Cải tạo môi trường Hồ Hoàn Kiếm: Việc làm cần thiết và cấp bách (21:33 16/03/2017)


HNP - Hồ Hoàn Kiếm, ngoài những giá trị về tâm linh, văn hoá, còn giữ chức năng điều hoà khí hậu cho khu vực, trữ nước mưa. Tuy nhiên, qua khảo sát của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hiện nay, hồ đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm, cá và động thực vật chưa được bảo vệ đúng mức, chất hữu cơ vào lòng hồ không trở thành thức ăn mà biến thành chất ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh vật sống trong hồ. Nếu không tiến hành nạo vét, nguy cơ hồ trở thành một bãi lầy sẽ xảy ra.

Hồ Hoàn Kiếm rộng 12ha, tách biệt hoàn toàn nước thải, đã được kè bê tông và đá, song một số nơi đã xuống cấp. Mực nước hồ đo tại thời điểm 28/12/2016 đạt 7,12m, cao độ mặt nước cao nhất đạt 7,8m và mực nước đang giảm xuống, lượng nước bốc hơi khoảng từ 7 - 8mm/tháng. Hồ Hoàn Kiếm vốn có một hệ vi tảo phong phú, trong đó, các loại tảo lục, tảo lam có giá trị đặc biệt để tạo nên màu xanh đặc trưng cho mặt nước. Tuy nhiên, qua khảo sát hiện trạng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết Hồ Hoàn Kiếm đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm. Chất lượng nước suy giảm, độ PH cao ở mức 9,05 - 9,46, trong khi nồng độ cho phép tối thiểu chỉ là 5,5mg/l; các chỉ số hữu cơ BOD, COD cao gấp 2 lần ngưỡng an toàn. Hàm lượng dinh dưỡng dư thừa, hiện tượng tảo nở hoa dẫn đến mất oxy nghiêm trọng. Lớp bùn lắng đọng ngày một dày (từ 0,47 – 1,06m), 
 
Một nguyên nhân khác khiến hồ Hoàn Kiếm ô nhiễm “trầm kha” là việc thiếu nguồn nước bổ cập. Năm 2011, một cửa phai được xây dựng tại góc hồ giáp với đường Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng phục vụ các kỳ xả đáy, điều hoà và làm sạch môi trường nước; tuy nhiên, cửa phai này hầu như không thể hoạt động trong suốt những năm qua do thiếu nguồn nước bổ cập. Hiện nguồn chủ yếu của hồ là nước mưa mà lượng mưa lại phân bố không đều, chỉ tập trung vào 3 tháng 7, 8, 9 trong năm. Thời gian còn lại hồ gần như không có nguồn bổ sung dẫn đến môi trường nước tù đọng, lượng ô xy suy giảm mạnh ảnh hưởng đến sự sống của động thực vật trong hồ.
 
Để cải tạo môi trường Hồ Hoàn Kiếm, từ nhiều năm nay, chính quyền và các cơ quan chức năng của Thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp như: tách nước thải; thử nghiệm nạo vét bùn bằng phương tiện cơ giới; tổ chức nhiều Hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học... Nhưng phải đến thời điểm này mới có một phương án tổng thể để giải quyết 2 phần việc cấp bách là: làm sạch lòng hồ và xử lý ô nhiễm nước. 
 
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết, vừa qua, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xây dựng phương án và đưa ra tham vấn ý kiến vào ngày 15/2 gồm 3 giải pháp chính: nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ; bổ sung nguồn nước, xả đáy định kỳ để đảm bảo môi trường nước trong sạch, nâng cao khả năng tự “chữa trị” của Hồ; sử dụng chất Redoxy - 3C xử lý ô nhiễm nước. 
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu được thực hiện bài bản, thận trọng và có sự giám sát chặt chẽ, đây sẽ là phương án tối ưu, toàn diện nhất cho việc cải tạo môi trường Hồ. 
 
