Thăm làng trồng lá dong xã Kim An những ngày giáp Tết (13:11 13/02/2018)


HNP - Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, khi không khí tết mới bắt đầu rậm rịch thì đối với người dân làng trồng lá dong Tràng Cát, tết đã gõ cửa từng nhà. Từ bao đời nay, mỗi dịp cận tết Nguyên Đán, về thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai đâu đâu cũng thấy một màu xanh mướt của lá dong. Dọc đường làng, từng đoàn xe máy nối đuôi nhau vào tận vườn lấy lá rồi tỏa đi các hướng.

Người dân xã Kim An, huyện Thanh Oai thu hoạch lá dong


Thôn Tràng Cát, xã Kim An được biết đến là một trong những làng trồng lá dong lớn ở miền Bắc, lá dong được bán quanh năm nhưng Tết là dịp hoạt động buôn bán diễn ra nhộn nhịp nhất. Theo các cụ cao niên trong thôn, cây dong đã bén rễ trên đất Tràng Cát từ nhiều đời nay. Theo phong tục cổ truyền, nhà nhà đều có bánh chưng. Truyền rằng, cách đây khoảng 600 năm về trước, bà Đàm Sứ ở thôn Nga Mi Hạ, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, thấy đây là vùng đất tốt tươi cho cây trồng đã đưa con cháu xuống khai hoang lập địa, phát cỏ và trồng cây lá dong.
 
Thôn Tràng Cát được trời phú cho chất đất phù sa màu mỡ, theo thần tích địa phương, vị tổ khai sáng làng trồng lá dong là cụ Đàn Sú đã lập làng cách đây 6 thế kỷ. Lá dong Tràng Cát xưa kia thường được tuyển chọn để gói bánh chưng dâng vua. Ban đầu người dân trồng lá dong trong vườn nhà, đến năm 1992, khi Nhà nước áp dụng chính sách đất đai mới, bà con bắt đầu chuyển diện tích trồng lúa, rau màu kém hiệu quả sang trồng cây lá dong, do đó diện tích trồng lá dong tăng đáng kể.
 
Đã có thời điểm toàn bộ các hộ trong thôn Tràng Cát đều trồng cây lá dong, mỗi hộ từ 1 đến 2 sào, có hộ trồng tới 6-7 sào. Lá dong ở Tràng Cát khác với các loại lá dong rừng và vùng khác. Lá thường to tròn và dai, mặt dưới của lá có màu xanh non, cuống lá dài và đồng màu với gân lá. Nếu dùng lá để gói bánh chưng sẽ cho bánh màu xanh tự nhiên rất đẹp mắt và có vị thơm hấp dẫn sau khi luộc chín.
 
Nhiều người dân trong thôn Tràng Cát cho biết, lá dong ở Tràng Cát có vị thơm đặc trưng do được trồng trên vùng đất bãi bồi của sông Đáy. Trồng lá dong không mất nhiều công sức, chỉ cần lấy gốc cây trồng một lần nhưng thu hoạch nhiều năm và được thu hoạch quanh năm, bà con có thêm thu nhập những lúc nông nhàn.
 
Ông Trịnh Văn Đoán, một người dân thôn Tràng Cát cho biết, nghề trồng lá dong đòi hỏi nhiều công chăm sóc mới đảm bảo được chất lượng lá tốt cung ứng ra thị trường. Trong năm từ khi lá còn nhỏ đã phải tưới nước, bắt sâu, bỏ lá bị sâu để tránh lan sang cây khác, thường xuyên tiến hành dọn cỏ. Những cây cho ra lá sâu hoặc nhỏ quá phải cắt bỏ để không ảnh hưởng đến sự phát triển các cây khác. Ông cho biết, mỗi năm phải mất 3 lần vào vườn chăm sóc và cứ đến ngày 20/12 âm lịch, gia đình sẽ cắt toàn bộ, bó thành từng bó để thương lái khắp nơi về mua, phục vụ gói bánh trưng Tết.
 
Trước kia, lá thường được chở từ các tỉnh phía Bắc về thủ đô. Nhưng nhiều năm nay, người dân thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội đã trồng lá dong để phục vụ quanh vùng, không chỉ dịp Tết mà cả ngày thường.
 
Đặt chân đến Tràng Cát là gặp ngay lá dong. Lá dong ràn rạt khắp nơi, lá dong len trong nhà, trong vườn, lá dong dung dưỡng những cánh đồng bồi bãi, lá dong ôm ấp những con người lam lũ.
 
Có thể nói, người dân Tràng Cát “sống cùng lá dong, chết cùng lá dong”. Không ai trong số những người đến đây lại không thể cảm nhận được sự hiện diện của thứ lá này.
 
Chẳng phải làng Tràng Cát có mỗi lá dong, chỉ bởi bao đời nay lá dong vẫn được khai thác tối đa cho việc làm các loại bánh. Cứ một khóm dong nhỏ trong vườn, một lớp phân bón rồi phủ tro bếp lên trên cùng, vậy là có những cánh đồng lá dong xanh ngút ngàn tầm mắt.
 
Không ít người muốn đem giống ấy về trồng ở các vùng lân cận nhưng không đạt được chất lượng như khi trồng ở Tràng Cát. Lá dong Tràng Cát nằm trong vùng bãi bồi của dòng sông Đáy, nơi có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua, lại thêm có khí hậu ôn hòa, nên lá dong cứ được đà mà sinh sôi nảy nở, từ đó mà làm nên thương hiệu lá dong hàng trăm năm nay.
 
Theo anh Nguyễn Quang Tú, Ttrưởng thôn Tràng Cát, lá dong ở Tràng Cát qua bao năm bao tháng mà không hề mất đi bởi đất bãi nơi đây có đặc điểm là đất phù sa với tỉ lệ hai phần đất cát và một phần đất thịt, tạo điều kiện thuận lợi cho lá dong sinh trưởng và phát triển. Những năm trước đây, phần lớn các gia đình trong thôn đều trồng lá dong. Tuy nhiên, giá trị kinh tế của lá dong thấp hơn một số cây trồng khác, khoảng vài ba năm trở lại đây, diện tích trồng lá dong có xu hướng giảm vì người dân chuyển sang trồng cây ăn quả.
 
Tuy nhiên, trong khoảng gần 500 hộ dân ở Tràng Cát thì hiện nay vẫn còn khoảng hơn 300 hộ trồng lá dong với diện tích khoảng 25 ha. Nếu tính năng suất ở thời điểm thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán, khoảng 6 vạn lá/sào thì số lượng lá dong cung cấp cho thị trường là rất lớn.
 
Là niềm tự hào của thôn, lá dong Tràng Cát không những nổi tiếng trong nước mà còn ra cả nước ngoài. Từ năm 2007, lá dong Tràng Cát đã xuất ngoại phục vụ nhu cầu Tết của bà con Việt Nam ở Mỹ, Nga và các nước Đông Âu. Về Tràng Cát những ngày này chúng tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ những cánh đồng lá dong, về những bóng lá dong xanh mượt mà cái mầu trời cũng rất xanh ngày Tết.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t