UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3866/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể thành phố Hà Nội.
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
Kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể thành phố Hà Nội
Ngày 22/7, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3866/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo) gồm: Đồng chí Trương Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban; các Phó Trưởng ban: Đồng chí Nguyễn Xuân Lưu - Giám đốc Sở Tài chính - Phó Trưởng ban Thường trực; Đồng chí Đỗ Huy Chiến - Chủ tịch Liên minh HTX Thành phố cùng các thành viên là đại diện các sở, ban, ngành thuộc Thành phố.
Ban Chỉ đạo có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã. Giúp UBND Thành phố trong công tác chỉ đạo, phối hợp và giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế tập thể. Chỉ đạo tổ chức thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2023 và các nghị quyết, chương trình, đề án của Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố. Điều phối hoạt động giữa các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế tập thể. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đề xuất khen thưởng quá trình triển khai nhiệm vụ.
Giao Sở Tài chính là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo. Thành viên của Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trường hợp có sự thay đổi đại diện lãnh đạo tham gia Ban Chỉ đạo, các sở, ban, ngành có văn bản báo cáo để bổ sung, điều chỉnh.
Tăng cường công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 3 và mưa lũ
Ngày 21/7, UBND Thành phố ban hành Công văn số 4193/UBND-NNMT về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 3 và mưa lũ trên địa bàn Thành phố.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại văn bản số 4596/BNNMT-ĐĐ ngày 20/7/2025, UBND Thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các phường, xã cùng các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các Công điện: số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, số 4594/CĐ-BNNMT ngày 19/7/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, số 08/CĐ-UBND ngày 20/7/2025 của Chủ tịch UBND Thành phố về việc ứng phó với bão số 3 và mưa lớn.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát và triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê xung yếu, các vị trí đã xảy ra sự cố, các công trình đê đang thi công. Tăng cường kiểm tra tuyến đê, tuần tra, canh gác theo quy định Thông tư số 01/2009/TT-BNN để kịp thời xử lý sự cố. Sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị hộ đê, kiểm tra công tác chuẩn bị và ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ". Thông báo đến người dân, chủ phương tiện, công trình, triển khai phương án đảm bảo an toàn, sẵn sàng sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là ngoài bãi sông. Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời sự cố về Sở Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Chủ động triển khai một số nhiệm vụ ứng phó bão số 3 (bão WIPHA)
Ngày 22/7, UBND Thành phố ban hành Công văn số 4208/UBND-ĐT về việc phối hợp triển khai một số nhiệm vụ ứng phó bão số 3 (bão WIPHA) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Văn bản số 9167/SXD-CTN ngày 21/7/2025, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các xã, phường và các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 20/7/2025 và Văn bản số 4162/UBND-NNMT ngày 19/7/2025 của UBND Thành phố về sẵn sàng ứng phó với bão và nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và các nội dung sau:
UBND các xã, phường thực hiện phòng, chống thiên tai, úng ngập, cây đổ; kiểm tra giao thông mùa mưa bão; hướng dẫn neo đậu phương tiện thủy; phối hợp lực lượng thực hiện "4 tại chỗ"; tổng hợp, báo cáo. Chỉ đạo điều tiết hạ mực nước các hồ trong Khu đô thị đảm bảo tiêu thoát nước. Rà soát, bố trí điểm tập kết gỗ, củi do cây gãy đổ.
Các sở, ban, ngành: Sở Công Thương chỉ đạo đảm bảo nguồn điện cho các công trình thoát nước, nhà máy nước sạch, hệ thống chiếu sáng, tín hiệu giao thông; Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo vận hành các trạm bơm: Yên Nghĩa, Vân Đình, Ngoại Độ, Khai Thái… hạ mực nước sông, phòng úng ngập ngoại thành; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố đôn đốc nhà thầu thu dọn mặt bằng, gia cố rào chắn, thanh thải dòng chảy. Chỉ đạo thanh thải đảm bảo thoát nước sông Tô Lịch, đập cầu Quang, cống TE3…; Sở Xây dựng là đầu mối theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại Mục 4 Công điện số 08/CĐ-UBND và văn bản này.
Đề án Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 04 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét
Ngày 22/7, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3865/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 04 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét".
Theo Quyết định, phê duyệt Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 04 sông nội đô" và danh mục 32 chương trình, dự án giai đoạn 2025 - 2030 tập trung triển khai các nội dung như: Kiểm soát - phòng ngừa ô nhiễm; xây dựng hệ thống sông nội đô cân bằng - sinh thái; thiết kế, quy hoạch, cải tạo cảnh quan kiến trúc; tăng cường năng lực - nâng cao nhận thức; cụ thể như các Dự án xử lý nước thải Yên Xá; Dự án Xây dựng hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bổ cập nước đối với sông Kim Ngưu, Lừ, Sét; Dự án tổng thể đầu tư xây dựng bổ cập nước, cải tạo chỉnh trang sông Tô Lịch; ...
Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai Đề án; đôn đốc, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện hàng năm.
Căn cứ Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Đề án kèm theo Quyết định này, các đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổng hợp kinh phí thực hiện hàng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách Thành phố, Phường/Xã và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Hà Nội - Từ mùa thu lịch sử năm 1945"
Ngày 2/7, UBND Thành phố ban hành Công văn số 4197/UBND-KGVX về việc phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Hà Nội - Từ mùa thu lịch sử năm 1945".
Theo đó, để Chương trình được tổ chức an toàn, hiệu quả, thành công, đúng quy định, UBND Thành phố yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu tổng thể, xây dựng kịch bản, thiết kế Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Hà Nội - Từ mùa thu lịch sử năm 1945". Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức truyền hình trực tiếp Chương trình nghệ thuật đặc biệt trên kênh VTV1. Xây dựng phương án truyền thông, sơ duyệt, tổng duyệt, đôn đốc triển khai, báo cáo UBND Thành phố.
Đề nghị: Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy định hướng báo chí tuyên truyền, thẩm định nội dung, phối hợp mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp, hỗ trợ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đảm bảo điều kiện địa điểm tổ chức.
Các sở, ban, ngành: Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Xây dựng đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông và phòng chống cháy nổ; Sở Nông nghiệp và Môi trường đảm bảo vệ sinh môi trường, bố trí tăng cường nhà vệ sinh công cộng; Sở Y tế bảo đảm y tế, phòng dịch, trực cấp cứu, xây dựng kế hoạch điều động, bố trí các phương tiện cấp cứu, cứu thương, cán bộ y tế, bác sỹ, phương tiện, thuốc, vật tư,... xử lý tình huống đột xuất; Sở Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền đến đông đảo du khách trong nước và du khách quốc tế biết đến sự kiện; quảng bá hình ảnh Thủ đô là điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn"...
Rà soát công trình thủy lợi theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp
Ngày 22/7, UBND Thành phố ban hành Công văn số 4200/UBND-NNMT về việc tiếp nhận, rà soát công trình thủy lợi theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.
Theo đó, để việc quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn Thành phố không gián đoạn, đảm bảo nhiệm vụ phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai; khai thác công trình thủy lợi đúng công năng, nhiệm vụ. UBND Thành phố chỉ đạo như sau:
UBND các phường, xã tiếp nhận công trình thủy lợi, nhiệm vụ đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi từ UBND cấp huyện; quyết định giao tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý và quản lý hợp đồng dịch vụ theo hướng dẫn tại văn bản số 3526/SNNMT-TLPCTT ngày 18/6/2025; rà soát, đánh giá nhiệm vụ công trình theo phân cấp quản lý. Đối với công trình thủy lợi làm nhiệm vụ thoát nước đô thị, phối hợp đề xuất chuyển giao Sở Xây dựng quản lý. Đối với công trình thủy lợi hết nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát nước đô thị, đề xuất đưa ra khỏi danh mục công trình thủy lợi.
Các Công ty thủy lợi (Hà Nội, Sông Nhuệ, Sông Đáy, Sông Tích) rà soát, đánh giá nhiệm vụ các công trình thủy lợi được giao quản lý, khai thác. Đối với công trình thủy lợi chỉ làm nhiệm vụ thoát nước đô thị, phối hợp đề xuất chuyển giao Sở Xây dựng quản lý; đối với công trình thủy lợi hết nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát nước đô thị, đề xuất đưa ra khỏi danh mục công trình thủy lợi.
Giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các phường, xã, và các Công ty thủy lợi để rà soát, tổng hợp, đề xuất điều chuyển các công trình chỉ làm nhiệm vụ thoát nước đô thị về Sở Xây dựng quản lý.
Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Ngày 22/7, UBND Thành phố ban hành Công văn số 4213/UBND-NC về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thực hiện Kế hoạch số 354/KH-UBND của UBND Thành phố về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, UBND Thành phố giao Chủ tịch UBND các xã, phường thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
Căn cứ Chỉ thị của Thành ủy, Kế hoạch của UBND Thành phố, các văn bản chỉ đạo của Thành phố; điều kiện của địa phương, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo: Tổ chức hoạt động kỷ niệm đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tiễn. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm gắn với chào mừng 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh (02/9/1945-02/9/2025) đến toàn thể cán bộ, người lao động, nhân dân. Tổ chức chăm lo cho người dân, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân có nhiều chiến công, gia đình liệt sĩ Công an nhân dân. Cải tạo, tu bổ, nâng cấp, chỉnh trang công trình ghi công liệt sĩ, di tích cách mạng kháng chiến (nếu có); duy trì hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường theo phân cấp. Xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn tuyệt đối cho các hoạt động kỷ niệm. Đảm bảo kinh phí thực hiện theo phân cấp ngân sách.
Định kỳ, tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả sau mỗi hoạt động. Rà soát, đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong việc triển khai các hoạt động kỷ niệm.