45 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không:


Bài 4: Quân và dân Thủ đô với chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (10:43 13/12/2017)


HNP - Những ngày này của 45 năm trước, cùng với quân dân miền Bắc, quân dân Thủ đô Hà Nội đã chiến đấu anh dũng, sáng tạo, góp phần quyết định làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" oanh liệt.

Quân và dân Hà Nội chủ động sơ tán, đào hầm trú ẩn trong chiến dịch 12 ngày đêm chống cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ


Chủ động sơ tán, giảm thiểu thiệt hại
 
Ngày 16/4/1972, Mỹ oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng, mở đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Từ đây, Hà Nội gấp rút chuyển sang giai đoạn cách mạng mới với trọng trách mới trước lịch sử dân tộc. Là Thủ đô, địa bàn Hà Nội tập trung các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học... của Trung ương và thành phố. Do vậy, làm tốt công tác phòng không nhân dân, bao gồm sơ tán người dân và phân tán tài sản, xây dựng hệ thống hầm hào vững chắc; mạng lưới y tế và lực lượng cứu thương, cứu hỏa rộng khắp sẽ có tác dụng hạn chế thương vong, thiệt hại về người và của; đảm bảo cho guồng máy của thành phố và của các bộ, ngành Trung ương hoạt động thông suốt trong thời chiến; tăng thêm sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang Thủ đô...
 
Chính vì thế, Thành ủy Hà Nội đã sớm chỉ đạo Hội đồng phòng không nhân dân phải củng cố và kiện toàn từ thành phố xuống 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành; đồng thời, chủ động thường xuyên làm việc với các cơ quan Trung ương để nhanh chóng thống nhất chủ trương, triển khai kế hoạch sơ tán người và tài sản của các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường học ra khỏi nội thành trong thời gian ngắn, trong đó, ưu tiên các khu vực trọng điểm, các khu tập trung đông dân cư, các kho hàng lớn...
 
Đón trước việc địch sẽ đánh phá ác liệt nên Đảng bộ và quân dân Thủ đô Hà Nội đã bình tĩnh, chủ động đề ra nhiều biện pháp phòng không, sơ tán đạt hiệu quả cao. Các cấp uỷ và chính quyền chỉ đạo thực hiện gấp rút, bằng mọi hình thức phong phú, mọi phương tiện cơ giới và thô sơ... Đến giữa năm 1972, các tỉnh bạn đã đón nhận hàng chục vạn người ở 1.200 cơ quan, trường học, nhà máy của Trung ương và Thành phố, chưa kể số người sơ tán về các tỉnh khác. Đến ngày 18/12/1972, đã có 20 vạn người đi sơ tán. Khi chiến dịch không kích của Mỹ mỗi ngày một ác liệt hơn, ngày 24/12/1972, Thường vụ Thành ủy đã ra quyết định kiên quyết sơ tán hết dân, chỉ để lại 10.000 dân quân tự vệ ở nội thành chiến đấu. Từ tháng 4 năm 1972 đến ngày 29/12/1972, số dân đi sơ tán lên tới 547.895 người (chiếm 80% dân số nội thành).
 
Song song với công tác sơ tán, việc phân tán tài sản của các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học; các cơ sở kinh tế, nhà máy, xí nghiệp, kho hàng hóa... cũng được Thành ủy chỉ đạo Uỷ ban hành chính các cấp gấp rút thực hiện để giảm thiểu thiệt hại tài sản XHCN và duy trì mọi hoạt động của guồng máy ở nơi sơ tán, làm hậu phương vững chắc cho quân dân thành phố chiến đấu.
 
Vừa gấp rút sơ tán, phân tán người và tài sản, vừa phải nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mỗi trận bị máy bay Mỹ oanh tạc, Uỷ ban hành chính và Hội đồng phòng không nhân dân Thành phố đã có sự chỉ đạo nhanh nhạy, sát hợp với yêu cầu cứu thương, cứu hoả cứu sập. Lực lượng xung kích của các Sở Công an, Xây dựng, Y tế, Vệ sinh đã phối kết hợp với các đội ứng cứu cơ động của 4 khu phố và các tổ, đội ở tổ dân phố, kết hợp giữa kỹ thuật hiện đại và thô sơ, nhanh chóng xác định các khu vực có hầm bị sập, cứu thương kịp thời để giành lại sự sống cho nhân dân.
 
