Hoài Đức: Rà soát tiêu chí xây dựng NTM trong định hướng phát triển đô thị (22:11 26/07/2017)


HNP - Chiều 26/7, đoàn kiểm tra của Thành ủy, do Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn làm trưởng đoàn, đã làm việc với huyện Hoài Đức về kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”. Cùng đi có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu tại buổi làm việc


Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, phát huy những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình 02 giai đoạn 2010-2015, trong giai đoạn này, huyện tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, với phương châm “làm đâu được đó”. Mặc dù nông nghiệp của huyện chỉ còn chiếm khoảng 7% trong cơ cấu kinh tế, song huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây có giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển các vùng chuyên canh tập trung, sản xuất hàng hóa. Đến nay, toàn huyện có 838ha, trong đó vùng chuyên canh cây ăn quả là 540ha (chủ yếu là nhãn chín muộn, bưởi các loại, cam các loại, phật thủ,...); vùng sản xuất rau an toàn với gần 300ha, trong đó gần 60ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
 
Trên địa bàn huyện đã có 2 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể, đó là nhãn chín muộn và bưởi đường Quế Dương. Các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung của huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, như vùng trồng nhãn chín muộn, bưởi đường sớm cho thu nhập bình quân 500 triệu đồng/ha, có vườn cho thu nhập trên 1 tỷ đồng; vùng trồng phật thủ cho thu nhập từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha; vùng trồng rau an toàn cho thu nhập bình quân 400 triệu đồng/ha, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
 
Ngoài ra, huyện Hoài Đức đã quy hoạch, phát triển 8 cụm công nghiệp với diện tích trên 130ha, 12 làng nghề truyền thống được công nhận hiện đang hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Huyện cũng đang tập trung cho công tác bảo vệ môi trường, cấp nước sạch cho nhân dân, năm 2017, huyện phấn đấu lắp mạng truyền dẫn nước tập trung cho 11 xã, nâng tổng số xã được cấp nước sạch lên 14/19 xã, thị trấn và đến năm 2018 sẽ hoàn thành số xã còn lại. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 39 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,57%.
 
Về kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, đến hết năm 2016, 19/19 xã của huyện đã được Thành phố công nhận đạt chuẩn NTM; 9/9 tiêu chí của huyện NTM Hoài Đức cũng đã hoàn thành, hiện nay huyện đã xây dựng hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương để thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Có được kết quả trên, trong giai đoạn vừa qua, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình xây dựng NTM của huyện đạt trên 1.243 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước đạt gần 210 tỷ đồng.
 
Đánh giá cao những kết quả huyện Hoài Đức đạt được trong xây dựng NTM, tuy nhiên, các thành viên đoàn kiểm tra cho rằng huyện cần chú trọng hơn nữa đến bảo vệ môi trường, khớp nối hạ tầng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Hoài Đức phải chủ động nguồn nhân lực, có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng cán bộ chất lượng để sau này khi đô thị hóa, đội ngũ cán bộ nhanh chóng tiếp cận với phương pháp quản lý đô thị.
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho rằng, những kết quả tích cực trong xây dựng NTM của huyện Hoài Đức cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của huyện đang đúng hướng. Đồng chí cũng bày tỏ ấn tượng khi huyện đã quan tâm hỗ trợ, người dân của huyện năng động, mạnh dạn, sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thành công trong xây dựng các mô hình sản xuất chuyên canh tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao.
 
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phân tích, với tiến trình đô thị hóa nhanh như hiện nay, huyện Hoài Đức phải tính toán để những tiêu chí NTM không bị lạc hậu, lỗi thời. “Tiêu chí về hành chính để phát triển thành quận có thể đạt được, nhưng những tiêu chí xã hội để đạt được không hề dễ”. Đồng chí cho rằng huyện cần tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM chất lượng hơn với tầm nhìn dài hơi, định hướng phát triển đô thị, từ đó mới có thể thu hút đầu tư hiệu quả, đồng thời tránh lãng phí nguồn lực. Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, hiện nay, Hoài Đức vẫn còn thời gian, điều kiện để điều chỉnh nên phải thực hiện một cách kỹ lưỡng. Đơn cử như việc quy hoạch, xây dựng các thiết chế công phục vụ đời sống dân sinh cần bố trí vào những vị trí thuận lợi và có thể triển khai sớm.
 
Với lợi thế là địa bàn ven đô, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho rằng huyện phải đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, gắn kết được với khâu chế biến, tiêu thụ để sản xuất không rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Cùng với đó, có các giải pháp bảo vệ môi trường, gắn phát triển làng nghề với du lịch, tăng thêm nguồn thu cho địa phương, nâng cao đời sống người dân.
 
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng nhấn mạnh yêu cầu huyện tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 15 của Thành ủy về xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng. “Trong quá trình phát triển, không thể tránh khỏi nảy sinh các vấn đề. Do đó, chúng ta phải nắm bắt tốt tình hình, quan tâm xem xét, giải quyết kịp thời, thấu đáo để tạo sự ổn định ngay từ cơ sở”, đồng chí  Đào Đức Toàn lưu ý.
 
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn thăm làng nghề tạc tượng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức
 
Tiếp đó, đồng chí Đào Đức Toàn cùng đoàn kiểm tra đã đi thăm mô hình xây dựng NTM, phát triển sản xuất làng nghề tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t