Chị Thức (áo xanh) giới thiệu quy trình làm cốm với cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH Nam Từ Liêm
Một trong những minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả của dòng vốn tín dụng chính sách là câu chuyện của chị Ngô Thị Thức - một phụ nữ ở tổ dân phố số 4, Mễ Trì Thượng, phường Từ Liêm, Hà Nội. Từ số vốn vay ban đầu chỉ 20 triệu đồng nhờ sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường và Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị đã dần mở rộng mô hình sản xuất cốm truyền thống - nghề của gia đình được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Sau khi trả nợ đúng hạn, chị tiếp tục được vay 50 triệu đồng để đầu tư mở rộng cơ sở, và đến năm 2023, nâng mức vay lên 100 triệu đồng để thành lập Hợp tác xã Cốm Mộc Ngô Thức.
Sự đầu tư bài bản và hướng đi đúng đã giúp các sản phẩm cốm của chị Thức không chỉ giữ vững được hương vị truyền thống mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn để được công nhận là sản phẩm OCOP. Các mặt hàng như cốm tươi, bánh cốm, xôi cốm, chả cốm, bánh trưng cốm… đều được thiết kế bao bì đẹp mắt, nâng cao giá trị thương hiệu. "Nếu không có nguồn vốn ưu đãi kịp thời của NHCSXH, tôi khó có thể phát triển được cơ sở như hiện nay", chị Thức xúc động chia sẻ.
Không chỉ ở khu vực nội thành, tại các vùng ngoại thành Hà Nội, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đang tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại thôn Tiền, xã Ứng Thiên, ông Nguyễn Hữu Hồng - một nông dân điển hình, đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư hệ thống nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt và giống dưa lưới cao cấp. Mô hình trồng dưa trong nhà màng giúp tăng năng suất, giảm sâu bệnh, từ đó đem lại thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Hồng chia sẻ: "Thủ tục vay vốn tại NHCSXH rất thuận lợi, lãi suất ưu đãi và được sự hướng dẫn tận tình từ các tổ chức hội, giúp chúng tôi yên tâm đầu tư phát triển".
Nhờ nguồn vốn vay của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội Ứng Hòa giúp gia đình ông Hồng có nguồn vốn đầu tư mở rộng diện tích dưa lưới
Tại Đa Phúc, ông Hoàng Văn Tám, một chủ cơ sở nuôi ốc nhồi cũng đang phát triển sản phẩm OCOP từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng. Nhờ đầu tư cải tạo ao nuôi, xây dựng bể nhân giống theo công nghệ mới, đồng thời chú trọng quy trình chế biến, đóng gói và xúc tiến thương mại, sản phẩm ốc sơ chế của ông Tám hiện đã đạt chứng nhận OCOP. Không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế, mô hình này còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Từ những câu chuyện khởi nghiệp của chị Thức, ông Hồng, ông Tám… có thể thấy rõ dấu ấn tích cực mà nguồn vốn tín dụng chính sách mang lại. Những khoản vay tuy không lớn nhưng đóng vai trò thiết thực, giúp người dân phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa làng nghề và tạo dựng sinh kế bền vững. Nhiều mô hình vay vốn thành công còn trở thành hạt nhân trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân Thủ đô.
Theo ông Đặng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế địa phương. Với phương châm "đồng hành cùng người dân", NHCSXH Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, hội đoàn thể và chính quyền địa phương để rà soát nhu cầu vay vốn, tổ chức tập huấn kỹ năng sản xuất, hướng dẫn thủ tục vay vốn, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực.


Ông Hoàng Văn Tám (áo kẻ xanh) giới thiệu các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của cơ sở
Thực tế cho thấy, nhờ việc tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, nhiều chủ thể OCOP tại Hà Nội đã tự tin xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Không ít cơ sở sản xuất, hợp tác xã còn mạnh dạn đổi mới mô hình sản xuất theo hướng khép kín, thân thiện với môi trường, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để hướng tới xuất khẩu.
Trong thời gian tới, NHCSXH thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp liên ngành để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt chú trọng việc kết nối với chương trình OCOP, hỗ trợ làng nghề theo hướng phát triển bền vững. Cùng với việc mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng mức vay phù hợp thực tiễn, Ngân hàng cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn, đảm bảo an toàn tín dụng và tính minh bạch trong hoạt động cho vay.
Việc phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mà còn là giải pháp thiết thực nhằm cụ thể hóa các mục tiêu lớn của thành phố Hà Nội trong chiến lược phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm OCOP Thủ đô trong giai đoạn tới. Đây cũng là hướng đi phù hợp với yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, bền vững và bao trùm.
Với sự hỗ trợ đúng lúc, đúng cách và sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, dòng vốn tín dụng chính sách sẽ tiếp tục là nguồn lực quý báu, góp phần lan tỏa khát vọng làm giàu chính đáng của người dân, thúc đẩy chương trình OCOP gắn với bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống - những giá trị văn hóa đặc trưng, góp phần làm giàu thêm bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến.