Hiệu quả từ thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU: Hình thành nếp cưới văn minh (14:40 12/02/2018)


HNP - Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội cho thấy, Chỉ thị ra đời rất đúng và trúng, do vậy, đã đạt được những kết quả tích cực, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện việc cưới văn minh, tiết kiệm.

Chuyển biến nhận thức

Trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy, việc tổ chức cưới cho bản thân, con, em của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa thực sự gương mẫu, vẫn có đám tổ chức linh đình, phô trương, xa hoa, lãng phí (số lượng khách mời đông, có đám cưới ngót 1.000 khách mời dự, tổ chức ở những nơi chi phí rất tốn kém như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp...) gây dư luận và ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cán bộ, đảng viên và việc thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Sau khi ban hành, Chỉ thị số 11 đã được các sở, ban, ngành, đoàn thể, các quận, huyện, thị, đảng bộ khối, trực thuộc triển khai với nhiều hình thức phong phú, tạo bước chuyển đáng kể trong hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời xử lý các trường hợp cưới tảo hôn, vi phạm Luật hôn nhân gia đình. Có biện pháp kiểm điểm, nhắc nhở cán bộ, đoàn viên, hội viên chấp hành chưa nghiêm túc Chỉ thị của Đảng và các quy định của địa phương trong việc cưới theo nếp sống văn minh.

Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từ Thành phố đến các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị và các đơn vị cơ sở tổ chức tiệc cưới cho người thân trong gia đình nghiêm túc thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 11, không mời tràn lan, hình thức cưới đơn giản, khuyến khích hình thức báo hỷ sau ngày cưới thay cho việc mời dự tiệc cưới. Ngay sau khi có sự triển khai đồng bộ, tích cực từ Thành phố đến cơ sở, việc thực hiện Chỉ thị đã có sự chuyển biến đáng kể: số lượng khách mời từ 300 người trở xuống hầu hết đã được chấp hành nghiêm túc; không có trường hợp tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không có trường hợp tổ chức ở những nơi chi phí quá tốn kém.

Quần chúng nhân dân Thủ đô cũng hoan nghênh và hưởng ứng tinh thần của Chỉ thị số 11. Việc tổ chức đám cưới ở nhiều địa phương trước đây từ 02 - 03 ngày, nay rút xuống 01 ngày; từ chỗ số đông thành viên trong một gia đình của thôn, xóm dự đám cưới, nay chỉ còn đại diện các gia đình; từ 100 đến 150 mâm cỗ khách mời nay chỉ còn 50 mâm.

Những cách làm hay

Đến nay, đa số đám cưới trên địa bàn Thành phố đã thực hiện theo nếp sống văn minh; số đám cưới tổ chức ăn uống linh đình, phô trương, lãng phí giảm nhiều. Một số mô hình cưới văn minh tại các địa phương được dư luận nhân dân đồng tình, hưởng ứng và ghi nhận như: Quận Hà Đông đã duy trì tốt mô hình cưới từ 40 đến 50 mâm cỗ (mỗi mâm 6 người), tổ chức cưới theo hình thức tiệc trà. Tại Quận Tây Hồ, mô hình “Chi hội phụ nữ thông minh” tổ chức các hoạt động phong phú, sáng tạo như: “Festival cưới” tại công viên nước Hồ Tây cho các cặp đôi với chủ đề “tình yêu và thử thách”. Quận Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, thị xã Sơn Tây, huyện Ứng Hòa,... đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức nhiều đám cưới tập thể trang trọng, vui tươi, ý nghĩa cho thanh niên. Tại quận Thanh Xuân, đã tổ chức được 218 đám cưới theo mô hình "văn minh - tiết kiệm”. Tại huyện Ba Vì triển khai hiệu quả mô hình “cưới tiết kiệm” ở xã Tòng Bạt, “cưới theo nếp sống mới” ở xã Quang Minh; mô hình “tiệc ngọt kết hợp với báo hỷ sau cưới” ở xã Phong Vân...

Tại thị trấn Chúc Sơn, Đại Yên và Đoàn thanh niên huyện Chương Mỹ triển khai mô hình “cưới tiết kiệm”, “lễ cưới nếp sống văn minh” đã giảm bớt gánh nặng chi phí đối với các đôi vợ chồng trẻ và các hộ nghèo. Tại huyện Mê Linh, mô hình “tiết kiệm trong việc cưới” được các chi hội phụ nữ vận động hiệu quả với 577/762 đám cưới tiết kiệm. Tại xã Đại Thắng, Hồng Thái, Vân Từ, Phú Túc (huyện Phú Xuyên), Đoàn Thanh niên xã, Nhà văn hóa xã đã tổ chức và cho mượn toàn bộ phần trang trí, âm thanh, có xã còn tặng mỗi gia đình tổ chức theo hình thức này 500 nghìn đồng, ngược lại, gia đình nào vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị nhắc nhở hoặc phạt tiền. Tại huyện Mỹ Đức, các cấp ủy đảng, chính quyền đã vận động được hơn 750 đám cưới tổ chức tiệc trà. Huyện Đoàn Gia Lâm triển khai xây dựng và vận động tổ chức các đám cưới theo mô hình “5 không” (không mời thuốc, không uống rượu say, không đánh bạc ăn tiền, không gây mất trật tự công cộng, không mở loa đài to từ 22h hôm trước đến 7h hôm sau). Tại xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) và nhiều xã khác ở khu vực ngoại thành đã tổ chức khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho các cặp uyên ương...

Hay ở vùng đồng bào dân tộc Mường, Dao của 7 xã miền núi thuộc huyện Ba Vì đã bỏ tục thách cưới bằng bạc trắng. Một số nơi đã thực hiện không lấy tiền mừng của các cụ cao tuổi (xã Yên Mỹ, Tả Thanh Oai - huyện Thanh Trì)... Tại huyện Gia Lâm, Liên đoàn Lao động huyện cùng với Công đoàn Công ty LADODA hằng năm duy trì tổ chức đám cưới tập thể cho cán bộ, công nhân viên của Công ty. Các cặp đôi tham gia đám cưới tập thể được tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động hỗ trợ 100% kinh phí, địa điểm tổ chức đảm bảo vui tươi, lành mạnh, tạo không khí phấn khởi, tăng cường sự đoàn kết trong công nhân và người lao động của doanh nghiệp.

Hiện nay, hình thức cưới như trao "Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn" cho các đôi thanh niên nam nữ trang trọng tại trụ sở UBND phường, xã trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và gia đình được duy trì và ngày càng phát triển ở nhiều nơi trong nhiều năm nay. Nhiều gia đình đã thực hiện gửi giấy báo hỷ sau ngày cưới thay cho việc mời dự cưới…


Ngân Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t