Ảnh minh họa
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
Nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững
Ngày 15/4, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND về triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 21/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Theo đó, UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch nhằm xác định rõ nhiệm vụ và sứ mệnh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là thúc đẩy cho nền kinh tế Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn nữa nhưng phải bền vững, góp phần thực hiện 02 mục tiêu chiến lược 100 năm là phấn đấu đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại và tới năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước là nước phát triển, thu nhập cao.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư phát triển của các DNNN thuộc UBND Thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2025 của Thủ đô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.
UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch tập trung 5 nhóm nội dung sau:
Chú trọng thiết kế, xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố để góp phần thúc đẩy sự phát triển của các DNNN và các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế.
Tập trung thiết kế, sử dụng các công cụ chính sách để huy động tối đa các nguồn lực xã hội, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP). Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách mang tính "đòn bẩy, điểm tựa" để phát huy tối đa nguồn lực của doanh nghiệp.
Tiếp tục quán triệt, hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Nghị quyết của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên... Quan tâm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; kịp thời giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp với tinh thần "5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả ". Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp góp phần kiến tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước.
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu đề ra.
Tập trung quán triệt các Tổng công ty, DNNN thuộc UBND Thành phố thực hiện nghiêm 04 nội dung sau: (1) Thay đổi, ứng phó nhanh, kịp thời, thích ứng linh hoạt và hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới; (2) Tiếp tục củng cố, phát huy vai trò chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của kinh tế Thủ đô, thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát và thực hiện chính sách an sinh xã hội; (3) Phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt trong nền kinh tế Thủ đô, là lực lượng tiên phong dẫn đầu: Tiếp tục sáng tạo, đổi mới tư duy, cách làm theo phương châm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp… Rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn, từ đó kiến nghị các giải pháp, đề xuất cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế thông thoáng phù hợp với quy luật của thị trường, trong đó có quy luật giá trị, quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh. Tích cực, chủ động nghiên cứu chuyển giao các công nghệ mới để góp phần tăng năng suất lao động, giảm thâm hụt tài nguyên, tăng hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, quản trị thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi mặt hoạt động. Tập trung phát triển các công trình dự án kết cấu hạ tầng nhất là các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, xây dựng đảm bảo tiến độ thi công, tiến độ giải ngân vốn, phấn đấu vượt kế hoạch được giao. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, tuyển dụng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; (4) Chủ động xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển doanh nghiệp, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung, trong đó tập trung tiên phong trong 06 lĩnh vực: Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị. Tiên phong trong đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược, nhất là xây dựng thể chế, đột phá về thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Tiên phong trong tăng tốc, bứt phá tăng trưởng, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho tăng trưởng, phát triển đất nước, Thủ đô nhanh, bao trùm, bền vững. Tiên phong trong phát triến kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, trong đầu tư nghiên cứu và phát triển. Tiên phong tích cực tham gia thực hiện chính sách xã hội và an sinh xã hội, bảo đảm công bằng, tiến bộ, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triến của đất nước, Thủ đô nhất là trong chương trình nhà ở xã hội và xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước. Tiên phong tạo hàng hóa, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, nâng cao giá trị sản phẩm của đất nước, đề cao ảnh hưởng của đất nước.
UBND Thành phố giao các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc UBND Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong đó chú trọng thiết kế, xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố, đồng thời phải đảm bảo ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Kịp thời giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính; các DNNN thuộc UBND Thành phố: Chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai đảm bảo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này. Rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn, từ đó kiến nghị các giải pháp, đề xuất cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Kiện toàn Ban Biên tập và Tổ Công tác giúp việc Ban Biên tập Trang thông tin Cải cách hành chính nhà nước
Ngày 15/4, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2041/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Biên tập và Tổ Công tác giúp việc Ban Biên tập Trang thông tin Cải cách hành chính nhà nước thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, kiện toàn Ban Biên tập gồm các đồng chí có tên sau: Ông Trần Đình Cảnh, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ làm Trưởng ban; Ông Mai Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Phó Trưởng ban Thường trực và Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố làm Phó Trưởng ban cùng các thành viên là Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Ông Vũ Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Tài chính; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Thành phố; Ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp; Ông Hoàng Văn Bằng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố; Ông Lưu Kiếm Anh, Trưởng phòng CCHC, Sở Nội vụ - Thư ký cùng các cộng tác viên là lãnh đạo phòng và công chức, viên chức theo dõi công tác CCHC của các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc Thành phố và các phóng viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm về công tác CCHC.
