Phiên chất vấn HĐND TP: Nóng vấn đề quản lý đô thị (14:42 06/12/2017)


HNP - Tiếp tục kỳ họp thứ 5, HĐND TP khóa XV, ngày 6/12, HĐND TP đã dành trọn 1 ngày để các đại biểu HĐND TP chất vấn và tái chất vấn các thành viên UBND TP những vấn đề nóng đang được cử tri Thủ đô quan tâm.


Điểm mới tại phiên chất vấn kỳ họp này đó là Thường trực HĐND TP chuẩn bị báo cáo bằng hình ảnh về vấn đề được lựa chọn đưa ra hội trường để đại biểu xem trước khi chất vấn, thay vì đọc báo cáo. Đây là lần đầu tiên HĐND TP giám sát toàn bộ việc thực hiện của UBND TP và sở, ngành liên quan đối với các kiến nghị của cử tri được kết luận tại các phiên chất vấn trong một năm nhằm thúc đẩy tiến độ và hiệu quả công việc.
 
Trong buổi sáng, HĐND TP đã dành thời gian chất vấn nhóm vấn đề về quản lý đô thị gồm công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo"; công tác bảo đảm trật tự đô thị và việc thu gom xử lý rác thải; công tác bảo đảm an toàn PCCC và quản lý quảng cáo.
 
Đại biểu Vũ Ngọc Anh chất vấn tại kỳ họp
 
Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu đã tập trung đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề quản lý trật tự xây dựng. Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) cho biết: hiện còn tồn đọng nhiều công trình vi phạm về trật tự xây dựng, tập trung chủ yếu tại huyện Sóc Sơn, các quận Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Đại biểu yêu cầu lãnh đạo Sở Xây dựng và lãnh đạo các quận, huyện này trả lời nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp, khi nào các công trình vi phạm được xử lý xong.
 
Đại biểu Đoàn Việt Cường
 
Liên quan về các vi phạm nhà "siêu mỏng, siêu méo", đại biểu Đoàn Việt Cường (Mê Linh) cho biết: hiện có 132 công trình "siêu mỏng, siêu méo" cũ còn tồn tại và 56 công trình ở các đường mới mở, chủ yếu tại quận Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy. Đặc biệt, năm 2017, quận Cầu Giấy để phát sinh thêm một số nhà siêu mỏng trên đường Phạm Văn Đồng. Đề nghị Sở Xây dựng và các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Đống Đa… trả lời nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp xử lý như thế nào? 
 
Đại biểu Nguyễn Bích Thủy chất vấn
 
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Bích Thủy (Cầu Giấy) đề nghị Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết kết quả xử lý vi phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn quận đã được UBND TP ban hành kết luận từ tháng 7/2016. Đại biểu cũng đề nghị Chủ tịch UBND huyện Đông Anh trả lời về kết quả xử lý vi phạm lấn chiếm đất đai tại khu vực ao Quan viên, xã Vân Hà, đã có kết luận thanh tra vi phạm từ ngày 14/9/2016. 
 
Trả lời ý kiến của các đại biểu liên quan đến trật tự xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, năm 2017 là năm đầu tiên thành phố thực hiện mô hình mới đó là giao cho Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo toàn diện đội ngũ thanh tra xây dựng. Trong tháng 7/2017, đã có 1.480 cán bộ được triển khai về các quận, huyện, giúp hình thành đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp để giải quyết những vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn. 
 
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục trả lời chất vấn
 
Tại thời điểm báo cáo tháng 7/2017, vẫn còn tồn đọng các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trước 31/12/2016. Mặc dù đã tích cực giải quyết nhưng mới chỉ giải quyết được 414 trường hợp vi phạm. Về vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, Sở Xây dựng xác định đây là những vấn đề nghiêm trọng, gây bức xúc kéo dài, rất khó giải quyết triệt để. Từ đó, Sở Xây dựng đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra xuống các quận huyện, thị xã. Từ 13/7 đến 30/11/2017, Sở đã giải quyết và còn 123 trường hợp tồn đọng trước 31/12/2017 và vẫn còn phát sinh mới.
 
Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trong năm 2017, Thanh tra sở xây dựng cùng 30 thanh tra quận, huyện đã tiến hành kiểm tra được 100% công trình xây dựng có địa chỉ, thời gian cụ thể. Đến 30/10/2017, đã kiểm tra được 17.123 công trình. Trong đó, vẫn có 345 công trình vi phạm và trong năm 2017 vẫn còn 122 công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng trên đất công, không có giấy phép xây dựng, vẫn phải tiếp tục giải quyết. Đối với 345 trường hợp này, thanh tra xây dựng đã hoàn thiện các hồ sơ, gửi cho từng phương án gửi cho chính quyền địa phương và đã xử lý vi phạm được 70%. Đồng thời, đã ban hành được các kế hoạch cưỡng chế, tổ chức tháo dỡ…Xác định rõ trách nhiệm từng đơn vị chính quyền, thanh tra xây dựng, Sở xây dựng.
 
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Đoàn Việt Cường về nhà "siêu mỏng, siêu méo", Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do khi mở đường cắt vào nhà dân, đặc biệt là ở thời điểm Hà Nội mở đường để tổ chức SEA Games 23. Những nhà "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện nhiều ở trục đường Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Văn Cao, Thanh Nhàn… Theo quy định, những nhà đủ điều kiện là chiều sâu không nhỏ hơn 3m, hình dạng không quá méo mó, phản cảm.
 
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nhà siêu mỏng, siêu méo được chia ra thành 3 nhóm:
 
Nhóm 1: Có 52 trường hợp tồn tại từ gần 13 năm nay, giờ không thể thu hồi được vì người dân đã ổn định kinh doanh, sinh hoạt. Sở Xây dựng đã đi kiểm tra và nhận thấy, những nhà này đã được gia cố, chỉnh trang lại, kết cấu chắc chắn và cũng hạ độ cao. Vì vậy, Sở đề nghị UBND các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa mạnh dạn đề xuất những trường hợp đủ điều kiện, đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo an toàn sinh hoạt thì có thể được giữ nguyên trạng.
 
Nhóm 2: Có 54 trường hợp, cao 5 tầng, mỏng, nhìn xấu và phản cảm, gây nguy hiểm thì UBND các quận kiên quyết thu hồi.
 
Nhóm 3: Có 18 trường hợp có thể chỉnh trang, sửa chữa lại được thì UBND các quận đề xuất và hướng dẫn người dân chỉnh trang theo đúng quy chuẩn, đảm bảo số tầng... để có thể ổn định được.
 
Về 56 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" tồn đọng từ năm 2014 - 2016 xuất hiện ở khu vực vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5…, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay, đã hết thời gian gia hạn nên sắp tới sẽ có phương án kiên quyết thu hồi và không để phát sinh thêm. Những trường hợp này sẽ được tiến hành xử lý từ quý I/2018.
 
Trả lời cụ thể về lộ trình xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo", Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, trong quý 1/2018, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan sẽ tham mưu trình Thành phố phương án xử lý từng trường hợp "siêu mỏng, siêu méo". Riêng 8 trường hợp vi phạm hai bên tuyến đường Phạm Văn Đồng, Sở và các cơ quan liên quan có phương án xử lý ngay trong tháng 12/2017 này.
 
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút trả lời chất vấn
 
Liên quan đến các vi phạm trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút cho biết, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện năm 2017 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ vi phạm giảm khoảng 5% so với năm 2016 và những năm trước đó. Số vụ việc được xử lý đạt 82%. Các vụ vi phạm nổi cộm từng bước được giải quyết. Tỷ lệ các công trình cấp phép tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, Chủ tịch huyện Sóc Sơn cũng thừa nhận, một số xã tại Sóc Sơn vẫn để tồn tại vi phạm trật tự xây dựng, chưa kịp thời xử lý, đặc biệt là: Phù Lỗ và Phú Minh.
 
Tại xã Phú Minh, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo sát sao, Chính quyền cũng đã vào cuộc quyết liệt nhưng hiện còn khoảng 16 công trình vi phạm, chủ yếu là quán hàng. Huyện đã phân loại và có kế hoạch xử lý, tháng 2/2018, sẽ hoàn tất. Ngoài ra, Chủ tịch huyện Sóc Sơn cũng nêu lên một vấn đề khó khăn của địa phương, đó là tình trạng tái vi phạm liên miên tại khu vực đất xen kẹt trong dự án Sân bay Nội Bài trên địa bàn xã Phú Minh.
 
Cho rằng nhiều vi phạm có nguyên nhân khách quan nhưng huyện đã xác định nguyên nhân chủ quan là do chính quyền xã Phú Minh đã có thời gian thiếu đoàn kết, quản lý lỏng lẻo. Huyện đã xử lý cán bộ, thay một bí thư, thành lập tổ công tác về xã Phú Minh để phối hợp cùng xử lý các vi phạm. Đây là lĩnh vực khó, phức tạp, huyện sẽ quyết tâm và quyết liệt để xử lý những vấn đề còn tồn tại.
 
Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn trả lời chất vấn
 
Tiếp đó, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn đã trả lời về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, UBND quận xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên và chỉ đạo quyết liệt, 2 tuần/lần giao ban một lần về vấn đề này. Trong năm 2017, trên địa bàn có 194 vụ vi phạm trật tự đất đai xây dựng, đã xử lý 71/89 vụ vi phạm xây dựng, 18 trường hợp đang xử lý; đối với vi phạm trên đất nông nghiệp đã xử lý 89 trường hợp, còn 16 trường hợp đang xử lý. Những vi phạm trên địa bàn quận chủ yếu là nhà dân sai tum, ban công… và quận xác định sẽ xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm này. Liên quan đến vấn đề đất đai của Công ty cổ phần đầu tư Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, ngày 24/8/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật đất đai đối với Công ty cổ phần đầu tư Việt Hà tại quận Bắc Từ Liêm. Sau khi có kết luận thanh tra, UBND TP đã chỉ đạo, giao UBND quận đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện của Công ty Việt Hà. Nếu Công ty này tiếp tục vi phạm sẽ báo cáo UBND TP
 
Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cũng cho biết, hiện quận còn một trường hợp khó khăn là vi phạm sai mật độ, rất khó xử lý. Về việc xử lý 149 trường hợp xây ki-ốt và cho thuê trái thẩm quyền từ năm 1993 hiện đang nằm trong diện GPMB thuộc đường đường vành đai 3 và đường Phạm Văn Đồng, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm thừa nhận, tiến độ thực hiện còn chậm, việc kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất có khó khăn, gây vướng mắc cho quá trình GPMB. Quận đã báo cáo UBND thành phố để có cơ chế, chính sách giải quyết..
 
Tiếp tục chất vấn các thành viên UBND TP, Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) đặt vấn đề, năm 2017, thành phố chủ trương thiết lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, góp phần làm cho Hà Nội xanh, sạch, đẹp hơn. Các phường, quận, huyện đã ra quân quyết liệt. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, tại một số địa bàn lại xảy ra tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây bức xúc dư luận. Vậy đâu là nguyên nhân? Ai chịu trách nhiệm chính? Giải pháp xử lý để trả lại vỉa hè bền vững, lâu dài cho người đi bộ?
 
Đại biểu Đức nêu thêm, xử lý rác thải là vấn nạn của các đô thị lớn trên thế giới và cả ở Hà Nội. Năm 2017, Hà Nội đã tiến hành đấu thầu việc thu gom rác thải, quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải còn nhiều bất cập, ở các huyện ngoại thành thiếu điểm tập kết, vận chuyển quá xa, chưa có điểm xử lý tại chỗ... Trách nhiệm này thuộc về ai? Giải pháp ngắn hạn và dài hạn của thành phố trong vấn đề này?
 
Đại biểu Nguyễn Thế Vinh chất vấn
 
Đại biểu Nguyễn Thế Vinh (Đống Đa) cho rằng, thời gian qua, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo thiết lập lại vỉa hè lòng đường, bãi đỗ xe trái phép gây mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra tình trạng thu vượt phí 5-7 lần, có những bãi xe mini không có vé hoặc vé không theo thể thức, cán bộ không có đồng phục… Đại biểu đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm, Đống Đa cho biết trách nhiệm giải quyết?". Bên cạnh đó, theo đại biểu Vinh, nạn xe quá khổ, quá tải, chở vật liệt xây dựng đi vào nội đô gây ô nhiễm chưa khắc phục được, nhiều tuyến đường bị ô nhiễm nặng như ở các quận, huyện Hoài Đức, Hoàng Mai, Tây Hồ… Đề nghị Sở GTVT làm rõ trách nhiệm? Kế hoạch khắc phục?".
 
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc trả lời chất vấn
 
Trả lời các câu hỏi của đại biểu liên quan đến quy hoạch nhà "siêu mỏng, siêu méo", Giám đốc Sở QH&KT Lê Vinh cho biết, Sở đã ban văn bản có tính chất xác minh nhà "siêu mỏng, siêu méo" tương đối đầy đủ, có hướng dẫn cho các địa phương. Về quy hoạch, trước đây khi mở các đường mới đã để xảy ra tình trạng nhà “siêu méo siêu mỏng”, chưa quan tâm để ý thu hồi những khu đất để xảy ra tình trạng này. Trong thiết kế đô thị đã xác định những ô đất để xảy ra việc này. Đồng thời, có giải pháp như: chỉ đạo, phối hợp với chính quyền địa phương động viên những gia đình có ô đất có vị trí để xảy ra nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Trong trường hợp, các hộ gia đình không chịu hợp tác thì sẽ có áp dụng những quy định của TP trong việc thu hồi.
 
