Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tiếp xúc cử tri huyện Phúc Thọ, Thạch Thất (19:54 24/09/2017)


HNP - Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, ngày 24/9, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri 2 huyện Phúc Thọ và Thạch Thất. Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trao đổi với cử tri huyện Phúc Thọ


Tại buổi tiếp xúc, cử tri 2 huyện Phúc Thọ, Thạch Thất kiến nghị với các đại biểu Quốc hội nhiều vấn đề về phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, giải quyết bền vững vấn đề xử lý rác thải… Cử tri Trần Đình Lương, xã Hát Môn (Phúc Thọ) cho biết, địa bàn xã có đền thờ Hát Môn được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia, cử tri mong muốn Thành phố nghiên cứu, xây dựng để kết nối du lịch di tích này với các tour Đường Lâm, K9… đồng thời, sớm đầu tư, mở rộng di tích theo quy hoạch, thành lập Ban quản lý, bố trí hướng dẫn viên, đầu tư 1km còn lại đường nối từ quốc lộ 32 để phát huy giá trị di tích.

Cử tri Nguyễn Văn Mạnh, xã Thanh Đa (Phúc Thọ) phản ánh: hiện nay, trên địa bàn phát triển rất mạnh nghề mộc và nghề cơ khí, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sản xuất trong khu dân cư, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Cử tri kiến nghị Thành phố và huyện sớm quy hoạch các điểm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp để phát triển sản xuất nghề, xa khu dân cư đảm bảo môi trường.

Cử tri 2 huyện Thạch Thất, Phúc Thọ hoan nghênh sự quyết liệt của huyện và Thành phố trong việc hoàn thành cấp GCN quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, trên cơ sở đó, cử tri đề nghị Thành phố nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao; có cơ chế khuyến khích tích tụ ruộng đất; quan tâm quy hoạch, định hướng sản xuất cho người nông dân để tránh rơi vào tình trạng được mùa mất giá.

 

Cử tri huyện Phúc Thọ phát biểu tại buổi tiếp xúc


Đặc biệt, cử tri 2 huyện phản ánh tình trạng rác thải ùn ứ, không được thu gom về bãi rác Xuân Sơn để xử lý từ hơn 1 tháng nay. Cử tri đề nghị Thành phố quan tâm, có giải pháp để xử lý ngay, về lâu dài cần tiếp tục đầu tư các nhà máy xử lý rác thải, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị…

Một số ý kiến khác của cử tri huyện Phúc Thọ phản ánh việc cấp GCN quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng rất chậm, nên nhiều cơ sở đã xuống cấp nhưng không được cấp phép xây dựng, tu bổ, sửa chữa. Về nội dung này, Phó Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, huyện Phúc Thọ hiện có 107 cở sở tín ngưỡng, tôn giáo thì mới chỉ có 2 cơ sở được cấp GCN. Vướng mắc hiện nay là không xác định được pháp nhân để cấp, cùng với đó là vướng trong việc xác định ranh giới giữa các cơ sở tôn giáo với nhau, hay giữa cơ sở tôn giáo với các hộ dân và về khoanh vùng bảo vệ di tích… Để tháo gỡ, trước mắt, UBND TP cho áp dụng điều 95 Luật Đất đai để các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng kê khai lần đầu, làm cơ sở cấp phép xây dựng. Hiện nay, Sở TNMT đang xin ý kiến Bộ TNMT, Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL để có căn cứ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

Cử tri huyện Thạch Thất đề nghị Thành phố đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm trên địa bàn, như đô thị vệ tinh Hòa Lạc; dự án Trường Đại học Quốc gia, cùng với đó tiếp tục thực hiện chủ trương giãn các bệnh viện, trường học ra khỏi nội thành để giảm ách tắc… Một số cử tri khác cũng phản ánh việc bất hợp lý trong thực hiện chế độ phụ cấp đối với cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở.

