Triển khai công tác lao động - người có công và xã hội toàn quốc năm 2018 (16:02 17/01/2018)


HNP - Sáng 17/1, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2018. Dự tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.


Năm 2017, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, tạo bước tiến mới so với cùng kỳ năm 2016. Năm 2017 cũng là năm “Đền ơn, đáp nghĩa”, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, trọng thể nhằm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Đặc biệt, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thông qua việc tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công với trên 5.900 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Kết quả, đã xác nhận và tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công cho 1.250 liệt sỹ; công nhận 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; cấp mới, đổi mới trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công.
 
Các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao về tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, lần đầu tiên đưa trên 130.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo diện hợp đồng, tập trung vào thị trường có thu nhập cao. An sinh xã hội được đảm bảo, giảm nghèo đi vào thực chất nhằm đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1,35% so với cuối năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo các huyện giảm khoảng 5%. Bên cạnh đó, công tác người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm chỉ đạo...
 
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh: Năm 2017, tất cả các chỉ tiêu nhiệm vụ, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của Thành phố đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, nhằm thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Thành phố đã hoàn thành toàn bộ kế hoạch hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 8.211 hộ gia đình người có công với cách mạng với tổng kinh phí 955 tỷ đồng. Vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt 370% kế hoạch; tặng 9.200 sổ tiết kiệm; tu sửa, nâng cấp 269 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 195 tỷ đồng; 223/223 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng; điều dưỡng luân phiên 11.733/11.678 lượt người có công…

 

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại điểm cầu Hà Nội

 
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã kiến nghị Trung ương và Bộ LĐTB&XH nghiên cứu nâng mức trợ cấp đối với người có công với cách mạng. Đồng thời, giải quyết chế độ cho những trường hợp thương binh, bệnh binh hoặc nghỉ mất sức lao động có thời gian tham gia quân đội dưới 15 năm hoặc có thời gian tham gia công tác ngoài quân đội dưới 20 năm được hưởng trợ cấp thương tật. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đủ mạnh, hấp dẫn đối với doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình đào tạo nghề; cũng như ban hành cơ chế ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động vào làm việc phải qua đào tạo nghề, tiến tới huy động nguồn lực từ doanh nghiệp hỗ trợ chính cho việc đặt hàng dạy nghề… 
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương thành tích mà ngành LĐTB&XH đã đạt được trong năm 2017. Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế mà ngành LĐTB&XH cần kịp thời khắc phục như: Năng suất lao động của người Việt Nam còn thấp; đào tạo nghề chưa gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, hợp tác xã; tình trạng bỏ trốn của lao động Việt Nam tại nước ngoài; việc quản lý lao động người nước ngoài tại Việt Nam còn nhiều bất cập; tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH còn cao; giảm nghèo chưa bền vững; tệ nạn xã hội, tình trạng xâm hại bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp…
 
Triển khai nhiệm vụ năm 2018, trên cơ sở bám sát 11 nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 01, Bộ LĐTB&XH cần nghiên cứu, triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2018. Thủ tướng yêu cầu Bộ khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương, đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để trình Hội nghị Trung ương VII. Cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực, đó là chìa khóa để thoát bẫy thu nhập trung bình. Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia xây dựng trường nghề, cung cấp dịch vụ hướng nghiệp. Cần chuyển mạnh từ cấp kinh phí sang đặt hàng đào tạo nghề.
 
Thủ tướng cũng đề nghị ngành cần tăng cường quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập cao; tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo; nâng dần tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, bạo hành đối với trẻ em, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngoài ra, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, không để tình trạng kinh tế có phát triển mà xã hội chưa ổn. Tiếp tục cải cách hành chính, nhất là TTHC, giảm và loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân…
 
Tái khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, người lao động, nhất là đối với ngành nghề sử dụng nhiều lao động, Thủ tướng yêu cầu, Bộ LĐTB&XH phải chủ động, đồng bộ trong phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực. Trong năm 2018, Bộ phải tập trung đổi mới hệ thống dạy nghề theo hướng tự chủ, gắn với doanh nghiệp, hướng về công nghệ mới, đặc biệt kỹ năng công nghệ thông tin…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t