Khi thiết kế đường vành đai, chúng tôi đã xác định 40 trường hợp nhà siêu méo. Sau khi phối hợp với chính quyền địa phương quận Đống Đa và Thanh Xuân làm việc với hơn 20 gia đình hợp tác. Đối với những trường hợp khác còn lại sẽ làm theo quy định. Đồng thời, Sở cũng xác định vai trò của Sở và địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo".
 
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện trả lời chất vấn
 
Về vấn đề quản lý trật tự hè phố (điểm trông giữ xe), Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Vũ Văn Viện cho biết, theo phân cấp, quản lý vỉa hè thuộc quận, huyện, quản lý lòng đường thuộc Sở GTVT. Theo Giám đốc Sở GTVT, đúng là vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện giao thông. Tuy nhiên, hiện nay, cho phép ở đô thị có thể tận dụng một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông khi chưa có điểm giao thông tĩnh tập trung.
 
Về việc giá trông giữ xe thường thu cao hơn quy định, Giám đốc Sở GTVT cho biết, thành phố đã cho thực hiện thí điểm đỗ xe IParking trên 2 tuyến phố và có kết quả tốt, doanh thu tại các điểm này tăng lên 33%. Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo trong quý 1/2018 sẽ triển khai IParking tại 4 quận. Việc triển khai này sẽ khắc phục được các tồn tại như: Lấn chiếm diện tích điểm trông giữ xe, quản lý doanh thu chặt chẽ hơn vì không thu bằng tiền mặt... Đồng thời, UBND TP đã giao Sở tổng kiểm tra rà soát các dự án đang triển khai xây dựng bãi xe. 
 
Đối với tiến độ quy hoạch giao thông tĩnh, Giám đốc Sở GTVT cho biết, Hà Nội đang triển khai quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó tỷ lệ đất giao thông tĩnh/đất xây dựng đô thị phải đạt 3-4% (hiện chỉ là 0,6%). Sau khi quy hoạch được thực hiện, tổng diện tích là khoảng 2.072 ha, đạt 3,27%. Quy hoạch đã được Hội đồng thẩm định của thành phố thẩm định xong, đang rà soát lại yêu cầu bổ sung 37 nội dung để hoàn chỉnh và trình UBND thành phố duyệt trong tháng 12 này.
 
Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời chất vấn
 
Về bến bãi đỗ xe, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, công tác quy hoạch hệ thống bến bãi đỗ xe được phê duyệt từ năm 2013 đã không còn phù hợp với thực tiễn. Trước đây, phương tiện giao thông cá nhân chưa tạo nhiều áp lực cho thành phố, nhưng nay, áp lực đối với bến bãi đỗ xe đã tăng lên rất nhiều mà thành phố chưa bố trí được quỹ đất ưu tiên cho lĩnh vực này. Trong 5 năm gần đây, Thành ủy và UBND TP đã có chỉ đạo sát sao về quy hoạch hệ thống bến đỗ xe. Theo đó, các nhà đầu tư xây dựng nhà cao tầng và chung cư phải bảo đảm đủ diện tích tầng hầm cho cư dân sử dụng. TP cũng khuyến khích đầu tư, xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm, tuy nhiên sức hấp dẫn của lĩnh vực này đối với nhà đầu tư chưa cao. 
 
Cũng theo Giám đốc Sở KH&ĐT, dưới góc độ trách nhiệm của Sở KHĐT, Sở đang phối hợp với Sở GTVT và các quận, huyện tiến hành rà soát toàn bộ các điểm, bãi trông giữ xe theo quy hoạch cũ trước đây và những địa điểm hợp lý có thể khai thác và kêu gọi đầu tư. Theo đó, thành phố đã kêu gọi được 89 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, trong đó, có 22 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, 54 dự án đang triển khai và 13 dự án đã được UBND thành phố chấp thuận về mặt chủ trương. 
 
Giám đốc Sở KHĐT thừa nhận: tiến độ triển khai quy hoạch bến, bãi đỗ xe còn chậm, qua thanh tra, rà soát có 8 dự án vi phạm hành chính và bị xử phạt 132,5 triệu đồng. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, giám sát và có những kế hoạch phù hợp để thu hút đầu tư.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t