Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: Địa chỉ văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn của người dân Thủ đô (16:09 20/05/2018)


HNP - Ngày 11/5, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ đã chính thức khai trương, thí điểm sau lần lỡ hẹn. Đến với phố đi bộ Trịnh Công Sơn vào dịp cuối tuần, du khách sẽ được cảm nhận phong cách đầy lãng mạn, từ văn hóa đến ẩm thực. Theo Đề án tổ chức, thời gian triển khai thí điểm sẽ đến hết năm 2018, sau đó, UBND quận Tây Hồ sẽ lấy ý kiến để có phương án điều chỉnh, mở rộng khi thực hiện tiếp giai đoạn 2 và 3 của Đề án.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn thu hút đông đảo người du khách trong và ngoài nước đến thăm quan


Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn cho biết, thực hiện mục tiêu xây dựng Quận sớm trở thành trung tâm dịch vụ du lịch - văn hoá của Thủ đô Hà Nội; Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 11/11/2016 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Đồng thời, thiết lập và duy trì một không gian văn hóa cộng đồng với các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch, tinh hoa ẩm thực tại khu vực hồ Tây, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của người dân thủ đô Hà Nội, tháng 3/2017, UBND quận Tây Hồ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ”.
 
Để việc triển khai Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố có hiệu quả, Quận Tây Hồ đã quyết định thực hiện thí điểm giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 11/5/2018 đến hết năm 2018. Nội dung hoạt động gồm: Tổ chức các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống (như ca trù, xẩm, chầu văn, hát chèo…), nhạc cụ dân tộc, âm nhạc đương đại, triển lãm tranh ảnh, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, tổ chức các trò chơi dân gian, chợ trao đổi đồ cũ dành cho người nước ngoài… Kết hợp là các hoạt động dịch vụ, du lịch, phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của nhân dân và du khách. 
 
Sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo Thành phố để triển khai giai đoạn 2 trong năm 2019 và các năm tiếp theo với mục tiêu tiếp tục mở rộng, hoàn chỉnh Đề án để tạo sự kết nối với không gian đi bộ khu vực xung quanh hồ Tây, nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh vùng đất Tây Hồ. Đồng thời tạo sự gắn kết với khu Công viên nước Hồ Tây, khu vực ẩm thực Nhà hàng Sen, nhằm đưa dịch vụ-du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của quận Tây Hồ.
 
Những quầy hàng di động tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn
 
Ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, tuần đầu khai mạc phố đi bộ Trịnh Công Sơn dù trời mưa song lượng khách đến tham quan trong ba ngày đầu đạt khoảng 6.000 lượt người. “Lễ khai mạc diễn ra dưới mưa dù không trong kế hoạch nhưng cũng bảo đảm mang đến những tiết mục văn hóa nhiều màu sắc. Vào buổi sáng các ngày thứ bảy và chủ nhật (ngày 12 và 13/5), nhiều hoạt động nghệ thuật đường phố diễn ra như hát xẩm trên thuyền, màn biểu diễn sôi động của các nhóm nhảy đường phố. 55 gian hàng nghệ thuật, ẩm thực, lưu niệm hoạt động hết công suất. 100% các gian hàng bảo đảm đúng mẫu mã, kiểu dáng xe đẩy, ki ốt lưu động để có thể thu dọn khi kết thúc thời gian hoạt động phố đi bộ. Tuy địa điểm tổ chức phố đi bộ không nằm ở trung tâm thành phố nhưng với lượng khách đến tham quan như trên đã phần nào khẳng định tính hấp dẫn của phố đi bộ Trịnh Công Sơn” - Ông Nguyễn Đình Khuyến chia sẻ.
 
Theo đánh giá của du khách khi trải nghiệm tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn thì cảnh quan tại phố đi bộ khá đẹp, nhiều hoạt động văn hóa đa dạng, ẩm thực phù hợp, vệ sinh sạch sẽ. Cổng chào, đài phun nước, đèn chiếu sáng, đường, hè, hoa, cây cảnh… được đầu tư đồng bộ. Trong ba ngày diễn ra ban đầu, không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn không có hiện tượng mất trật tự an ninh, không có rác tồn đọng trước, trong và sau thời gian tổ chức.
 
Tuy vậy, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn vẫn bộc lộ các bất cập như khu vực rặng nhãn còn thiếu ánh sáng. Hệ thống loa phát thanh nhắc nhở về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự còn thiếu; Các gian hàng ẩm thực còn đơn điệu, chưa có nhiều mặt hàng đặc trưng của Hà Nội. Khu vực đầu rặng nhãn và cuối quảng trường xuất hiện một số hàng rong và hàng bán nước. Đặc biệt, hai điểm trông giữ xe của Công ty khai thác Hồ Tây thu phí trông xe máy quá giá quy định. Bên cạnh đó, lực lượng an ninh vẫn để xảy ra hiện tượng mở barie cho xe máy đi vào ban ngày khi chưa hết giờ hoạt động; vẫn còn một số hàng rong, hàng nước hoạt động ở đầu đường Rặng Nhãn và cuối sân Quảng trường; thiếu hệ thống loa phát thanh nhắc nhở về vệ sinh môi trường…
 
Ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, để không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ hấp dẫn hơn, quận tiếp tục hoàn chỉnh về hạ tầng, cảnh quan; điều chỉnh các ngành, nghề kinh doanh, nhất là về ẩm thực, lưu niệm. Các tồn tại về hàng rong, đảm bảo chốt trực sẽ được giải quyết, thực hiện triệt để… Hiện nay, lãnh đạo quận đang lên phương án trồng cây mùa hè để bảo đảm có đủ bóng mát cho người dân vào những buổi sáng cuối tuần. Thời gian tới, quận tiếp tục mời những người yêu nghệ thuật đến biểu diễn nhằm tăng tính kết nối, giao lưu văn hóa.
 
Trước đó, trả lời báo chí, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, quận đã có kế hoạch mở khu “chợ Tây”, tạo không gian mua bán, trao đổi hàng hoá của người nước ngoài ở đây. Ngày 9/5, UBND quận đã gửi văn bản đề nghị đơn vị tổ chức hoạt động kinh doanh buôn bán của người nước ngoài tại khu vực chợ Quảng Bá chuyển hoạt động kinh doanh đến phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Lãnh đạo quận hy vọng, phố đi bộ Trịnh Công Sơn sẽ là địa chỉ văn hóa, nghệ thuật và là nơi trao đổi hàng hóa đặc sắc, hấp dẫn không chỉ của người dân mà với cả người nước ngoài trong thời gian tới.

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t