình huống sự cố vỡ tuyến ống số 1 sông Đà.
 
Cùng với việc yêu cầu các đơn vị đảm bảo kế hoạch sản xuất, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, Hà Nội cũng yêu cầu các công ty cấp nước thực hiện một số giải pháp đồng bộ như vận hành van, điều tiết cấp nước, lắp đặt bơm tăng áp di động, vận hành mạng lưới cấp nước phân khu theo giờ, huy động các xe stec hỗ trợ cấp nước những đối tượng ưu tiên như bệnh viện, trường học...
 
Đặc biệt, Hà Nội yêu cầu, Công ty VIWASUPCO vận hành tối ưu nhà máy và van điều tiết đảm bảo tuyến ống truyền dẫn số 1; chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ vật tư, vật liệu, ống dự phòng, phương tiện, thiết bị và nhân lực thi công thực hiện sửa chữa, khắc phục sự cố vỡ ống để cung cấp nước cho nhân dân nhanh nhất. Thời gian sửa chữa, khắc phục không kéo dài quá 10 giờ/1 điểm vỡ; tập trung thi công hoàn thành tuyến truyền dẫn cấp nước số 2 sông Đà, trạm bơm tăng áp Tây Mỗ và đoạn tuyến từ trạm tăng áp đến vành đai 3 như cam kết…
 
Về vấn đề dân sinh cấp thiết này, yêu cầu Sở Xây dựng phải phân tích rõ nhu cầu tăng thêm về nước sạch, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu rõ: “Tỷ lệ thất thoát nước còn cao, cần có giải pháp chống thất thoát nước. Những địa điểm, địa bàn có nguy cơ thiếu nước phải có kế hoạch bổ sung cụ thể; phân công trách nhiệm, phần việc cụ thể của từng đơn vị để ứng phó khi xảy ra sự cố nước sạch”. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở Xây dựng xây dựng lộ trình lắp thêm máy lọc để nâng cao chất lượng nước sạch theo tiêu chuẩn uống được tại vòi. Sở Y tế thường xuyên tăng cường kiểm tra chất lượng nước sạch, công khai để người dân biết.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t