Phát huy hiệu quả nguồn vốn dụng chính sách tại quận Hoàn Kiếm (09:48 22/01/2018)


HNP - Năm 2002, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) quận Hoàn Kiếm được thành lập, từ đó đến nay, công tác triển khai tín dụng chính sách đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô nói chung.

Để phù hợp với thực tế và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, đến nay, màng lưới hoạt động của NHCSXH quận được tổ chức phù hợp với 05 điểm giao dịch tại UBND phường, 100% điểm giao dịch được bố trí trong khuôn viên trụ sở UBND. Tại trụ sở UBND 18 phường, NHCSXH phối hợp với UBND phường công khai các chế độ, chính sách, danh sách hộ vay vốn... nhằm công khai dân chủ, tăng cường sự kiểm tra giám sát của người dân và giúp người dân hiểu rõ về hoạt động của NHCSXH.

Tính đến hết năm 2017, tổng nguồn vốn cho vay tại quận đạt 65,908 tỷ đồng, tăng 61,921 tỷ đồng so với thời điểm mới thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm, trong đó: Nguồn vốn Ngân sách Trung ương: 42,067 tỷ đồng, chiếm 63,8% tổng nguồn vốn, tăng 38,08 tỷ đồng so với năm 2003. Nguồn vốn Ngân sách Thành phố: 20,841 tỷ đồng, chiếm 31,62% tổng nguồn vốn, tăng 20,841 tỷ đồng so với năm 2003. Nguồn vốn ngân sách quận Hoàn Kiếm ủy thác sang NHCSXH cho vay là 2 tỷ đồng, chiếm 3% tổng nguồn vốn, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2003. Nguồn vốn Quỹ “Vì người nghèo” quận Hoàn Kiếm ủy thác sang NHCSXH cho vay là 1 tỷ đồng, chiếm 1,5% tổng nguồn vốn, tăng 1 tỷ đồng so với năm 2003.

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đối tượng vay vốn tập trung chủ yếu vào 03 chương trình tín dụng: cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ mới thoát nghèo và cho vay hộ cận nghèo. Doanh số cho vay 15 năm qua đạt 320,06 tỷ đồng, với 21.825 lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ trong 15 năm: 254,372 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 30/6/2017 đạt 65,688 tỷ đồng với 2.289 hộ vay đang dư nợ, tăng 61,701 tỷ đồng so với thời điểm mới thành lập.

Chương trình cho vay hộ cận nghèo được triển khai từ năm 2013, đến nay, dư nợ đạt 3,42 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,2% trong tổng dư nợ toàn quận, tăng 100% so với năm 2013 với 157 khách hàng đang dư nợ; lũy kế số lượt hộ gia đình được vay vốn: 2.185 lượt hộ. Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo được triển khai năm 2015, dư nợ đạt 31,08 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,31% trong tổng dư nợ, tăng 100% so với năm 2015 với 1.063 khách hàng đang dư nợ, lũy kế số lượt hộ gia đình được vay vốn: 1.143 lượt hộ. Chương trình cho vay giải quyết việc làm được triển khai cho vay từ 4 nguồn vốn khác nhau, mục tiêu cho vay để tạo, duy trì và mở rộng việc làm. Dư nợ đạt 31,186 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,47% tổng dư nợ, với 2.189 khách hàng đang dư nợ, lũy kế số lượt hộ gia đình được vay vốn: 13.500 lượt hộ. Chương trình cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn đã giúp cho 55 học sinh, sinh viên. Các HSSV vay vốn đã tốt nghiệp, có có công việc và thu nhập ôn định nên đã trả hết nợ cho ngân hàng.

Nhờ thực hiện nguồn vốn tín dụng chính sách, kể từ khi đi vào hoạt động, bình quân, mỗi năm, NHCSXH quận giải ngân cho khoảng hơn 1.450 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đoi tượng chính sách khác được vay vốn. Dư nợ tín dụng chính sách tăng trưởng qua từng năm. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã có 21.825 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó, trên 1.000 hộ đã thoát nghèo, cận nghèo, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động, hỗ trợ 55 học sinh, sinh viên con hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có khó khăn về tài chính có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ “không để một học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì không có tiền nộp học”...

Thành công trong hoạt động tín dụng chính sách trong 15 năm qua không thể không nói đến phương thức ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Trong những năm qua, NHCSXH quận đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức triển khai ký kết Văn bản liên tịch, Hợp đồng ủy thác, Hợp đồng ủy nhiệm làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện. Triển khai có hiệu quả phương thức cho vay ủy thác từng phần qua 02 tổ chức chính trị xã hội: Hội Liên hiệp phụ nữ và Hội Cựu chiến binh. Cụ thể, Hội LHPN đã cho vay 2.076 lượt hộ, dư nợ hơn 59 tỷ đồng; Hội CCB đã cho vay 166 lượt hộ, dư nợ hơn 5,5 tỷ đồng

Bên cạnh những kết quả trên, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vẫn còn một số khó khăn như: Một số phường còn chưa khai thác thế mạnh của Hội đoàn thể và hệ thống chính trị, khu dân cư trong triển khai tín dụng chính sách. Ngoài ra, tổng dư nợ cho vay tại các phường không đồng đều, do đặc thù có phường địa giới hành chính rộng, nhiều người dân lao động, kinh doanh đa dạng với quy mô vừa và nhỏ, có nhiều nhu cầu vay vốn. Có phường trên địa bàn tập trung nhiều trung tâm thương mại với những cửa hàng kinh doanh quy mô lớn, với nhiều tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm, nhiều tuyến phố thực hiện văn minh đô thị nên nhu cầu vay vốn còn thấp...

Trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực trung ương, thành phố và quận triên khai có hiệu quả chất lượng tín dụng ưu đãi trên địa bàn, đảm bảo hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn quận có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng ưu đãi. Phấn đấu tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9-10%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 98%, không phát sinh nợ quá hạn, 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, qua đó, góp phần cùng quận Hoàn Kiếm thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo thành phố giao. Giải quyết việc làm bình quân mỗi năm 1.300 lao động, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tạo việc làm theo kế hoạch của UBND quận.


Hoàng Nam


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t