Quang cảnh Hội nghị
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Doãn Toản, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy - Phó Trưởng Ban chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo.
Chủ động vào cuộc - quyết liệt triển khai
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo bài bản, khoa học từ khâu xây dựng kế hoạch, xây dựng 19 chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đặc biệt thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", tạo sự công khai, minh bạch; tăng cường sự giám sát, tạo đồng thuận trong nhân dân Thủ đô.
Các đại biểu dự Hội nghị
Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực và hiệu quả, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Nhờ đó, nhận thức của các cấp, ngành và người dân về chương trình có sự chuyển biến rõ rệt. Ban Chỉ đạo đã sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác trọng tâm, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Chương trình cũng đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tổ chức ký kết cam kết thi đua, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố và các tổ chức chính trị, xã hội,… góp phần giúp các đơn vị chủ trì thực hiện chỉ tiêu và nhiệm vụ đạt kết quả quan trọng. Nhiều cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đã được xây dựng, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU tại Hội nghị
Các quận, huyện, thị xã đã chủ động triển khai chương trình phù hợp với đặc thù địa phương, từ đó tạo ra nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Điển hình như quận Hoàn Kiếm tập trung cải tạo vườn hoa, bảo tồn biệt thự cũ, phát triển kinh tế ban đêm; quận Hai Bà Trưng mở tuyến phố đi bộ và phối hợp với Sở Xây dựng mở không gian công cộng tại Công viên Thống Nhất; Sở Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm; Sở Xây dựng tổ chức giao ban hàng tuần để giám sát các dự án đầu tư công.
Dự kiến hoàn thành 14/19 chỉ tiêu
Với sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các đơn vị, đến nay Chương trình đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 09/19 chỉ tiêu. Cụ thể: Hoàn thành xây dựng 02-03 siêu thị, trung tâm thương mại lớn; Phát triển, mở rộng 03-05 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ; Triển khai đầu tư xây dựng 01 Tháp trung tâm tài chính; Triển khai đầu tư xây dựng 02-03 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh; Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố; Nâng tổng công suất khai thác của các nhà máy nước đạt 1,8 - 2 triệu m3/ngày đêm, tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 100%; Chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn 12 quận với 180 tuyến; Đầu tư xây dựng 20 chợ; Đầu tư xây dựng 20 tuyến đường giao thông hạ tầng khung tại các huyện thuộc đề án lên quận.
Dự kiến đến hết năm 2025, Chương trình sẽ hoàn thành 14/19 chỉ tiêu
05 nhóm Chỉ tiêu đang thực hiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025, bao gồm: Trồng mới 500.000 cây xanh đô thị (trong tổng số 3,5 triệu cây xanh trồng mới toàn Thành phố). Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954. Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 02-03 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại. Diện tích nhà ở bình quân/người toàn Thành phố đạt từ 27,6÷29,5m2/người; tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới theo dự án khoảng 20,44 triệu m2; tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành khoảng 25.000 căn hộ. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55%
Tuy nhiên, còn 05 chỉ tiêu gặp nhiều khó khăn, đề xuất chuyển tiếp nhiệm vụ sang giai đoạn tiếp theo. Đó là: Triển khai đầu tư xây dựng 01-02 khu outlet quy mô lớn; Tỷ lệ đô thị hóa: 60-62%; Hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 05 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng; Hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới. Tiếp tục triển khai hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực khu phố cũ; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng: 30-35%.
Mặc dù các đơn vị đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, vướng mắc như: Công tác xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Chương trình chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu. Việc xây dựng các đề án, đồ án tiến độ còn chậm. Công tác triển khai thực hiện các dự án thuộc Danh mục các công trình ưu tiên đầu tư triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 chưa đáp ứng yêu cầu, mới hoàn thành 3/41 dự án, chiếm tỷ lệ 7,5%. Một số đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện các Chỉ tiêu, nhiệm vụ nhưng chưa rõ sản phẩm, chưa nghiêm túc kịp thời trong việc báo cáo kết quả thực hiện để Cơ quan Thường trực tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình.