Quang cảnh ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết, nếu trước đây các doanh nghiệp du lịch Lữ hành Hà Nội biết đến Lai Châu chỉ dừng lại ở những cụm từ như: “Điểm dừng chân”; “điểm trung chuyển khách” giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sapa (tỉnh Lào Cai) - Điện Biên Phủ. Thì đến nay, ngành Du lịch Lai Châu đã định vị thương hiệu của mình trên bản đồ du lịch khu vực bằng những sản phẩm du lịch đặc trưng và chất lượng đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và cả nước.
Trong đó phải kể đến bản du lịch cộng đồng ASEAN - Sin Suối Hồ, điểm du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay trên nóc nhà Đông Dương” gắn với trải nghiệm văn hoá dân tộc Dao tại bản Sì Thâu Chải hay khu du lịch Cổng trời Ô Quy Hồ, khu du lịch Cầu kính Rồng Mây;
Hang động Pusamcap được mệnh danh là “Tây bắc Đệ nhất động” đến sản phẩm du lịch trekking, hiking trên các đỉnh núi với điểm nhấn “Mùa hoa Đỗ Quyên” (năm 2024 Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã trao bằng công nhận "Rừng đỗ quyên cổ thụ tập trung trên núi PuTaLeng ở độ cao 2.619m có diện tích lớn nhất Việt Nam" cho huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).
Cũng theo ông Kháng, hiện Lai Châu đã có 20 điểm du lịch cấp tỉnh, 1 điểm du lịch cộng đồng ASEAN và 2 khu du lịch có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều phân khúc thị trường (trong đó bao gồm cả thị trường khách cao cấp).
Ngoài ra, Lai Châu có trên 133 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 35 khách sạn từ 1 sao đến 3 sao với trên 1.500 phòng); 150 nhà hàng với nhiều món ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và hệ thống mạng di động 4G, cáp quang, Internet tốc độ cao được phủ sóng trên 8/8 huyện, thành phố, 100% xã, phường, thị trấn.
Hiện nay, Lai Châu đang triển khai dự án đường nối cao tốc Lai Châu - Lào Cai với Hà Nội; cũng như dự án hầm đường bộ trên quốc lộ 4D có điểm đầu thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, điểm cuối tại phường Ô Quý Hồ, tỉnh Lào Cai đã được Chính phủ phê duyệt sẽ rút ngắn thời gian di chuyển qua đèo Hoàng Liên từ 30 phút xuống còn 8 phút;
Thời gian di chuyển giữa thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai chỉ còn khoảng 2 giờ đồng hồ và loại bỏ được các đoạn đường cong cua nguy hiểm, độ dốc cao qua đèo Hoàng Liên (Ô Quy Hồ). Chính điều này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành Du lịch Lai Châu.
Với những sản phẩm, dịch vụ đã hoàn thiện cùng sự đầu tư hạ tầng giao thông, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu mong muốn các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội sẽ tổ chức chương trình khảo sát để Lai Châu có cơ hội được giới thiệu thêm nhiều sản phẩm đặc trưng, khác biệt của Lai Châu. Từ đó, các bên cùng nhau hợp tác, xây dựng và đẩy mạnh khai thác tour du lịch kết nối điểm đến Lai Châu với Hà Nội.
“Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lai Châu cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và chia sẻ cùng các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội trong quá trình xây dựng, triển khai các chương trình tour và hoạt động du lịch tại địa phương với mục tiêu “Doanh nghiệp phát tài - Lai Châu phát triển’’”, ông Trần Quang Kháng khẳng định và bày tỏ, mảnh đất Lai Châu sẽ luôn dành những tình cảm thân thiện, chào đón các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội đến để cùng nhau chia sẻ lợi ích.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội thẳng thắn chia sẻ: “Hiện nay, thông tin chính thống về các tuyến điểm du lịch của Lai Châu trên các phương tiện truyền thông đại chúng còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy, điều cấp thiết là phải truyền thông mạnh mẽ hơn để người dân, du khách tại Hà Nội cũng như trên cả nước biết đến, hiểu và yêu Lai Châu nhiều hơn”.
Theo ông Tuấn Anh, Lai Châu không thiếu tiềm năng với cảnh quan đẹp, văn hóa đặc sắc, sản phẩm du lịch độc đáo, nhưng thiếu sự lan tỏa. Đó là “nút thắt” mà truyền thông cần tháo gỡ. “CLB Lữ hành Unesco Hà Nội hiện có bộ máy truyền thông chuyên nghiệp, hoạt động đều đặn và có mạng lưới hội viên rộng khắp. CLB cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hiệp hội Du lịch Lai Châu để đẩy mạnh truyền thông điểm đến Lai Châu trên hệ thống kênh của CLB, lan tỏa tới từng hội viên, doanh nghiệp lữ hành”, ông Tuấn Anh nói.
Ông Tuấn Anh cho biết thêm, tháng 9 tới, CLB sẽ tổ chức một chương trình caravan đến với Lai Châu, không chỉ là hành trình khám phá mà còn là hoạt động quảng bá thực tế, kết nối doanh nghiệp với địa phương.
Đặc biệt, ông đề xuất một giải pháp mang tính chiến lược là thành lập liên minh bán tour Lai Châu – một hình thức liên kết hiệu quả giữa các doanh nghiệp lữ hành, vừa gia tăng sức mạnh truyền thông, vừa tạo lực đẩy trong xây dựng tour, chào bán sản phẩm du lịch tới đông đảo du khách.
"Chúng tôi mong muốn cùng Lai Châu không chỉ quảng bá mà còn thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm du lịch một cách thực chất và hiệu quả”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Vẻ đẹp cánh đồng Mường Than, Than Uyên, Lai Châu
Đồng quan điểm với ông Tuấn Anh, ông Lê Hồng Thái, Phó Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội nhận định, Lai Châu có tiềm năng du lịch rất lớn, với cảnh quan độc đáo và bản sắc văn hóa đậm đà. Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa thực sự “khoe” được hết vẻ đẹp vốn có, chưa tạo ra được sự bứt phá xứng tầm. Dù Tổng Công ty Du lịch Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong ký kết hợp tác với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, song việc triển khai các hoạt động vẫn còn hạn chế.
Ông Thái đề xuất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cần chủ động hơn trong việc cập nhật và chia sẻ thông tin qua các nhóm kết nối, kênh chính thống để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, có thể tổ chức các hoạt động quảng bá tại các điểm giáp ranh giữa Lai Châu với các tỉnh lân cận, nhằm tạo ấn tượng ban đầu và thu hút dòng khách ngay từ cửa ngõ.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định, du lịch Lai Châu rực rỡ sắc màu, Hội nghị hôm nay là bước khởi đầu cho chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội với các doanh nghiệp lữ hành, các khu, điểm du lịch Lai Châu.
“Tôi tin tưởng sau Hội nghị, chúng ta sẽ phát triển mối quan hệ bền chặt hơn, cùng nhau đẩy mạnh việc kết nối và khai thác tour du lịch giữa các bên để chào bán đến du khách tại thị trường Thủ đô vào thời gian sớm nhất, ngay từ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5/2025, lượng khách du lịch Hà Nội đến Lai Châu và du khách Lai Châu đến Hà Nội sẽ tăng mạnh”, ông Trần Trung Hiếu kỳ vọng.