Dự kiến, hồ Hoàn Kiếm sẽ có 57.000m3 bùn, phế liệu phải nạo vét, thanh thải trong phạm vi cách mép chân kè bờ và kè Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn là 7m. Đơn vị thi công sẽ chia thành 10 khu vực nạo vét nhỏ, luân phiên sử dụng lưới quây, dồn hệ thuỷ sinh vào từng vị trí riêng biệt, cách xa khu vực thi công để đảm bảo an toàn. Sử dụng máy xúc đứng đưa bùn lên phễu chứa của các xe bơm bùn, đưa vào bờ và vận chuyển đi; riêng rác và phế thải sẽ được thu gom thủ công, chở bằng thuyền vào điểm tập kết. Đây là phần việc có khối lượng lớn và nặng nề nhất, dự kiến sẽ được hoàn tất trong 69 ngày (không kể thời gian chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực). Quá trình dùng máy móc nạo vét bùn đáy đòi hỏi đơn vị thi công phải hết sức thận trọng không để xăng dầu rơi rớt; tiếng ồn, độ rung quá lớn gây ô nhiễm, hạn chế ảnh hưởng đến hệ thuỷ sinh dưới lòng hồ. 
 
Một giếng khoan với độ sâu 70m, công suất 150m3 nước/giờ cũng dự kiến được xây dựng để bổ sung nguồn cho hồ vào những tháng mùa khô. Một khi có nguồn bổ sung ổn định, cửa phai có thể hoạt động đều đặn, phục vụ xả đáy, thau nước, giữ vệ sinh môi trường hồ. Cùng với đó, chế phẩm Redoxy - 3C đã qua kiểm nghiệm thực tế, phù hợp với hồ Hà Nội sẽ được sử dụng để làm sạch và duy trì vệ sinh nước hồ. 
 
Mặc dù đánh giá cao phương án do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đưa ra nhưng nhiều chuyên gia cho rằng khi thực hiện phương án xử lý, cải tạo môi trường hồ Gươm, cần thực hiện thận trọng, tính toán đầy đủ các yếu tố tác động, đặc biệt là việc bảo vệ hệ sinh thái đang sinh sống trong lòng hồ.
 
Đồng tình với quan điểm việc cải tạo hồ Gươm là rất cấp bách, Giáo sư, Tiến sỹ Hà Đình Đức - người chuyên nghiên cứu về hồ Hoàn Kiếm cho rằng, nếu không cải tạo, hồ có thể sẽ biến thành bãi lầy, mất đi những loại thủy sinh vật hữu ích. Tuy nhiên, việc cải tạo phải được chia làm hai giai đoạn, sau giai đoạn 1, sẽ phải đánh giá tác động của việc cải tạo tới cảnh quan, thủy sinh vật sống ở hồ.  "Nếu không làm thận trọng trong cải tạo, sẽ làm chết hết những loại tảo, vi sinh vật có lợi tạo ra màu nước xanh đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm", Giáo sư Hà Đình Đức nhấn mạnh.
 
Cùng quan điểm, PGS Trần Đức Hạ cho rằng, Hà Nội cần tập trung nghiên cứu kỹ việc cải tạo môi trường nước trước và khi cải tạo cần phải bảo vệ được các thành phần thủy sinh, hệ vi tảo để giữ màu xanh đặc trưng như hiện nay. “nên lấy nguồn nước gần bờ hồ là tối ưu vì nó có sự tương đồng cao nhất với chất lượng nước hồ” - PGS Trần Đức Hạ nói.
 
Về vấn đề này, PGS. TS Trịnh Thị Thanh cho rằng: “Việc bổ sung nước vào hồ Hoàn Kiếm mới chỉ đưa ra được một phương án là nước ngầm, vì vậy, cần phải thực nghiệm kỹ xem nước ngầm có phù hợp hay sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của tảo trong hồ. Ngoài ra, sau cải tạo cũng cần phải duy trì sự cân bằng hệ sinh thái, trong đó, có những loại gì, tỷ lệ là bao nhiêu cho phù hợp để nhanh chóng khôi phục sinh thái trong hồ, đảm bảo sinh trưởng bền vững”.
 
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của giới chuyên gia và tính toán, hoàn thiện phương án tổng thể hợp lý nhất. “Việc cải tạo môi trường Hồ Hoàn Kiếm đã trở nên rất cấp bách, chúng tôi mong UBND TP sớm xem xét Phương án để có thể nhanh chóng triển khai thi công” - ông Hùng đề xuất.

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t