Dự án đi qua địa bàn hai xã Phượng Dực và Hồng Minh của huyện Phú Xuyên. Trong quá trình thực hiện, phần lớn hộ dân đã tích cực hợp tác, bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, vẫn còn 14 trường hợp không chấp hành, yêu cầu bồi thường, hỗ trợ không đúng quy định pháp luật. Cụ thể, tại xã Hồng Minh có 11 trường hợp và xã Phượng Dực có 3 trường hợp nằm trong diện buộc phải cưỡng chế để bảo đảm tiến độ chung.
Huyện Phú Xuyên tiến hành công bố quyết định cưỡng chế thu hồi đất tại xã Phượng Dực
Ngay sau khi các quyết định cưỡng chế được công bố công khai tại hiện trường, lực lượng chức năng huyện Phú Xuyên phối hợp với tổ công tác địa phương đã tổ chức tháo dỡ công trình, vật cản, đảm bảo an toàn cho đơn vị thi công kéo dây. Đáng chú ý, tại xã Phượng Dực, huyện đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất phục vụ dự án đối với hộ gia đình ông Nguyễn Trung Thịnh và bà Đoàn Thị Hưởng. Trước đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Xuyên đã thực hiện đầy đủ các bước về thủ tục, công khai minh bạch phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án, song hộ gia đình này vẫn đưa ra nhiều kiến nghị vượt thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương.
Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, toàn bộ quá trình cưỡng chế, bảo vệ thi công được triển khai nghiêm túc, thực hiện đúng quy trình pháp luật, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản. Sự chủ động trong công tác tuyên truyền từ trước đã giúp thay đổi nhận thức của nhiều hộ dân, tự giác phối hợp với chính quyền và chủ đầu tư, không còn hành vi cản trở.
Cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với trường hợp hộ gia đình ông Nguyễn Trung Thịnh và bà Đoàn Thị Hưởng ở xã Phượng Dực
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, trong quá trình triển khai thi công đoạn tuyến qua xã Phượng Dực và Hồng Minh, việc một số hộ đòi hỏi về bồi thường, hỗ trợ vượt quy định đã gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư và nhà thầu đã phối hợp chặt chẽ với địa phương để tuyên truyền, vận động người dân, giúp hầu hết người dân hiểu rõ ý nghĩa của dự án phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, từ đó đồng thuận, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Việc một số hộ dân cố tình không hợp tác đã buộc huyện phải xây dựng, tổ chức phương án cưỡng chế và bảo vệ thi công, nhằm bảo đảm tiến độ tổng thể của dự án.
Việc một số hộ dân cố tình không hợp tác đã buộc huyện phải xây dựng, tổ chức phương án cưỡng chế và bảo vệ thi công, nhằm bảo đảm tiến độ tổng thể của dự án
Về phía đơn vị thi công, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 11 Nguyễn Văn Hải cho biết, dự án đã khởi động từ năm 2018 nhưng nhiều lần gián đoạn do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và quy hoạch. Sau thời gian dài chậm tiến độ, phải điều chỉnh và gia hạn, đến đầu năm 2025, dự án chính thức được tái khởi động trở lại. Hiện đơn vị đang huy động tối đa nhân lực, vật lực để hoàn thành những khoang néo cuối cùng, bảo đảm kết nối đồng bộ toàn tuyến từ Nho Quan đến Thường Tín.
Đây là dự án cấp bách, nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì ổn định hệ thống truyền tải điện liên vùng Bắc - Trung - Nam, buộc phải hoàn thành và đóng điện trong năm 2025. Việc UBND huyện Phú Xuyên quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, kiên quyết cưỡng chế, bảo vệ thi công không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị mà còn là hành động cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích chung, bảo đảm hoàn thành công trình trọng điểm quốc gia đúng tiến độ, phục vụ phát triển bền vững đất nước.