Chi cục Thống kê Thành phố cho biết, tính đến ngày 31/3/2025, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn Thành phố đạt 4,154 triệu người, tăng 1,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 4,114 triệu người đang có việc làm, tăng 1,59%. Tỷ lệ lao động nữ tiếp tục nhỉnh hơn nam giới với 2,059 triệu người (50,1%), tăng 4,06%, trong khi lao động nam là 2,055 triệu người (49,9%), giảm nhẹ 0,77%. Đáng chú ý, khu vực thành thị ghi nhận 1,977 triệu lao động có việc làm, tăng 4,43%; ngược lại, khu vực nông thôn giảm 0,90%, còn 2,137 triệu người.
Trong quý I/2025, tình hình lao động việc làm trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, Hà Nội đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, bền vững và hội nhập. Theo đó, hơn 54,1 nghìn lao động được giải quyết việc làm, đạt 32% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Phiên giao dịch việc làm thu hút đông đảo các bạn sinh viên đến tìm hiểu thông tin
Hoạt động tạo việc làm được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua nhiều kênh: Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp tạo việc làm cho 20,1 nghìn người; các phiên giao dịch việc làm thu hút 1.665 doanh nghiệp, kết nối thành công cho 1,9 nghìn người; xuất khẩu lao động tiếp tục được đẩy mạnh với 927 người sang làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc; cùng với đó, hơn 31,1 nghìn người được tạo việc làm nhờ các doanh nghiệp dịch vụ và hình thức hỗ trợ khác trên địa bàn.
Riêng tháng 3, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 27,7 nghìn người, gấp đôi tháng trước và tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh hoạt động tạo việc làm, công tác bảo vệ quyền lợi cho người thất nghiệp cũng được quan tâm. Trong tháng 3, có 3,6 nghìn người nhận hỗ trợ Bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí 224,4 tỷ đồng. Tính chung quý I, Thành phố đã chi trả trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 11,2 nghìn người với tổng số tiền 438,4 tỷ đồng, giảm 20% về số người và 2,7% về số tiền so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Thành phố đã tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 9 nghìn người và hỗ trợ học nghề cho 240 người với tổng kinh phí hơn 930,8 triệu đồng.
Những con số tích cực trong quý đầu năm không chỉ thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết, mà còn khẳng định vai trò của các chính sách điều hành linh hoạt, sát thực tiễn trong việc ổn định việc làm, nâng cao chất lượng đời sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Bên cạnh đó, về công tác Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2025, Thành phố đặt ra mục tiêu: Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 95,5% dân số; tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 47,5% số người trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 3,5%; và tỷ lệ tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 45% lực lượng lao động.
Người dân giao dịch với cơ quan BHXH tại Bộ phận một cửa, BHXH Khu vực I
Theo ước tính đến hết quý I/2025, tỷ lệ bao phủ BHYT của Thành phố đạt 95,27% dân số (không bao gồm lực lượng vũ trang), tương ứng với 8.126 nghìn người tham gia – tăng 0,25% so với cuối tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2024. Có 2.192 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm 46,4%, ghi nhận mức tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 5,87% so với cùng kỳ. BHXH tự nguyện cũng ghi nhận 107,7 nghìn người tham gia, chiếm 2,94%, tăng 1,7% và tăng 27,85% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số người tham gia BHTN đạt 2.123 nghìn người, chiếm 44,94%, tăng nhẹ 0,14% so với tháng trước và tăng 5,99% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng số tiền thu từ ba loại bảo hiểm BHXH, BHYT, BHTN đạt 17,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,99% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng chi BHXH đạt 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12,65% so với năm trước. Trong đó, chi lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng chiếm 12,2 nghìn tỷ đồng, còn chi khám chữa bệnh BHYT đạt 6,4 nghìn tỷ đồng.
Những con số này cho thấy hiệu quả của chính sách an sinh - góp phần đảm bảo quyền lợi cho người dân và người lao động trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều chuyển động mới.