Tiếp thu ý kiến các cử tri, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng 2 huyện Thạch Thất, Phúc Thọ đều rất nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt huyện Phúc Thọ đang phấn đấu hoàn thành 2 xã còn lại để đạt huyện nông thôn mới vào năm sau. Những băn khoăn, phản ánh của cử tri về vấn đề môi trường là rất đúng, Bí thư Thành ủy cho rằng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mặc dù đã đạt được, nhất là tiêu chí môi trường nhưng không phải là bất biến, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và cộng đồng dân cư phải thường xuyên chăm lo để giữ vững.

Bí thư Thành ủy cho rằng, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trước tiên phải xuất phát từ chính bà con nông dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện Phúc Thọ có một số mô hình chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, huyện cần tiếp tục làm mạnh theo hướng này, bởi tỷ lệ đất lúa của Thành phố hiện còn rất lớn.

Về kiến nghị đầu tư mở rộng di tích đền Hát Môn, Bí thư Thành ủy cho biết lãnh đạo TP đã xem xét dự án này, tuy nhiên, tổng mức đầu tư khá lớn, 350 tỷ đồng nên Hà Nội đang làm việc với Bộ VH-TT&DL để xin thêm nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương kết hợp với vốn Thành phố. Hiện nay, toàn Thành phố còn khoảng 200 di tích xuống cấp cần đầu tư tu bổ, tôn tạo, Bí thư Thành ủy thông tin với cử tri.

Đối với Kênh V3 Hát Môn - Đan Phượng, Bí thư Thành ủy đề nghị huyện Phúc Thọ tập trung xử lý, báo cáo Sở TNMT để cắm mốc, xử lý nạo vét. Về vấn đề tồn đọng rác thải, Bí thư Thành ủy cho rằng, thời gian qua, mặc dù Thành phố đã giải quyết tối đa chế độ chính sách cho nhân dân vùng ảnh hưởng của bãi xử lý rác thải Xuân Sơn, nhưng nhân dân vẫn chưa chấp thuận. Trong tuần tới, lãnh đạo UBND TP sẽ làm việc trực tiếp với 2 huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây để xử lý dứt điểm vấn đề này.

Về lâu dài, Thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai công nghệ đốt rác phát điện thay chôn lấp. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, sẽ khởi công một nhà máy đốt rác phát điện tại Sóc Sơn công suất 4 nghìn tấn/ngày và 1 nhà máy tương tự tại khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Cùng với đó, đang đấu thầu, triển khai thêm Dự án nhà máy xử lý rác tại Đồng Ké và tại Châu Can, Phú Xuyên…

Đối với việc phát triển các cụm công nghiệp, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng đây là hướng đi đúng đắn và là ưu tiên của Thành phố. Bí thư Thành ủy giao UBND TP tiếp thu ý kiến cử tri, chỉ đạo kiểm tra, xử lý sớm để phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và chuyển đổi nghề nghiệp cho nhân dân.

 

Trao đổi về kiến nghị của cử tri về thực hiện tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, đồng chí Hoàng Trung Hải chỉ rõ, cán bộ giỏi phải được kiểm nghiệm qua kết quả công việc. Để có cán bộ giỏi thì ngoài chủ trương, đường lối của cấp ủy, chính quyền, cái chính là người dân phải cùng giám sát, HĐND tăng cường giám sát, cấp ủy đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức... Vừa qua, thành phố đã ban hành các quy định mới về đánh giá tổ chức đảng cấp trên cơ sở, tới đây,  sẽ tiếp tục đổi mới để việc đánh giá cán bộ chính xác, gắn với thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đồng tình với cử tri khi cho rằng để xây dựng xã hội phát triển, phải xây dựng được hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đủ mạnh. Trong đó, mỗi người dân cần góp phần hình thành nếp văn hoá thượng tôn pháp luật, biết nhắc nhở nhau tuân thủ pháp luật, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 90 xã không có tệ nạn ma tuý. Đó chính là những nơi người dân biết bảo ban, cùng nhau đoàn kết xây dựng nếp sống văn hoá, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Có được sự đồng lòng của người dân, thành phố mới có thể phát triển bền vững.


Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t