Hội nghị quán triệt triển khai Kế hoạch số 02 ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành Thành phố.
Đồng chí Phạm Gia Túc, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo trình bày, quán triệt các nội dung trọng tâm của Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW
Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo đã quán triệt các nội dung cơ bản của Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương, bao gồm mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và phương thức tổ chức thực hiện. Theo đó, ngày 19/6/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là kế hoạch hành động mang tính cấp bách và chiến lược, thể hiện rõ tầm nhìn chỉ đạo toàn diện và quyết tâm chính trị cao của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.
Điểm khác biệt mang tính đột phá của Kế hoạch 02 là sự chuyển động đồng bộ, toàn diện của tất cả các khối trong hệ thống chính trị. Đây không còn là nhiệm vụ riêng của Chính phủ, mà là sự vào cuộc đồng bộ của cả khối Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Mỗi khối đều có nhiệm vụ cụ thể, gắn với trách nhiệm chính trị trước Đảng và nhân dân, cùng nhau kiến tạo không gian số quốc gia thống nhất.
Kế hoạch đặt ra 2 giai đoạn với mục tiêu rõ ràng, có lộ trình cụ thể, phương thức tổ chức thực hiện chặt chẽ và yêu cầu tiến độ nghiêm ngặt:
Giai đoạn cấp bách (đến 30/6/2025): Tập trung tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, bảo đảm hệ thống chính quyền địa phương hai cấp sau sáp nhập vận hành thông suốt, liên tục, hiệu quả. Đây là giai đoạn đòi hỏi sự vào cuộc đồng loạt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm của tất cả các bộ, ngành, địa phương và các khối trong hệ thống chính trị.
Giai đoạn đột phá (đến 31/12/2025): Đây là giai đoạn giải quyết các vấn đề căn cơ, xây dựng nền móng cho tương lai. Khắc phục cơ bản những tồn tại cố hữu, hoàn thiện hạ tầng, các nền tảng số dùng chung, chuẩn hóa và thúc đẩy kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quan trọng, nâng cao thực chất chất lượng dịch vụ công và hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị từ thực tế tại địa phương khi triển khai thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã đặt ra mục tiêu rất cụ thể cho giai đoạn từ nay đến ngày 30/6/2025.
Lãnh đạo các địa phương nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn cấp bách (đến ngày 30/6/2025), tập trung tháo gỡ ngay các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, dữ liệu để bảo đảm hệ thống chính quyền địa phương hai cấp sau sáp nhập vận hành thông suốt, liên tục, hiệu quả từ ngày 1/7. Trong đó, không để xảy ra tình trạng gián đoạn, ách tắc trong giải quyết TTHC, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải thảo luận tại điểm cầu Hà Nội
Thảo luận tại điểm cầu Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải kiến nghị giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Cụ thể, Trung ương cho phép Thành phố triển khai dịch vụ công số thân thiện trên thiết bị di động tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia để đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.
Trong đó, ứng dụng này sẽ giúp đơn giản hóa thao tác, rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao trải nghiệm người dùng, thúc đẩy hiệu quả dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đồng thời, bổ sung cơ chế hỗ trợ chuyển đổi số cho nhóm người yếu thế, người già, người khuyết tật, người dân vùng sâu, vùng xa.
Quang cảnh tại điểm cầu Hà Nội
Thành phố đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương giao cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo quyết liệt hơn nữa về việc các cơ quan, tổ chức nhà nước và ngoài nhà nước không được yêu cầu nộp, xuất trình kết quả giải quyết TTHC bản giấy nếu đã có kết quả điện tử hợp lệ; cho phép thí điểm mô hình "một cửa không bản giấy", "bản điện tử là bản chính" tại một số lĩnh vực.
Đặc biệt là kết hợp với một số tỉnh, thành kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu để giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong một số lĩnh vực đã có dữ liệu như tư pháp - hộ tịch, hướng đến một số lĩnh vực thiết yếu như đất đai...
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tổng kết phiên thảo luận
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, để phục vụ cho việc hợp nhất các tỉnh, xã và chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động từ 1/7, cần thiết liên thông hệ thống chung của toàn quốc. Tất cả hệ thống chính trị sẽ dùng chung trên hạ tầng này và Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ phục vụ các dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của tất cả hệ thống.
Sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu của các địa phương và các bộ, ngành, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị phải triển khai nhiệm vụ ngay từ bây giờ theo lộ trình, đồng bộ, gắn trách nhiệm, quyết tâm và đặc biệt là giải pháp an ninh, an toàn phải được đưa lên hàng đầu. Các đơn vị được giao nhiệm vụ cần xác định rõ trách nhiệm của mình để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch mà theo kế hoạch phải thực hiện thường xuyên, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình thực hiện.
Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, Kế hoạch 02 được ban hành trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tích cực, quyết liệt triển khai các chủ trương lớn về hoàn thiện thể chế, chính sách về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và về chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu liên thông, đồng bộ hạ tầng số, dữ liệu số và dịch vụ công trực tuyến, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp kịp thời hơn, hiệu quả hơn.
Để triển khai thành công Kế hoạch, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh một số nội dung quan trọng.
Theo đó, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, các đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương xây dựng phê duyệt Kế hoạch triển khai của cơ quan, địa phương; trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Chỉ đạo, trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả thực hiện.
"Cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, không được khoán trắng cho bộ phận chuyên môn và chỉ khi người đứng đầu vào cuộc với quyết tâm, quyết liệt và trách nhiệm cao thì mới có kết quả, mới thành công", Thường trực Ban Bí thư yêu cầu.
Bên cạnh đó, phải bảo đảm đồng bộ, liên thông, thống nhất. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phải được xây dựng theo nguyên tắc kết nối - chia sẻ - dùng chung. Kiên quyết xóa bỏ tư duy cục bộ, cát cứ thông tin, dữ liệu; chấm dứt tình trạng đầu tư manh mún, thiếu kết nối, kém hiệu quả.
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Mục tiêu cao nhất là đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm chi phí, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Các nền tảng kỹ thuật, quy trình điện tử phải phục vụ thiết thực, dễ dùng, dễ tiếp cận.
Ngoài ra, cần giám sát chặt chẽ, đánh giá nghiêm túc. Ban Chỉ đạo Trung ương, Cơ quan thường trực phải sử dụng triệt để công cụ giám sát số, bảng theo dõi số liệu thời gian thực để theo dõi tiến độ, chất lượng thực hiện của từng cơ quan, địa phương. Xây dựng cơ chế cảnh báo sớm, xử lý nghiêm các đơn vị trì trệ, né tránh, thiếu trách nhiệm.
Tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm nhiệm vụ theo lộ trình được phân công trong Kế hoạch 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng ban hành đầy đủ, kịp thời các quy định về tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính trong Đảng, bảo đảm triển khai đồng bộ từ ngày 1/7/2025.
Các bộ, ngành phải hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Tuyệt đối không để chậm trễ, không xin lùi tiến độ. Đề nghị cử đầu mối phối hợp với Cơ quan Thường trực để triển khai thực hiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Tỉnh ủy, Thành ủy và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động chỉ đạo sắp xếp tổ chức, phân công đầu mối rõ ràng, thống nhất, bảo đảm tổ chức triển khai hệ thống giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình 2 cấp một cách hiệu quả, thông suốt, không bị gián đoạn; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thường trực, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo và các đơn vị liên quan để xử lý kịp thời các vướng mắc, bất cập, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cần bám sát tiến độ, kịp thời tham mưu xử lý các vấn đề phát sinh; tổng hợp, đánh giá thực chất kết quả thực hiện; phối hợp với các Ban Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, giám sát định kỳ.