Đồng thời, Quyết định kiện toàn Tổ công tác giúp việc Ban Biên tập gồm 15 đồng chí, trong đó, Ông Mai Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm Tổ trưởng; Ông Lưu Kiếm Anh, Trưởng phòng CCHC, Sở Nội vụ làm Tổ phó Thường trực; 02 Tổ phó là Bà Trần Thị Minh Phương, Phó Trưởng phòng CCHC, Sở Nội vụ và Bà Nguyễn Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Chuyển đổi số Thành phố cùng 11 ủy viên là đại diện các sở, ban, ngành.
Ban Biên tập được hưởng chế độ theo Quy chế chi trả nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm, thông tin, dữ liệu đăng trên Trang thông tin CCHC.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội
Ngày 15/4, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2038/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội.
Theo Quyết định, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Chi cục) là tổ chức hành chính thuộc Sở Y tế, thực hiện chức năng giúp Sở Y tế tham mưu cho UBND Thành phố quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn và thực hiện kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật.
Chi cục có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý toàn diện của Sở Y tế; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Bộ Y tế.
Chi cục có trụ sở đặt tại số 35, phố Trần Bình, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy; Chi cục thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ với cơ cấu tổ chức gồm có Chi cục trưởng và Phó Chi cục trưởng và 03 phòng chuyên môn; biên chế của Chi cục được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế hành chính được UBND Thành phố giao hàng năm của Sở Y tế.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Giao quyền tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự của Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội năm 2025
Ngày 15/4, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2037/QĐ-UBND về việc giao quyền tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự của Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội năm 2025.
Theo đó, phê duyệt Đề án tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự của Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội (Trường): Trường tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và các nhiệm vụ tự xác định khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ của Trường và quy định của pháp luật.
Về thực hiện các hoạt động chuyên môn: Trường quyết định mục tiêu, sứ mạng, chiến lược và kế hoạch phát triển của Trường; trường xác định, công bố phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh; quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo, hình thức đào tạo; quyết định việc liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; quyết định việc đào tạo liên thông trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp; tuyển sinh và quản lý người học; phát triển chương trình đào tạo; tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình giảng dạy phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng chương trình đào tạo; in phôi văn bằng, chứng chỉ, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ cho người học theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời, Trường được linh hoạt quy mô tuyển sinh/năm các ngành, nghề đào tạo được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Về tổ chức bộ máy: Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Trường theo quyết nghị của Hội đồng trường theo quy định; Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng, khoa, đơn vị thuộc Trường trong từng giai đoạn cụ thể theo quy định. Năm 2025 là giữ nguyên cơ cấu tổ chức bộ máy như hiện tại, gồm 06 phòng, 08 khoa, 01 Trung tâm, chức năng, nhiệm vụ cụ thể và cơ cấu tổ chức của các phòng, khoa, đơn vị thuộc Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội do Hiệu trưởng quy định. Số lượng cấp phó của Trường, số lượng cấp phó các phòng, khoa, đơn vị thuộc Trường thực hiện theo quy định. Số lượng người làm việc của Trường là 158 biên chế viên chức, 06 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.
Ngoài ra, Trường thành lập hội đồng thi tuyển hoặc xét tuyển để tổ chức tuyển dụng viên chức. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội phê duyệt kết quả tuyển dụng và danh sách viên chức trúng tuyển, quyết định tuyển dụng và ký hợp đồng làm việc với người trúng tuyển...
