Hội Nông dân Thanh Trì chung sức xây dựng Nông thôn mới (21:13 18/06/2018)


HNP - Những năm qua, Hội Nông dân huyện Thanh Trì đã phát huy được vai trò nòng cốt trong các phong trào thi đua của nông dân và xây dựng nông thôn mới; tạo động lực để các tầng lớp nông dân trong huyện hăng hái tham gia lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương.

Mô hình cửa hàng rau sạch huyện Thanh Trì


Hội Nông dân huyện Thanh Trì hiện có 16 cơ sở hội với hơn 18.242 hội viên. Những năm trước đây, công tác xây dựng tổ chức hội ở một số cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng sinh hoạt chi hội còn chưa đáp ứng được mong muốn và nguyện vọng của hội viên, nội dung chưa thiết thực, chưa thu hút, tập hợp được hội viên tham gia sinh hoạt, có nơi tỷ lệ kết nạp hội viên chưa cao. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện xác định để tổ chức hội thực sự vững mạnh thì việc duy trì nề nếp sinh hoạt, đặc biệt là nội dung, chất lượng, hình thức sinh hoạt phải đổi mới, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, lấy lợi ích của hội viên làm động lực để tập hợp, phát triển hội viên. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ qua, huyện đã phát triển được 2.938 hội viên đạt 117% kế hoạch, tổng số hội viên đến năm 2017 là 18.242 hội viên, đã xây dựng được 07 cơ sở Hội vững mạnh điển hình, vượt 16,6% chỉ tiêu thành phố giao, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt đạt 70%. 100% hội viên được tham gia tập huấn tuyên truyền kiến thức mọi mặt để nâng cao trình độ, hiểu biết trên các lĩnh vực. Hàng năm, tiến hành đánh giá chất lượng tổ chức Hội: 85% cơ sở Hội, 70% chi hội đạt vững mạnh, không có cơ sở Hội, chi hội yếu kém.
 
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã chọn điểm để chỉ đạo sinh hoạt chi hội, rút kinh nghiệm chỉ đạo các cơ sở và chi hội trong toàn huyện, đồng thời, phân công cán bộ Ban chấp hành, Ban Thường vụ phụ trách cơ sở hàng tháng, quý có lịch đi dự sinh hoạt đối với các chi hội thôn, xóm. Một trong những hoạt động chỉ đạo điểm của Hội là sinh hoạt chi hội gắn với tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, được cán bộ, hội viên đồng tình hưởng ứng. Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm đến từng chi hội, qua đó cán bộ, hội viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hưởng ứng và ký cam kết thực hiện cuộc vận động “nông dân nói không với thực phẩm bẩn” do các cấp Hội phát động. Tiếp tục duy trì và củng cố 17 mô hình Nông dân tham gia bảo vệ môi trường; 16 đoạn đường “Chi hội nông dân tự quản” tại các trục đường liên thôn; Hội Nông dân huyện tiếp tục duy trì giữ gìn VSMT tại đoạn đường Đông Mỹ - Ngũ Hiệp và khu chuyển đổi 6,8ha tại xã Tả Thanh Oai; tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường và trồng các tuyến đường hoa dọc sông Tô Lịch và sông Nhuệ đoạn qua huyện Thanh Trì. 
 
Nông dân huyện Thanh Trì từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất
 