Xây dựng lưới lửa phòng không nhân dân vững chắc
 
Trong chiến dịch 12 ngày đêm chống cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, thành phố Hà Nội đã thành "chiến trường" đặc biệt với hàng nghìn km hào giao thông, 5.600 hầm tập thể, hơn 630.000 hố cá nhân đảm bảo đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Hệ thống thông tin liên lạc bằng vô tuyến, hữu tuyến, còi báo động toàn nội, ngoại thành được thống nhất theo "lệnh" chính xác của Hội đồng phòng không thành phố, truyền đi khắp các ngõ phố, xóm làng đã có tác dụng rất cao cho mọi người tránh máy bay, dân quân tự vệ sẵn sàng chiến đấu.
 
Là trọng điểm trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đòi hỏi Thành ủy và Bộ Tư lệnh Thủ đô phải xây dựng được lưới lửa phòng không nhân dân vững chắc của ba thứ quân, với mọi thứ vũ khí, từ thông thường đến hiện đại, phát động toàn dân đánh máy bay địch, bắt giặc lái và phục vụ chiến đấu. Ngay từ đầu năm 1972, song song với việc củng cố lực lượng Sư đoàn phòng không 361, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chỉ huy các quận đội, huyện đội, các cơ quan nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn Thành phố, cấp tốc tổ chức và kiện toàn lực lượng dân quân tự vệ. Tổng số dân quân tự vệ phát triển lên đến điểm cao nhất tháng 12/1972 là 54.000 chiến sỹ với trên 500 súng trung liên, đại liên, súng máy cao xạ ở 295 trận địa ở cả nội ngoại thành. 
 
Nắm chắc quy luật bay và trục đường bay của địch, quân và dân Thủ đô đã khắc phục địa hình, địa vật chật hẹp và tận dụng nhà cao tầng trong nội thành, bố trí trận địa súng 12 ly 7, 14 ly 5 cả trên nóc nhà kiên cố; trong đó, tập trung hỏa điểm dày đặc nhất ở khu Ba Đình và Hoàn Kiếm để đánh máy bay địch ở tầm thấp. Ngoài ra, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, khối phố ở nội thành, làng xã ngoại thành đều tổ chức các tổ đội "tay búa tay súng", "tay cày tay súng". Đặc biệt, dân quân ngoại thành đã làm tốt công tác thông tin trên 36 đài quan sát với 414 cơ sở để đếm bom rơi chính xác, báo lên cấp trên. Ba thứ quân được tổ chức chặt chẽ theo một mệnh lệnh chỉ huy thống nhất, đạt hiệu quả cao, tạo thế trận nhiều tầng nhiều lớp, vừa có trọng điểm, vừa có thể cơ động nhanh chóng; vừa đánh địch ở các độ cao khác nhau, vừa có sức chiến đấu liên tục cả ngày lẫn đêm. 
 
Lưới lửa phòng không nhân dân của quân dân Thủ đô là một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trên địa bàn đô thị Hà Nội, đất không rộng, mật độ dân cư đông ở khu trung tâm, nhưng với ý chí và quyết tâm cao, với trí thông minh, cải tiến vũ khí, khí tài làm chủ trận địa, ta đã làm thất bại âm mưu đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá của đế quốc Mỹ, giành chiến thắng vĩ đại nhất trong thời đại Hồ Chí Minh.
 
12 ngày đêm sống và chiến đấu giữa thành phố, cán bộ, đảng viên, quân và dân Thủ đô đã góp phần to lớn vào chiến công vĩ đại của dân tộc, tô thắm trang sử vàng sáng chói của Thủ đô Hà Nội anh hùng. Hà Nội bị tàn phá khốc liệt nhưng quân dân Hà Nội đã chiến thắng vẻ vang, oanh liệt làm nên trận đại thắng không quân chiến lược Mỹ - trận "Điện Biên Phủ trên không" lẫy lừng; bắn rơi 30 máy bay hiện đại Mỹ, trong đó, 23 chiếc B52 và 2 chiếc F.111, góp phần cùng quân dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay, trong đó, có 34 chiếc B52, 5 chiếc F.111, bắt sống nhiều giặc lái. 
 
Trong Đại hội mừng công ngày 26/01/1973, Đảng và Nhà nước đã biểu dương: "Quân dân Thủ đô đã có vinh dự làm nên một trong những chiến thắng to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng vang dội đó đã làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Cả nước ta rất tự hào về Thủ đô anh hùng của mình".

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t