Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở: Tăng đối thoại, giảm bức xúc (13:14 13/02/2018)


HNP - Năm 2017, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục được triển khai toàn diện. Việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với công dân tại các cơ quan, đơn vị đã đi vào nền nếp, trở thành việc làm thường xuyên, qua đó, giúp tạo sự đồng thuận, hạn chế phát sinh “điểm nóng”.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn lắng nghe người dân phản ánh tại bãi xử lý rác ở xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa


Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thành phố Hà Nội đã ban hành chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra, giám sát, tập trung vào khối trường học, doanh nghiệp và các đảng ủy khối trực thuộc, với tổng số 71 đơn vị được kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC.
 
Điểm nổi bật trong thực hiện QCDC ở cơ sở TP Hà Nội trong năm qua là việc Thành ủy ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25/5/2017 về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Quyết định đã được cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Ở cấp Thành phố, định kỳ Thường trực Thành ủy chủ trì gặp gỡ, tiếp xúc với các thành phần như nhân sỹ, trí thức, các nhà khoa học, chức sắc tôn giáo, văn nghệ sỹ, các nghệ nhân… để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất, từ đó, chỉ đạo các cơ quan của Thành phố giải quyết.
 
Đối với cấp huyện, trong năm qua, có 26/30 đơn vị tổ chức tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, một số đơn vị triển khai thành nền nếp như huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Phú Xuyên... Đối với cấp xã, có 468/584 đơn vị tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, cho thấy sức lan tỏa, sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của các cấp, các ngành. Trên thực tế, việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp đã tạo sự đồng thuận cao, nhất là các địa bàn triển khai GPMB phục vụ các dự án.
 
Bên cạnh đó, việc thực hiện Quyết định 6525-QĐ/TU ngày 25/9/2015 của Thành ủy về “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội” trong năm qua đã có những chuyển biến rõ nét. MTTQ Thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy vai trò giám sát, phản biện, góp ý kiến chất lượng vào những chủ trương, quyết sách của Thành phố. Phát huy tốt vai trò của Hội đồng tư vấn phản biện Thành phố, Ủy ban MTTQ Thành phố đã tổ chức 4 hội nghị phản biện xã hội đối với 5 vấn đề Thành phố trình kỳ họp lần thứ 4, lần thứ 5 của HĐND Thành phố. Những nội dung được lựa chọn để góp ý phản biện đều là những lĩnh vực được dư luận quan tâm, như tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc, quy định về mức thu học phí, sửa đổi bổ sung một số loại phí, lệ phí...
 
Ở cấp huyện, các đơn vị đã tổ chức 42 hội nghị phản biện xã hội, tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Còn ở cấp xã, 500 hội nghị phản biện xã hội được tổ chức tập trung vào các chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân. Thông qua các hội nghị này, nhiều ý kiến, đề xuất thiết thực đã được các cấp tiếp thu để kịp thời giải quyết ngay từ cơ sở.
 
Ngoài ra, hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở các địa phương trong năm qua tiếp tục đạt kết quả tích cực. Các ban đã tham gia giám sát 6.885 vụ, phát hiện 2.193 vụ vi phạm, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết 2.113 vụ, các cơ quan đã giải quyết xong 1.985 vụ, đạt 94%; Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 3.462 công trình, dự án, phát hiện 267 công trình vi phạm, kiến nghị thu hồi trên 11 nghìn m2 đất và 20 triệu đồng…
 
QCDC trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục tập trung vào việc cải cách hành chính, nâng cao ý thức, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong năm qua, Thành phố đã đưa vào vận hành 611 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 32%). Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 là 8,8 triệu hồ sơ. Thay đổi cách tiếp xúc với công dân, doanh nghiệp, Thành phố đã yêu cầu tất cả các bộ phận “một cửa” niêm yết và thực hiện 10 nội dung ngắn gọn, dễ nhớ như: Khách đến, được chào hỏi; Khách ở, luôn tươi cười; Khách yêu cầu, phải tận tâm; Khách nhờ, luôn chu đáo; Khách về, được hài lòng…
 
Bên cạnh những kết quả chủ yếu trên, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP Hà Nội cũng cho rằng, hoạt động của một số Ban Chỉ đạo tại đơn vị còn chưa đều tay, nhất là chưa sâu sát, kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc; còn một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức trong việc xây dựng, thực hiện QCDC; công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản về QCDC chưa thường xuyên, kịp thời; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số đơn vị chưa dứt điểm; còn một bộ phận cán bộ, công chức quan liêu, thiếu trách nhiệm khi giải quyết công việc của nhân dân...
 
Năm 2018, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP Hà Nội đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, nhất là chủ đề công tác năm 2018 về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Tiếp tục triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU có hiệu quả, đi vào chiều sâu để tạo sự đồng thuận xã hội; phát huy tốt vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện hiệu quả Quyết định số 217, 218 về giám sát và phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn Thành phố.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t