Ngành Nông nghiệp thủ đô hoàn thành nhiều chỉ tiêu năm 2017 (21:09 18/01/2018)


HNP - Chiều 18/1, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đến dự.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu trao bằng khen cho các tập thể


Trong năm qua, tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2%; tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản năm 2017 ước đạt 35.133 tỷ đồng, tăng 2,17% so với năm 2016 và ước đạt 43.110 tỷ đồng, bằng 100% so với năm 2016. Trong đó giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn Thành phố đến nay đạt 25%, trong đó đối với lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt 17,9%, chăn nuôi 33,5%, thủy sản 13%.
 
Về tình hình chăn nuôi, công tác phát triển chăn nuôi theo xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư gắn với quy hoạch chăn nuôi được tập trung đầu tư. Tính đến hết năm 2017 thành phố Hà Nội có 15 xã chăn nuôi bò sữa với 10.952 con, chiếm 73% tổng đàn bò sữa toàn thành phố; 19 xã chăn nuôi bò thịt với 25.811 con, chiếm 20% tổng đàn bò thịt toàn Thành phố; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với 210.564 con/6.698 hộ; chiếm 15% so với tổng đàn lợn toàn Thành phố. Hiện nay toàn Thành phố hiện có 3.941 trại/trang trại cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Năm 2017 đã hình thành nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (tại các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín) theo hướng sản xuất hàng hóa với sản lượng sản phẩm thủy sản tương đối lớn. Với những đối tượng cho hiệu quả kinh tế cao như: cá chép lai, trắm cỏ, cá rô phi,... nhiều mô hình cho lợi nhuận cao từ 100-150 triệu đồng/ha/năm.
 
Ngoài ra ngành đã thực hiện 89 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản như: sử dụng giống mới có năng suất cao, chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ, độ ẩm ánh sáng; các trang trại nuôi thủy sản sử dụng giống lai, công nghệ vi sinh trong xử lý môi trường nước; các trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, giống sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm…đã xây dựng và duy trì 65 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm góp phần làm tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: Năm 2017 có nhiều khó khăn, thách thức đối với sản xuất, kinh doanh nông nghiệp như: xuất hiện nắng nóng kỷ lục, mưa, bão gây úng ngập diện rộng; giá cả sản phẩm chăn nuôi trong những tháng đầu năm 2017 xuống thấp nhất trong nhiều năm qua; tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát thành dịch,… Song, các đơn vị từ sở đến các địa phương và người dân đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ nên Ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn đạt mức tăng trưởng khá và đạt được những kết quả nổi bật.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử như, công tác tháo gỡ cho ngành chăn nuôi khi giá gia súc, gia cầm giảm sâu chưa hiệu quả. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao… 
 
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 được Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh là cần rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp phù hợp định hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Thực hiện tốt nhiệm vụ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020. Phê duyệt, thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP giai đoạn 2018 - 2020. Triển khai và nhân rộng các mô hình nông nghiệp có hiệu quả, trong đó, ưu tiên thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
 
Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Sửu cũng đề nghị các sở ngành, các địa phương cần đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm giữa Hà Nội với các tỉnh, TP. Đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết. Đổi mới  tổ chức sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp đảm bảo VSATTP; phòng cháy, chữa cháy rừng; quản lý đê điều, công trình thủy lợi... Phấn đấu năm 2018, ngành nông nghiệp Thủ đô đạt mức tăng trưởng từ 2,0 - 2,5%.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t