Vườn hoa Trần Quang Diệu, quận Đống Đa mới được hoàn thành
Trước sự phát triển của đô thị hóa, Hà Nội ngày càng có thêm nhiều những tòa nhà, cao ốc, trung tâm thương mại. Trong khi đó, không gian công cộng, vườn hoa, khu vui chơi… dành cho trẻ em ngày một co hẹp lại. Hà Nội hiện có 67 công viên, vườn hoa và phần lớn trong số đó đều nằm ở khu vực trung tâm thành phố. Theo đánh giá hiện trạng của Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên vườn hoa và hồ ở thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ diện tích đất công viên vườn hoa trên diện tích đất tự nhiên tại 10 quận nội thành là 1,92%, trong đó, cao nhất là quận Hai Bà Trưng (12,8%), và thấp nhất là quận Thanh Xuân (0%).
Theo Kiến trúc sư (KTS) Trần Ngọc Chính, không gian công cộng dần bị lấn chiếm, bị phá huỷ, bị thay thế vào đó là nhà cửa, tường bao, nơi kinh doanh thương mại. Tình trạng này trở nên phổ biến một phần là do sự buông lỏng quản lý. Cụ thể, tại nhiều khu dân cư, người dân tự ý lấn chiếm khoảng không gian chung, lấn chiếm hết diện tích đất trống, cây xanh, đường đi. Các điểm vui chơi cho trẻ em bị thu hẹp, bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Tại các khu vực phát triển mới cũng thường bị cắt giảm diện tích làm vườn hoa, công viên, sân bãi thể dục thể thao để tăng mật độ xây dựng. Bên cạnh đó, các điểm vui chơi giải trí ở nhiều nơi chưa phù hợp với tính chất của các hoạt động giải trí vui chơi, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi trẻ em, thiếu hấp dẫn nên không thu hút được người tham gia.
Ngoài việc thiếu hụt về quỹ đất, nhiều vườn hoa, sân chơi ở thủ đô còn bị xuống cấp trầm trọng, thiết bị đồ chơi thô sơ, hoen gỉ không tạo ra được không gian hấp dẫn cho trẻ em. Một số sân chơi tại các khu dân cư do thiếu kinh phí và các cơ chế hợp lý dành cho công tác quản lý, duy trì, bảo dưỡng nên các sân chơi đều đã xuống cấp, gây mất an toàn cho trẻ em và người dân khi tham gia hoạt động giải trí tại đây. Theo các chuyên gia ngành quy hoạch, kiến trúc, việc thiếu hụt nghiêm trọng không gian công cộng, vườn hoa, sân chơi đang khiến cho chất lượng sống của người dân đô thị ngày một giảm sút…
Thạc sĩ Lã Kim Ngân, Viện trưởng Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: việc thiếu vườn hoa, sân chơi là nguyên nhân khiến trẻ em tìm đến những trò chơi vô bổ, dẫn đến nhiều trẻ nghiện trò chơi điện tử hay điện thoại di động. Đây dường như đã là vấn nạn và việc giải quyết vấn đề này còn phụ thuộc vào chính thái độ, quyết tâm của những nhà quản lý. Chuyên gia Nguyễn Thị Hiền cho biết, thành phố đã có Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ, nhưng quy hoạch này không đề cập đến vườn hoa, sân chơi trong khu dân cư. Quỹ đất công ngày một khan hiếm nhưng thành phố chưa có quy định về diện tích đất tối thiểu dành cho sân chơi. Chưa kể một số nơi lại có chủ trương đấu giá đất công để tăng thu ngân sách. Chính sách này mâu thuẫn với việc dành quỹ đất cho các tiện ích công cộng.
Trên thực tế, một số khu chung cư như: Nam Đồng, Kim Liên, Giảng Võ... vốn có những không gian dành cho vườn hoa, sân chơi khá lý tưởng, nhưng do buông lỏng quản lý nên đã bị chiếm dụng. Do đó, thành phố đang có chính sách cải tạo khu chung cư cũ. Không những vậy, cùng với việc lấy lại các không gian công cộng này khi cải tạo chung cư cũ, cũng có thể tái thiết các khu chung cư này thành những khu vực có chất lượng sống tốt. Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, nên xây dựng những không gian ngầm, đường phố ngầm để tận dụng tầng trệt làm sân chơi, đồng thời, có thể tổ chức không gian mái thành những vườn hoa. Đây là những cách thức để tạo thêm không gian công cộng với những khu vực thiếu quỹ đất mà nhiều thành phố tiên tiến trên thế giới đã áp dụng thành công.
Để trả lại không gian công cộng cho sân chơi trong khu dân cư, thành phố Hà Nội cần kiểm kê quỹ đất có thể phát triển vườn hoa sân chơi, trong đó lồng ghép với nhiệm vụ kiểm kê quỹ đất công đặc biệt quỹ đất công đang sử dụng lãng phí, sai mục đích để ưu tiên phát triển vườn hoa, sân chơi. Đồng thời, khôi phục không gian công cộng hiện có, đẩy lùi nạn lấn chiếm, sử dụng sai mục đích nhằm khôi phục, nâng cấp các không gian vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư… Đối với những khu đô thị mới, hiện nay thành phố đã có rất nhiều quy hoạch chi tiết, để bảo đảm đất dành cho vườn hoa, sân chơi thì cần kiểm soát tốt việc thực hiện quy hoạch…