Hàng năm, vận động trên 65% hộ hội viên đăng ký và tổ chức bình xét 55 đến 60% hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tập trung xây dựng 17 mô hình kinh tế tập thể, trong đó, có 6 mô hình kinh tế điểm cho hiệu quả kinh tế cao… phối hợp với UBMTTQ huyện, phòng kinh tế huyện tổ chức 6 cuộc giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV tại 6 xã, 15 lượt cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Đặc biệt, các cấp hội trong huyện đã thực hiện tốt đề án củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của vùng sản xuất rau an toàn tập trung giai đoạn 2016 - 2021 các cấp Hội đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuât, đặc biệt là thực hiện thắng lợi dồn điền đổi thửa, từ những thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ nay đã trở thành những ô thửa lớn, những cánh đồng chuyên canh đem lại giá trị kinh tế cao, như vùng sản xuất lúa tập trung 3 xã Vĩnh Quỳnh - Tả Thanh Oai - Đại Áng; vùng sản xuất rau an toàn Yên Mỹ - Duyên Hà - Vạn Phúc, vùng nuôi trồng thủy hải sản Thanh Liệt - Đông Mỹ - Tứ Hiệp; phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế mới như mô hình trồng nấm ăn nấm dược liệu, mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm, nuôi gà an toàn sinh học; trồng bưởi tạo hình hồ lô, mô hình trồng hoa đào… khuyến khích người dân thực hiện các mô hình sản xuất khép kín. Góp phần đưa nông nghiệp của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa, có thương hiệu trên thị trường như rau an toàn Yên Mỹ - Duyên Hà, Gạo BT09 Vĩnh Quỳnh... Thanh Trì cũng là huyện đầu tiên của thành phố xóa bỏ các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ trong khu dân cư, đưa vào sử dụng lò giết mổ gia xúc tập trung tại xã Vạn Phúc với công suất giết mổ trung bình 1.700 con lợn/ngày đêm; giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý hoạt động giết mổ.
 
Đồng thời, để giúp hội viên nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu thì việc tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi vẫn là việc làm quan trọng và cơ bản nhất. Các cấp Hội đã tập trung làm tốt các hoạt động nhận ủy thác từ các nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH), các chương trình, dự án cho hội viên vay. Bên cạnh đó, phối hợp với các doanh nghiệp, các ngành liên quan tăng cường các hoạt động dịch vụ vật tư nông nghiệp, chuyển giao KHKT giúp nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập. Đến nay, toàn Hội đang quản lý tổng số vốn hợp đồng ủy thác từ Ngân hàng CSXH huyện trên 120 tỷ đồng cho hơn 7.500 hộ vay.
 
Hội viên Nông dân trong huyện tham gia xây dựng đường hoa
 
Trong công tác xây dựng nông thôn mới, Hội đã tổ chức 117 hội nghị tuyên truyền cho trên 18.141 lượt cán bộ hội viên, vận động cán bộ hội viên nông dân tham gia đóng góp gần 20,64 tỷ đồng, 16.360 ngày công xây dựng nông thôn mới, qua đó, đã hoàn thành nhiều công trình quan trọng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi, chợ nông thôn, trường học, các thiết chế văn hóa. Tiêu biểu như Hội nông dân xã Đông Mỹ trong 5 năm, Hội đã vận động xã hội hóa nhân dân đóng góp gần 9 tỷ đồng, 16 hộ gia đình hội viên hiến đất làm đường với diện tích 552m2, 200 ngày công để xây dựng đường làng ngõ xóm, kết cấu hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, hoạt động của tổ chức Hội được mở rộng, đa dạng hoá các hình thức tập hợp nông dân, đổi mới phong cách công tác gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nông dân, góp phần củng cố lòng tin của nông dân với Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
 
Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút hội viên vào Hội và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cấp Hội nông dân huyện Thanh Trì tiếp tục tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể đề ra các giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện để nông dân tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất lớn, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay. Đồng thời, định hướng rõ vùng sản xuất chuyên canh, tập trung vào một số loại cây trồng, con nuôi có tính chất hàng hoá; tiếp tục trợ giá phân bón, một số giống cây trồng và tìm đầu ra sản phẩm nông nghiệp cho nông dân; quan tâm đến công tác quản lý vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu để người nông dân tránh được phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng... Tiếp tục phát động mạnh cả bề rộng và chiều sâu các phong trào thi đua; quan tâm xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, cùng cả huyện giữ vững danh hiệu huyện Nông thôn mới.

Trường Giang


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t