UBND Thành phố giao Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố và trước pháp luật đối với các quyết định về tự chủ trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự của đơn vị.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Phê duyệt dự án Xây dựng cơ sở 4 Trường trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội (giai đoạn 1)
Ngày 15/4, UBND Thành phố ban hành Quyết định 2046/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án Xây dựng cơ sở 4 Trường trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội (giai đoạn 1) tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Theo Quyết định, mục tiêu của Dự án là đào tạo được một lượng lớn lao động có kỹ năng và tay nghề cao đáp ứng với xu hướng phát triển của ngành du lịch Hà Nội, thích ứng với nền kinh tế ngày càng phát triển của Thủ đô sau khi mở rộng địa giới hành chính; Từng bước hoàn thiện Trường Trung cấp nghề nấu ăn - nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổng thể cả dự án, đảm bảo hiệu suất, công suất của dự án nhằm đào tạo được số lượng lao động có tay nghề lớn hơn so với trước đây. Đồng thời, cải thiện cảnh quan, môi trường học tập và làm việc của cán bộ, học sinh trong Trường Trung cấp nghề nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội.
UBND Thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng làm chủ đầu tư; dự án thuộc công trình dân dụng nhóm B, cấp III với tổng mức đầu tư trị giá hơn 69 tỷ đồng, thực hiện năm 2023 - 2025 trong thời hạn sử dụng 50 năm; quy mô đầu tư xây dựng: Xây mới Nhà hiệu bộ kết hợp Hội trường và Thư viện, xây mới Nhà học thực hành nấu ăn, công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị nội thất, giảng đường, thực hành, phòng giáo viên, phòng giám hiệu, y tế, thiết bị trạm bơm, trạm biến áp, PCCC...
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố về tính chính xác, tính hợp pháp của các thông tin, số liệu, tính chuẩn xác của khối lượng, kinh phí; kết quả tính toán kết cấu và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt; năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập dự án toàn bộ quá trình quản lý, thực hiện dự án và quản lý, sử dụng vốn đầu tư đảm bảo tuân thủ đúng quy định. Chịu trách nhiệm nghiên cứu, rà soát hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực, cập nhật phương án đấu nối hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tối ưu về kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo khả năng vận hành đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Ban hành 02 Quyết định ủy quyền cho Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Nông nghiệp và Môi trường
Ngày 15/4, UBND Thành phố ban hành 02 Quyết định: Số 2042/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực báo chí thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND Thành phố và Quyết định số 2043/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện nhiệm vụ của UBND Thành phố trong việc giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.
Theo Quyết định số 2042/QĐ-UBND, ủy quyền cho Sở Văn hóa và Thể thao giải quyết 03 thủ tục hành chính lĩnh vực báo chí thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND Thành phố từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2028.
Tại Quyết định số 2043/QĐ-UBND, ủy quyền cho Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện nhiệm vụ của UBND Thành phố trong việc giải quyết 03 thủ tục hành chính lĩnh vực Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Từ ngày ký quyết định này đến hết ngày 31/12/2026.
Các quyết định trên có hiệu lực kể từ ngày ký.
Giao 9.300 m2 đất cho UBND huyện Thanh Oai để thực hiện dự án Trường mầm non xã Tân Ước
Ngày 15/4, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2044/QĐ-UBND về việc giao 9.300 m2 đất tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai cho UBND huyện Thanh Oai để thực hiện dự án Trường mầm non xã Tân Ước, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, trong tổng diện tích 9.300 m2 đất có 8.080 m2 đất để xây dựng công trình Trường mầm non xã Tân Ước và 1.220 m2 đất nằm trong chỉ giới đường đỏ để khớp nối hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, không xây dựng công trình kể cả tường rào. Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; và thời hạn sử dụng đất là lâu dài. Cùng với đó, giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
UBND huyện Thanh Oai chịu trách nhiệm về nguồn gốc, việc sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định hiện hành về quản lý dự án đầu tư xây dựng; phù hợp của công trình với nội dung đầu tư, hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công được duyệt, mức độ an toàn và đảm bảo an toàn công trình khi đưa vào sử dụng; tuân thủ quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy và việc đảm bảo quy hoạch tổng thể, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu vực. Đồng thời, sử dụng đất đúng mục đích, ranh giới, diện tích được giao; thực hiện dự án đầu tư, nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo đúng quy định về quản lý công sản.