Phát triển kinh tế trang trại ở huyện Phúc Thọ: Bước chuyển trong nông nghiệp (20:48 20/11/2017)


HNP - Kinh tế trang trại ra đời là bước chuyển tất yếu của nền sản xuất hàng hóa, khơi dậy tiềm năng trong dân cư để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề, dịch vụ. Kinh tế trang trại ở huyện Phúc Thọ thời gian qua đã khẳng định được điều đó, góp phần xóa đói giảm nghèo trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Trang trại chăn nuôi lợn rừng tại bãi nổi xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ


Chú trọng phát triển kinh tế hộ

Với mong muốn tạo nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường Hà Nội, anh Ngô Xuân Cường, xã Cẩm Đình (Phúc Thọ) dành hết tâm huyết xây dựng trang trại nuôi hàng nghìn con lợn rừng theo mô hình bán hoang dã ở bãi nổi ven sông. Chủ nhân của trang trại này cho biết, cách đây tám năm, bãi nổi Cẩm Đình là vùng cát trắng, cỏ mọc hoang dại. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình anh đã cải tạo đất đai, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hình thành trang trại trồng cây kết hợp chăn nuôi tổng hợp rộng hơn 100ha.

Kỹ sư Phùng Văn Năm, phụ trách kỹ thuật chăn nuôi của trang trại lợn rừng sinh học Cẩm Đình cho biết: đã gắn bó với nơi này từ những ngày đầu lập trại. Ngày đó, nhận thấy nhu cầu thực phẩm sạch rất lớn nên anh Ngô Xuân Cường đã quyết định xây dựng trang trại nuôi lợn rừng sinh học, tạo nguồn thực phẩm an toàn cho cộng đồng. Hiện nay, ngoài 60ha trồng hơn chục vạn cây xoan, bạch đàn, phi lao, lát, xà cừ... 6 đến 7 năm tuổi để lấy gỗ, anh Ngô Xuân Cường nuôi thả 200 con trâu, bò và dãy chuồng trại nuôi giống lợn rừng Thái Lan với 1.300 con. Trong đó, khoảng 100 lợn bố mẹ, còn lại là lợn thịt, lợn con. Lợn được nuôi theo hình thức bán hoang dã, không sử dụng thức ăn công nghiệp. Khẩu phần ăn 70% rau, củ, quả, thảo dược như cây chè đại, hoàn ngọc; tinh bột chỉ chiếm 30%....

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn cho biết, kinh tế trang trại của địa phương đã khẳng định rõ tính ưu việt trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Cẩm Đình đã hình thành hơn chục trang trại, vườn trại lớn nhỏ, trong đó, có 6 trang trại trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp đủ điều kiện đạt theo tiêu chí mới. Nhiều trang trại như trường hợp của gia đình các ông Đoàn Văn Huấn, Lê Tiến Hùng, Lê Hữu Duy, Vũ Văn Mạnh, Vũ Tôn Quyền... qui mô 2-3 ha, bước đầu cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/ha. Chủ trang trại Đỗ Đình Thiệp, cụm 4, xã Cẩm Đình cho biết: hầu hết các trang trại trên địa bàn xã tuổi đời còn non trẻ, mới đi vào hoạt động được 3-5 năm. Các trang trại hoạt động theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”, có nghĩa là trồng cây, vật nuôi ngắn ngày như thả cá, nuôi trâu, bò, lợn, gà, trồng chuối tiêu hồng, trồng rau sạch tạo nguồn thu để tái đầu tư trồng nhãn, bưởi, mít, ổi, soài, cây cảnh, cây lấy gỗ... và nuôi con đặc sản như nhím, lợn rừng...

Sức lan tỏa rộng

Không riêng Cẩm Đình, phong trào phát triển kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa ở các xã, thị trấn của huyện Phúc Thọ thời gian qua đã khai thác được hiệu quả thế mạnh vùng, miền, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, huyện đã khuyến khích, tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được 526ha từ đất vùng trũng, vùng cao cấy lúa bấp bênh cho thu nhập thấp sang làm kinh tế trang trại, vườn trại. Trong tổng số 275 trang trại tổng hợp thực hiện theo mô hình VAC, AC, VC với diện tích 404ha của huyện thì có tới 75 trang trại đầy đủ các điều kiện đạt trang trại theo tiêu chí mới.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 309 vườn trại với diện tích 122ha gồm, trồng cây hàng năm 18ha, trồng cây lâu năm 41ha, mặt nước nuôi trồng thủy sản 56ha, hoa cây cảnh 7ha. Hầu hết các diện tích chuyển đổi đạt giá trị hơn 200 triệu/ha/năm. Việc hình thành và phát triển kinh tế trang trại đã giúp nông dân Phúc Thọ làm quen với kinh tế thị trường, thích ứng với nhiều loại cây trồng, con gia súc có yêu cầu kỹ thuật cao, đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thực phẩm sạch, tạo nhu cầu hợp tác, quan hệ giữa các chủ trang trại và giữa trang trại với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, nhà khoa học; giải quyết thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Điểm nổi bật của trang trại thời gian qua là có sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, lợi ích từ phát triển kinh tế trang trại là điều khẳng định trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển kinh tế trang trại, Phúc Thọ nên đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tăng cường hơn nữa sự liên kết giữa các trang trại để chia sẻ kinh nghiệm và nắm bắt thông tin thị trường, nếu hình thành được hiệp hội ngành nghề sẽ tạo thêm sức mạnh. Mạnh dạn tiếp cận với công nghệ vào sản xuất, giải quyết được vấn đề này sẽ rút ngắn được khoảng cách về chất lượng và giá thành của sản phẩm... Bên cạnh đó, huyện cần quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; giải quyết tốt giữa khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời linh hoạt thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Theo ông Chu Phú Mỹ, từ cung cách lãnh đạo, kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại là mô hình tốt để thành phố nhân rộng trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t