Quận Hoàn Kiếm: Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu (14:45 18/06/2018)


HNP - Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, sau 2 năm thực hiện, du lịch trên địa bàn quận đã phát triển theo hướng văn minh, hiệu quả, bền vững với trọng tâm là phát triển dịch vụ du lịch.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, đến nay, du lịch Hoàn Kiếm đã đạt được một số chỉ tiêu nổi bật: Tốc độ tăng trưởng dịch vụ, thương mại, du lịch: Năm 2016 đạt 18,43% (ngành du lịch đạt 20,02%); năm 2017, đạt 18,21% (ngành du lịch đạt 20,32%); ước 6 tháng đầu năm 2018 đạt 18,13% (ngành du lịch đạt 20,64%).

Tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại, du lịch trong cơ cấu kinh tế quận: năm 2016, đạt 97,96%; năm 2017, đạt 97,98%; ước 6 tháng đầu năm 2018 đạt 98,01%. Lượng khách du lịch quốc tế lưu trú trên địa bàn: năm 2016, đạt 1.491.000 lượt người, tăng 22,8% so với cùng kỳ; năm 2017, đạt 1.950.000 lượt người, tăng 30,2% so với cùng kỳ; ước 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.130.000 lượt người, tăng 19% so với cùng kỳ; Công suất sử dụng phòng của các cơ sở lưu trú, khách sạn trên địa bàn đạt trung bình 70 - 80%.

Có được những con số ấn tượng trên, phải kể đến việc quận Hoàn Kiếm đã đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu. Đầu tiên, phải kể đến việc phát triển không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã từng bước kết nối không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội thành sản phẩm du lịch đặc thù của quận Hoàn Kiếm. Nhờ đó, số lượng cơ sở kinh doanh mới hoặc chuyển đổi mục đích kinh doanh phục vụ cho dịch vụ và du lịch trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm là 268 cơ sở.

Các tuyến phố kinh doanh truyền thống tiếp tục được phát huy, cơ bản đáp ứng các tiêu chí văn minh thương mại: Chất lượng tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Giấy, chợ đêm Đồng Xuân từng bước đươc nâng lên; việc mở rộng không gian đi bộ sang 6 tuyến phố khu bảo tồn cấp I khu phố cổ tạo được ấn tượng và sức hút lớn của du khách; các tuyến phố chuyên doanh Đông Nam dược Lãn Ông, tơ lụa Hàng Gai, kim hoàn Hàng Bạc hình thành ngày càng rõ nét.

Đáng chú ý, quận đã phối hợp với Quỹ giao lưu Quốc tế Hàn Quốc và chương trình định cư con người Liên hợp quốc giới thiệu Không gian bích họa phố Phùng Hưng (đoạn Lê Văn Linh - Hàng Cót), đồng thời, nghiên cứu triển khai dự án cải tạo, chỉnh trang 131 vòm cầu dưới cầu dẫn lên cầu Long Biên theo chỉ đạo của UBND Thành phố nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội quận.

Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện Đề án xây dựng Phố sách Hà Nội tại phố 19/12, nghiên cứu xây dựng “Không gian văn hóa tại phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí tạo điểm nhấn thu hút đông đảo người dân và du khách đến thăm quan, mua sách và tham gia các hoạt động liên quan đến văn hóa đọc; Phối hợp với Sở Du lịch tiến hành công bố các điểm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch như: Không gian văn hóa Hà Nội tại di tích đền Đồng Lạc, Tân Mỹ design... Từng bước hình thành khu phố mua sắm hàng hiệu - hàng chất lượng cao tại Lê Thái Tổ - Hàng Khay - Tràng Tiền - Lý Thái Tổ - khu vực xung quanh Nhà hát lớn thu hút nhiều thương hiệu lớn của thế giới.

Ngoài ra, quận cũng thực hiện kết nối chuỗi địa điểm du lịch khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận với các điểm du lịch của Thành phố như: Di sản Hoàng thành Thăng Long, quảng trường Ba Đình, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thăng Long Tứ Trấn, khu vực Hồ Tây. Đồng thời, phối hợp với Sở Du lịch xây dựng tuyến, tour du lịch thăm quan phố cổ và những công trình kiến trúc Pháp điển hình, tham dự các hoạt động trong các tuyến phố đi bộ; 04 tour đi bộ khám phá phố cổ; tour “Cảm xúc Hà Nội”.

Để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng.... Tính đến nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã có 167 công ty lữ hành đang hoạt động; 464 khách sạn, cơ sở lưu trú với 10.846 phòng (trong đó có 225 khách sạn được xếp hạng, gắn sao, tiêu biểu như: khách sạn Hilton Opéra, Movenpik, Métropole, Silk park...).

Nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài đến với phố cổ, quận đã tổ chức thí điểm các hoạt động kinh doanh dịch vụ đến 2h sáng vào các ngày thứ 6, thứ 7, Chủ nhật hàng tuần trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thu hút 51 cơ sở kinh doanh (gồm: Quán café, nhà hàng sử dụng âm nhạc, nhà hàng dịch vụ ăn uống, dịch vụ karaoke) đủ điều kiện và đăng ký tham gia, tạo thêm không gian vui chơi, đáp ứng nhu câu giải trí, giao lưu, tìm hiểu cuộc sống ban đêm của du khách đặc biệt là du khách quốc tế, tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách, không phát sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Doanh thu khoán bình quân một tháng trong năm 2017 của các cơ sở tham gia thí điểm tăng 55% so với năm 2016.

Có thể nói, với sự đầu tư đúng hướng, hoạt động đầu tư phát triển và kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm ngày càng sôi động, được xã hội hóa rộng rãi, thu hút nhiều nguồn lực, nhiều thành phần kinh tế tham gia. Thời gian tới, Hoàn Kiếm sẽ tập trung đầu tư, khai thác hiệu quả và phát huy thế mạnh không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phát triển dịch vụ du lịch gắn với quản lý, bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ, di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến; tổ chức tốt các lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa - nghệ thuật dân gian để tạo sức hấp dẫn hơn nữa với du khách.


Hoàng Nam


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t