Phú Xuyên tích cực thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công (11:17 24/04/2018)


HNP - 5 năm qua, huyện Phú Xuyên luôn chú trọng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, động viên các nguồn lực để chăm lo đời sống gia đình chính sách, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.

Lãnh đạo huyện Phú Xuyện tặng quà cho mẹ VNAH Nguyễn Thị Chải - xã Nam Phong


Hiện nay, toàn huyện Phú Xuyên có 22.480 người có công, trong đó, Lão thành cách mạng 25 người; Cán bộ tiền khởi nghĩa 44 người; Liệt sĩ 3.927 người; Bà mẹ VNAH 385 người; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh 1.161 người; Bệnh binh 992 người; Người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 708 người; Người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày 359 người; Người hoạt động kháng chiến, giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế 14.465 người.

Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc thương binh, liệt sỹ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, triển khai có hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công. Đồng thời, huyện cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con thương - bệnh binh. Các chính sách ưu đãi như trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế, chăm sóc điều dưỡng sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, đồ dùng sinh hoạt, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo cho con người có công và các phong trào tình nghĩa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực và đơn thư khiếu nại nổi cộm. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhận đỡ đầu con thương binh, thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn...
 
Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo Phòng LĐTB&XH phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thông tin & Thể thao xây dựng chuyên mục, vào ngày thứ 3, thứ 6 hàng tuần phát thanh tuyên truyền các văn bản thực hiện chính sách ưu đãi người có công, trang thông tin điện tử, Phòng Tư pháp huyện tăng cường đưa tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền phổ biến quy định về ưu đãi người có công với cách mạng cho các cán bộ từ thôn, xóm, khu dân cư trên địa bàn, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của các xã, thị trấn.
 
Đồng thời, huyện đã thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 13 nghìn người thuộc đối tượng người có công; Phối hợp với các trung tâm điều dưỡng sức khỏe luân phiên tập trung cho 2.956 lượt người và tại gia đình cho 5.443 lượt người, kinh phí trên 12 tỷ đồng; thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo đối với 1.701 lượt con của người có công với cách mạng, kinh phí trên 5 tỷ đồng; đảm bảo chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho 522 lượt đối tượng chính sách. Trợ cấp một lần, mai táng phí 19.488 người, kinh phí 34,915 tỷ đồng trong đó số đối tượng từ trần đã giải quyết chế độ mai táng phí 6.274 người; Quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần 12 người; giải quyết cấp thẻ Bảo hiểm y tế 12.752 người…
 
Đặc biệt, trong năm 2016 thực hiện Quyết định số 5716/QĐ-UBND ngày 13/10/2016 của UBND Thành phố về hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng. Huyện đã phối hợp với các cấp hỗ trợ cho 1.126 hộ trong đó xây mới 400 hộ, sửa chữa 726 hộ khó khăn về nhà ở, số tiền là 53,410 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cũng được các cơ quan tổ chức ủng hộ tích cực, một số gia đình thương binh, liệt sỹ khó khăn được tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa với mức cao nhất là 2 triệu đồng/sổ. Tổng số sổ được tặng trong năm 2016 và 2017 là 170 sổ với trị giá 270 triệu đồng.
 
Hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sỹ 27/7, ngày Quốc khánh 2/9 và Tết Nguyên đán, UBND huyện đã trích một phần ngân sách để thăm hỏi các thân nhân liệt sĩ, con người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tại các Trung tâm nuôi dưỡng người có công của Thành phố, gia đình chính sách tiêu biểu, có hoàn cảnh khó khăn, Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nặng với gần 800 đối tượng được tặng quà (ngoài phần quà của Chủ tịch nước, quà của Thành phố), kinh phí trên 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra các đơn vị doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cũng tổ chức tặng quà cho người có công trên 8.611 suất/năm, kinh phí trên 15 tỷ đồng. Đồng thời, quan tâm đầu tư và vận động nhân dân đóng góp kinh phí để xây mới, tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ. Giai đoạn 2013 - 2017 đã tu sửa nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện và nghĩa trang các xã, thị trấn, kinh phí trên 12 tỷ đồng. 
 
Để tiếp tục thực hiện nghiêm Pháp lệnh người có công, trong thời gian tới, huyện Phú Xuyên tiếp tục quán triệt đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính lĩnh vực lao động, người có công và xã hội nói chung và người có công nói riêng nhằm tạo điều kiện giúp các cơ quan, đơn vị có căn cứ, cơ sở cập nhật, ban hành thực hiện kịp thời, đúng quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách bảo đảm đủ phẩm chất, năng lực công tác, chuyên môn, đủ khả năng tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời thúc đẩy giải quyết tồn đọng các chế độ, đơn thư khiếu nại, tố cáo về chế độ chính sách có công. Tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác chính sách người có công cho cán bộ cấp xã để thực hiện tốt hơn các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, đảm bảo mọi người có công với cách mạng đều được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Hỗ trợ trang thiết bị làm việc cho cán bộ phụ trách LĐTB&XH cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ cấp cơ sở hoàn thành tốt công việc được giao.

Trường Giang


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t