Là một trong những địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều làng nghề, huyện Hoài Đức có 52 làng có nghề, trong đó 12 làng được công nhận là làng nghề sản xuất như: Bánh kẹo, dệt kim La Phù; điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng; chế biến nông sản Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, thôn Lưu Xá - xã Đức Giang...
Đồng chí Nguyễn Trung Thuận, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban HĐQT NHCSXH huyện Hoài Đức cho biết, hàng năm UBND huyện Hoài Đức đều bố trí nguồn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với số tiền trên 2 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm 2025, UBND huyện đã có Quyết định chuyển nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH cho vay là 5 tỷ đồng, tính đến ngày 22/02/2025, UBND huyện đã chuyển tiền sang NHCSXH huyện Hoài Đức cho vay là 3 tỷ đồng, lũy kế đến nay là 26 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách, trong đó có nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH cho vay là nguồn lực tài chính quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nguồn vốn này tập trung cho việc định hình và phát triển các sản phẩm chủ lực theo nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện; trong đó dành phần lớn cho việc gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống.
Theo Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH huyện Hoài Đức Lã Tiến Hùng, mặc dù nguồn vốn ủy thác địa phương chỉ chiếm 4% trên tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn (26/637 tỷ), nhưng đó là thể hiện sự quan tâm, cố gắng và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH đã được chuyển tải kịp thời, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Để làm tốt nội dung này, công tác tham mưu đã được quan tâm triển khai ngay từ khâu lập kế hoạch, chủ động tham mưu đưa nội dung bố trí vốn chuyển sang NHCSXH cho vay thực hiện chương trình, mục tiêu vào kế hoạch triển khai tổng thể của UBND cấp huyện để làm cơ sở tiến hành các bước tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận triển khai nhiệm vụ tại buổi họp giao ban HĐQT NHCSXH huyện
Bên cạnh đó NHCSXH cùng UBND các xã, thị trấn, Hội đoàn thể các cấp cũng đã quan tâm triển khai tốt công tác thông tin, tuyên truyền về hiệu quả tín dụng chính sách; tham mưu tổ chức các đợt kiểm tra thực tế, tiếp xúc với người dân để cấp ủy, Hội đồng nhân dân và lãnh đạo chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân cũng như quá trình triển khai thực hiện, qua đó thấy được hiệu quả, ý nghĩa của đồng vốn tín dụng ưu đãi giải ngân từ nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương nhằm phục hồi, gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống.
Trong thời gian tiếp theo, huyện tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị, Kế hoạch của Thành ủy, UBND về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, quan tâm bố trí ngân sách địa phương chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH hàng năm để tạo nguồn lực ổn định, bền vững tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn gắn với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong từng giai đoạn cụ thể, chú trọng tới các mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, góp phần vào gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.
Tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ đối với hoạt động của NHCSXH trên địa bàn cũng như chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn và chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã, thị trấn. Đồng thời, quan tâm và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát của các cấp, các ngành và của mọi tầng lớp Nhân dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.