Quan tâm phát triển doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế (13:49 12/01/2018)


HNP - Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội khóa XV về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đang tiến hành đánh giá những kết quả nổi bật năm 2017, xây dựng kế hoạch, giải pháp cho năm 2018. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung khuyến khích hỗ trợ, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển.

Đổi mới công tác chỉ đạo điều hành

Xác định doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Thủ đô, năm 2018, UBND thành phố tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Trong đó, điểm nhấn chính là việc chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

Dự kiến, năm nay, thành phố sẽ thành lập hơn 50.000 doanh nghiệp (bao gồm hộ sản xuất kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp). Theo đó, thành phố sẽ thực hiện 2 Đề án hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố. Trong đó, đối tượng trọng tâm của Đề án hỗ trợ khởi nghiệp chính là các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Giải pháp thực hiện bao gồm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận xã, phường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp; hướng dẫn, tư vấn miễn phí về thủ tục, hồ sơ đăng ký, đặc biệt là tư vấn, hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập doanh nghiệp.

Quyết tâm đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ thành lập được 200.000 doanh nghiệp như trung ương giao, vừa qua, UBND thành phố đã giao chỉ tiêu vận động hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp cho các quận, huyện, thị xã với mức tối thiểu 10% số hộ kinh doanh trên địa bàn.

Về Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã trình tập thể UBND thành phố 3 lần. Tuy nhiên, đây là nội dung mới và rất khó, yêu cầu cao về tính công nghệ và sáng tạo, trong khi Hà Nội chưa có kinh nghiệm xây dựng. Vì thế, để tránh tình trạng ban hành đề án mang tính hình thức, không khả thi, hiệu quả, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, thành lập các tổ công tác gồm các chuyên gia có trình độ cao để xây dựng và hoàn thiện đề án. Đặc biệt, thành phố Hà Nội cũng cử tổ công tác đi học tập kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp để nghiên cứu, vận dụng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội. Mục tiêu của các giải pháp trên nhằm xây dựng, ban hành và triển khai đề án bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đi vào hoạt động thực sự hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của thành phố. Dự kiến trong quý 1/2018 này, UBND thành phố sẽ ban hành đề án khởi nghiệp sáng tạo của thành phố.

Rà soát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thời gian qua, Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, năm 2017, UBND thành phố đã đẩy mạnh công tác cải cách, sắp xếp bộ máy hành chính, tổ chức lại phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư từ 3 phòng thành 1 phòng, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hàng tháng, quý, các sở, ngành của thành phố và hiệp hội doanh nghiệp đề rà soát, tổng hợp báo cáo các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, sở, ngành quản lý, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thuế, bảo hiểm, đất đai, nguồn vốn, lao động… qua đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Năm 2018, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp tổng thể, đồng bộ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển. Ngoài rà soát, tổng hợp đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, lành mạnh để các doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Đặc biệt, thành phố phấn đấu thực hiện 100% doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử, để rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Về cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có quy mô hợp lý và đưa mức thuê đất phù hợp với khả năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các chương trình liên kết ngành, liên kết vùng và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, thành phố Hà Nội sẽ triển khai hoạt động trợ giúp phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang bị những kiến thức quản trị doanh nghiệp và hội nhập cho cán bộ quản lý doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân mạnh, đủ tâm và tầm.  “Đáng lưu ý, thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Năm 2017, thành phố Hà Nội đã coi trọng công tác đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Ở cấp thành phố đã tổ chức 5 cuộc đối thoại, gặp gỡ các doanh nghiệp. Ở cấp địa phương, một số quận, huyện như Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì… đã tổ chức được 2 buổi đối thoại/năm và tích cực tháo gỡ, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t