Hà Nội xứng đáng là địa phương đi đầu trong công tác thi đua, khen thưởng (14:48 10/08/2017)


HNP - Sáng 10/8, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết 13 năm thực hiện luật thi đua, khen thưởng; triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng của TP Hà Nội. 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo


Tới dự hội nghị có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng TP; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.
 
Sau 13 năm thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành, thông qua việc vận dụng sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt và có nhiều đổi mới, công tác thi đua, khen thưởng của Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Phong trào thi đua ngày càng thiết thực. Điển hình là các phong trào đặc thù theo ngành, lĩnh vực như phong trào: “Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; Thi đua thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; Thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; Thi đua “Năm trật tự văn minh đô thị”; Thi đua "An toàn thực phẩm"; Thi đua thực hiện “kỷ cương hành chính”…
 
Từ năm 2004 đến nay có gần 5.000 mô hình thi đua do các đơn vị thực hiện. Tiêu biểu như: Giải pháp hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nâng tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và xây dựng các hệ thống thông tin trong các lĩnh vực Giáo dục, Y tế, đất đai, tư pháp của Sở Thông tin và Truyền thông; Mô hình điểm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại huyện Thanh Trì của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội; mô hình Tổ công tác kiểm soát nhanh chất lượng rau, củ, quả trên địa bàn quận Nam Từ liêm; mô hình mở rộng tuyến phố đi bộ  khu vực Hồ Gươm và phụ cận; mô hình phố sách của quận Hoàn Kiếm…
 
Trong công tác khen thưởng, Thành phố đã chú trọng việc cụ thể hóa chính sách khen thưởng được quy định trong Luật Thi đua, Khen thưởng để hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn thành phố thực hiện, qua đó, công tác khen thưởng có nhiều đổi mới và dần dần đi vào nề nếp, chất lượng khen thưởng từ Thành phố đến cơ sở được nâng lên. Các hình thức khen thưởng gồm: Khen thường xuyên (khen tổng kết năm), Khen thưởng chuyên đề, Khen thưởng đột xuất, Khen thưởng thành tích kháng chiến, Khen thưởng thành tích cống hiến, Khen thưởng thành tích đối ngoại, Xét tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua các cấp.
 
Nhìn chung, trong những năm qua, tỷ lệ khen thưởng cá nhân là người lao động trực tiếp (từ cấp trưởng phòng thuộc các sở, ban, ngành và tương đương trở xuống) trên địa bàn Thành phố ngày càng tăng, đến năm 2016, tỷ lệ người lao động trực tiếp chiếm 90% số lượng cá nhân được khen thưởng). Đã có cá nhân là nông dân, người dân lao động trực tiếp (không làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp) trên địa bàn được đề xuất khen thưởng cấp Nhà nước (7 năm qua có 25 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,6% trong tổng số trường hợp được khen thưởng cấp Nhà nước toàn Thành phố). Trong nhiều năm liền, Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước…
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương và đánh giá cao tinh thần của Hà Nội trong công tác thi đua khen thưởng. Trong suốt 13 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều sáng tạo, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc triển khai hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng; xứng đáng là địa phương đi đầu trong công tác thi đua, khen thưởng của cả nước. Phó Chủ tịch nước đề nghị, thời gian tới, Hà Nội cần không ngừng tìm kiếm các giải pháp để nâng cao hiệu quả của Luật. Tiếp tục các cách làm sáng tạo trong các phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước, “Xây dựng người Hà Nội văn minh” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”... Đồng thời, Phó Chủ tịch nước mong muốn Hà Nội phát huy tính tiên phong, gương mẫu của Đảng viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo; đặc biệt cần quan tâm hơn nữa đến công tác khen thưởng, thưởng đúng người đúng luật...
 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị
 
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cảm ơn và tiếp thu sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước. Để phong trào thi đua, khen thưởng của Thủ đô tiếp tục lan tỏa, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ trưởng các đơn vị bám sát vào nội dung chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch nước; các nội dung của Chương trình hành động số 228 của UBND Thành phố về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Thành phố giai đoạn 2015-2020 và Kế hoạch số 115 của UBND Thành phố về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, đổi mới nâng cao công tác thi đua, khen thưởng của TP Hà Nội. 
 
Bên cạnh đó, cần tập trung chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng theo các nội dung: Đổi mới hoạt động Cụm thi đua; Đổi mới nội dung, hình thức phát động các phong trào thi đua; Đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng chú trọng phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt; Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành và việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng mức độ 3; Kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, sửa đổi bổ sung quy chế của Hội đồng thi đua khen thưởng theo hướng rõ người, rõ việc.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t