Thạch Thất cần tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch (16:42 18/11/2017)


HNP - Chiều 17/11, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy đã kiểm tra tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” tại huyện Thạch Thất. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng rau thủy canh tại Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh


Trước khi làm việc với lãnh đạo huyện Thạch Thất, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã đi khảo sát thực tế tại trang trại trồng rau hữu cơ Hoa Viên, tại xã Yên Bình và Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh, tại xã Tiến Xuân. Đây là những mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, tiêu biểu của huyện Thạch Thất.
 
Trang trại Hoa Viên là một mô hình nông nghiệp sạch và khép kín, do chị Trương Thị Kim Hoa gây dựng từ năm 2003, trên diện tích 60ha, tại xóm Dục, xã Yên Bình. Hiện nay, trang trại chuyên chăn nuôi lợn rừng, lợn mán, giun quế và trồng rau hữu cơ. Trung bình, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1 vạn con lợn giống và thương phẩm; mỗi ngày cung cấp 2 tấn rau hữu cơ mang thương hiệu độc quyền “Rau sạch Đại Ngàn”; tạo công ăn việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Điểm đáng chú ý là trang trại không sử dụng phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật, không gây ô nhiễm môi trường, toàn bộ chất thải của lợn rừng, lợn mán được dùng để nuôi giun quế, sau đó giun quế lại là thực phẩm để nuôi lợn, gà sạch, chất thải của giun quế được ủ để bón rau…
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình nuôi lợn rừng tại trang trại Hoa Viên
 
Trong khi đó, Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh lại đi theo hướng áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản, Đức vào sản xuất nông nghiệp, với các mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu và trồng rau kết hợp với cây dược liệu, du lịch và nghỉ dưỡng…
 
Về kết quả chung sau 6 năm triển khai Chương trình số 02-CTr/TU, theo lãnh đạo huyện Thạch Thất, tại thời điểm năm 2010, toàn huyện chỉ có 3 xã đạt 7 tiêu chí, 19 xã còn lại đạt từ 5-6 tiêu chí thì đến cuối năm 2016, huyện có 15/22 xã về đích nông thôn mới. Năm 2017, huyện phấn đấu đưa thêm 6 xã về đích nông thôn mới. Kết quả thẩm tra đánh giá cho thấy, 6/6 xã đều đạt trên 98 điểm, đủ điều kiện báo cáo TP công nhận xã nông thôn mới trong năm nay. 
 
Điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của huyện Thạch Thất là đã bước đầu xây dựng được những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài 2 mô hình trang trại trồng rau hữu cơ Hoa Viên và Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh, huyện Thạch Thất còn có các mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi diện tích 1.000m2 ở xã Đại Đồng; mô hình trồng hoa Ly 12ha và trồng hoa đồng tiền tại xã Đại Đồng…
 
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình nuôi cấy tảo xoắn
tại Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh
 
Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng hình thành một số mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả thiết thực và đi vào chiều sâu như: Mô hình chuỗi sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của 6 HTX nông nghiệp (HTX Khánh Thượng - xã Lại Thượng, HTX Kim Quan, HTX Bình Phú A - Bình Phú, HTX Chàng Sơn, HTX Hữu Bằng, HTX Ngoại Kim - Phú Kim), mô hình sản xuất rau an toàn 10ha của xã Hương Ngải, mô hình sản xuất đu đủ 10ha của xã Dị Nậu, mô hình chuỗi thực phẩm sạch 3F tại xã Tiến Xuân, mô hình rau hữu cơ xã Yên Bình… Với lợi thế của địa phương việc phát triển kinh tế trang trại được huyện đặc biệt quan tâm, đến nay, toàn huyện có 179 trang trại đem lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện Thạch Thất đã nâng lên 52 triệu đồng/năm, cao hơn bức bình quân chung của Thành phố.
 
Bày tỏ ấn tượng sau khi đi thực tế thăm quan mô hình sản xuất giun quế, lợn rừng, rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên và Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng: Đây là hướng đi của nông nghiệp hiện đại. Thành công của hai mô hình cho thấy hiệu quả của liên kết 4 nhà trong nông nghiệp công nghệ cao mà huyện Thạch Thất cần tiếp tục nhân rộng, các địa phương khác cần tìm hiểu, học hỏi.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận buổi làm việc
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện Thạch Thất tiếp tục tạo điều kiện để phát triển, nhân rộng các mô hình tương tự, hướng tới mục tiêu sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp của huyện cần đi theo hướng sinh thái, gắn với phát triển du lịch. Đồng chí cũng đề nghị huyện và các sở, ngành Thành phố giúp đỡ các doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng thương hiệu, tiếp cận công nghệ hiện đại và quảng bá sản phẩm.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu huyện Thạch Thất tiếp tục rà soát quy hoạch các xã nông thôn mới, trong đó, chú trọng việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng theo đúng quy hoạch; quan tâm hơn đến công tác vệ sinh môi trường, xây dựng đời sống văn hóa cũng như củng cố, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t