Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và ký ức về Cách mạng tháng 8/1945 (08:00 18/08/2017)


HNP - Đã trải qua 72 năm kể từ ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, song với mỗi cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, những người trực tiếp tham gia vào cuộc Tổng khởi nghĩa lịch sử, ký ức hào hùng về Cách mạng tháng Tám vẫn luôn in đậm và không thể nào quên, mặc dù, các cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu giờ đều đã ở độ tuổi ngoài 90.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải gặp mặt cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu


Bác Lê Đức Vân, nguyên Ủy viên Ban Thanh vận Hà Nội, Thành viên cuộc họp Ủy viên Quân sự cách mạng và Thành ủy mở rộng quyết định Tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945, nay là Trưởng Ban Thường trực Ban liên lạc Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu nhớ lại: những năm 1939, thực dân Pháp đàn áp dã man cách mạng, bắt bớ cầm tù nhiều người yêu nước. Sự đàn áp của thực dân Pháp đã thức tỉnh lòng yêu nước của tầng lớp trí thức, trong đó có học sinh trường Bưởi. 
 
Từ những năm đầu 1940, Trung ương Đảng có chỉ thị mỗi Đảng bộ trực thuộc, nhất là các thành phố lớn phải thành lập một ban Thanh vận để vận động và tập hợp thanh niên, đồng thời, xuất bản báo để phục vụ công tác tuyên truyền, vận động. Tháng 9/1940, một tổ chức yêu nước bí mật của học sinh trường Bưởi ra đời. 4 năm sau, trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 8/1944, tại số 46 Bát Đàn, Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu được thành lập với khoảng 60 thành viên hoạt động bán công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp… Chính Ðội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu và Ðội danh dự Việt Minh Hà Nội là tiền thân của lực lượng vũ trang Hà Nội sau này.
 
Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu được phân công thực hiện các nhiệm vụ rải, dán truyền đơn, truyền tay các tin tức cách mạng, kết hợp với các cuộc míttinh, biểu tình vũ trang trong các công sở, trường học, trên tàu điện, rạp hát, rạp chiếu bóng… Đồng thời, có trách nhiệm tham gia phá các cuộc triển lãm, míttinh do địch tổ chức, phá kho thóc của Nhật chia cho dân, diệt ác ôn mật thám và bọn đầu sỏ các Đảng phái phản động thân phátxít Nhật…
 
Chia sẻ về những ký ức về Tổng khởi nghĩa tháng Tám, bác Nguyễn Tiến Hà khi đó là tổ trưởng Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu khu Bạch Mai, hiện là Phó Ban Thường trực Ban liên lạc Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cho biết: cuộc Tổng khởi nghĩa đã được chuẩn bị trước đó rất lâu, từ phát triển lực lượng trong thanh niên, công nhân, nông dân để tiến tới tổng khởi nghĩa. Đối với những người trực tiếp tham gia sự kiện lịch sử này, Tổng khởi nghĩa được bắt đầu từ ngày 17/8/1945.
 

Bác Nguyễn Tiến Hà, cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu

Chiều ngày 17/8/1945, tại Nhà hát Lớn, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh tuyên truyền cho công lao của Nhật và chính quyền bù nhìn. Một số chiến sĩ của Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được giao nhiệm phá bằng được lễ mít tinh. Cuộc mít tinh của địch vừa bắt đầu thì các chiến sỹ bất ngờ chiếm lấy diễn đàn, buông lá cờ đỏ sao vàng từ gác Nhà hát Lớn xuống, đại diện Việt Minh đứng lên diễn thuyết, báo tin Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, kêu gọi nhân dân đứng lên ủng hộ Việt Minh, đánh đổ chính phủ bù nhìn thân Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân. 
 
Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình tuần hành của quảng đại quần chúng, đi qua các phố lớn... và kéo dài đến 20 giờ tối cùng ngày thì tiếp tục chia thành các nhóm nhỏ, cầm cờ đỏ sao vàng tiếp tục đi vào các ngõ phố hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập”, “Đả đảo bù nhìn”…
 
“Việc phá lễ mít tinh của địch ngày 17/8 là một thắng lợi bước đầu và đã tạo tiền đề để cuộc họp Ủy viên Quân sự cách mạng và Thành ủy mở rộng diễn ra tối cùng ngày quyết định sẽ tiến hành Tổng khởi nghĩa theo cách đó, tức là dùng bạo lực chính trị để mà giành chính quyền, bởi nếu dùng quân sự để đánh quân Nhật thì sẽ không thành công được. Vì lúc đó Hà Nội còn gần 2 vạn quân Nhật chưa được lệnh hạ vũ khí, trong khi Việt Minh chỉ có vài trăm người với gần 100 khẩu súng các loại”, bác Lê Đức Vân nhớ lại.
 
Trong chia sẻ của mình, Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1945, Ủy viên Quân sự Ủy ban khởi nghĩa trực tiếp chỉ đạo Ủy ban khởi nghĩa ở Hà Nội cho biết: ngày 18/8/1945 là ngày chúng ta tập hợp và chuẩn bị lực lượng để đến đúng ngày 19/8, theo kế hoạch đã định, 20 vạn người ở nội thành và ngoại thành cùng các vùng phụ cận từ các cửa ô mang theo cờ, băng khẩu hiệu và vũ khí thô sơ đi theo từng hàng, từng khối rất trật tự kéo vào quảng trường Nhà hát Lớn. Sau khi mít tinh, từ điểm xuất phát này, đoàn người khổng lồ rầm rộ tỏa về các hướng, tập trung vào các trọng điểm như: Phủ Khâm sai, trại Bảo an binh và một số cơ sở hành chính khác.
 
“Đến khoảng 18 giờ ngày 19/8, toàn bộ cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn ở Hà Nội bị ta chiếm giữ, cuộc cách mạng đã giành được thắng lợi. Đây là thắng lợi to lớn bởi chúng ta không phải đổ máu, nhưng để có được điều đó chúng ta đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị từ nhiều năm trước, cùng với việc lựa chọn đúng thời cơ và phương pháp tiến hành cách mạng”, Đại tướng Nguyễn Quyết chia sẻ.
 
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.
 
Sau Cách mạng Tháng Tám, hầu hết đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp, để có ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, rồi lại tiếp tục bước vào cuộc Kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày Thống nhất đất nước 30/4/1975.
 
“Lịch sử cho thấy ở những thời điểm khó khăn nhất thì vai trò của thanh niên rất rõ ràng. Trong Cách mạng tháng Tám, thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cùng các thanh niên nội, ngoại thành đã đóng vai trò nòng cốt, xung kích. Chúng tôi tự hào vì đã cống hiến tuổi trẻ và cả cuộc đời cho cách mạng, chỉ mong sao các thế hệ thanh niên ngày nay tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt và xung kích trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”, bác Lê Đức Vân nhấn mạnh.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t