Quyết định số 2273/QĐ-BTP ngày 14-10-2009 của Bộ Tư pháp (14:35 18/03/2010)


Về việc phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, cán bộ của Thanh tra Bộ Tư pháp

QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, cán bộ của Thanh tra Bộ Tư pháp
-----------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

 

- Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

- Căn cứ Nghị định số 74/2006/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động Thanh tra Tư pháp;

- Xét đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp,
 

QUYẾT ĐỊNH:
 

Điều 1. Phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, cán bộ của Thanh tra Bộ Tư pháp với các nội dung chính sau đây:

1. Nguyên tắc, quan điểm kiện toàn tổ chức, cán bộ của Thanh tra Bộ
- Kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy của Thanh tra phải theo đúng yêu cầu của Quyết định số 1747/QĐ-BTP, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, năng lực quản lý, điều hành, đảm bảo hiệu quả hoạt động của toàn thể đơn vị; bộ máy tổ chức của Thanh tra phải đáp ứng được chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Việc kiện toàn tổ chức, cán bộ của Thanh tra đảm bảo hợp lý, khoa học, gọn nhẹ: phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ được giao. Trong đó, chú trọng ưu tiên kiện toàn tổ chức, hoạt động, đảm bảo biên chế cho bộ phận thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới và các tổ chức khác thuộc Thanh tra thực hiện nhiệm vụ mà pháp luật quy định.
 - Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ công việc giữa các phòng chức năng thuộc Thanh tra, phát huy tối đa năng lực cá nhân, trí tuệ tập thể của từng phòng và toàn thể đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
- Việc phân công, sắp xếp lại tổ chức, nhân sự các phòng phải đảm bảo tính hợp lý và dân chủ, phù hợp với chuyên môn, nguyện vọng, sở trường của từng công chức, tránh những xáo trộn không cần thiết.
- Đẩy mạnh cải cách hoạt động chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thanh tra và các phòng chuyên môn, góp phần cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

2. Kiện toàn tổ chức Thanh tra Bộ
2.1. Về cơ cấu tổ chức
Thanh tra Bộ gồm có: Chánh Thanh tra, không quá 03 (ba) Phó Chánh Thanh tra và các phòng sau đây:
- Phòng Tổng hợp - Hành chính;
- Phòng Tiếp công dân và Xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo;
- Phòng Thanh tra Hành chính;
- Phòng Thanh tra Chuyên ngành.
2.2. Về Lãnh đạo Thanh tra
Bổ sung thêm 01 Phó Chánh Thanh tra từ nguồn tại chỗ hoặc theo sự bổ sung, điều động của Ban cán sự Bộ Tư pháp do nhu cầu công tác, trong đó cần phải đạt những tiêu chuẩn là đảng viên trẻ, có trình độ trên đại học, có thâm niên công tác trong lĩnh vực thanh tra, đã kinh qua công tác quản lý và thành thạo ngoại ngữ và vi tính, tâm huyết và muốn phấn đấu, đóng góp cho sự phát triển của Thanh tra Tư pháp.

2.3. Về các phòng thuộc Thanh tra
2.3.1. Phòng Tổng hợp - Hành chính
- Chức năng, nhiệm vụ: Phòng Tổng hợp - Hành chính có chức năng giúp Chánh Thanh tra xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; điều phối hoạt động chung của Thanh tra Bộ; thực hiện các nhiệm vụ: tham mưu, tổng hợp, tổ chức, cán bộ, hành chính, văn thư, lưu trữ; thực hiện chế độ tài chính, kế toán, quản lý kinh phí, tài sản của Thanh tra theo quy định của pháp luật và giúp Chánh Thanh tra giám sát hoạt động của các Đoàn thanh tra do Thanh tra tổ chức và thực hiện các công việc khác khi được Chánh Thanh tra giao.
- Cơ cấu nhân sự Phòng Tổng hợp - Hành chính gồm: Trưởng phòng; từ 01 đến 02 Phó Trưởng phòng; 04 công chức chuyên môn. Tổng biên chế dự kiến: 07 biên chế.
2.3.2. Phòng Tiếp công dân và Xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo
- Chức năng, nhiệm vụ: Phòng Tiếp công dân và Xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo có chức năng tham mưu, giúp Chánh Thanh tra thực hiện nhiệm vụ: tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và phối hợp với Cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo tại khu vực phía Nam; xác minh ban đầu một số khiếu nại, tố cáo do Chánh Thanh tra phân công; kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị, kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật và thống kê, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài ở các cơ quan thi hành án dân sự theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và thực hiện các công việc khác khi được Chánh Thanh tra giao.
- Cơ cấu nhân sự Phòng Tiếp công dân và Xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo gồm: Trưởng phòng; từ 01 đến 02 Phó Trưởng phòng; 04 công chức chuyên môn. Tổng biên chế dự kiến: 07 biên chế.
2.3.3. Phòng Thanh tra Hành chính
- Chức năng, nhiệm vụ: Phòng Thanh tra Hành chính có chức năng giúp Chánh Thanh tra tổ chức thực hiện hoặc chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ: thanh tra hành chính và xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; thực hiện các công việc khác khi được Chánh Thanh tra giao.
- Cơ cấu nhân sự Phòng Thanh tra Hành chính gồm: Trưởng phòng; từ 01 đến 02 Phó Trưởng phòng; 06 công chức chuyên môn. Tổng biên chế dự kiến: 09 biên chế.
2.3.4. Phòng Thanh tra chuyên ngành
- Chức năng, nhiệm vụ: Phòng Thanh tra Chuyên ngành có chức năng giúp Chánh Thanh tra tổ chức thực hiện hoặc chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ: thanh tra chuyên ngành và xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật; thực hiện các công việc khác khi được Chánh Thanh tra giao.
- Cơ cấu nhân sự Phòng Thanh tra Chuyên ngành gồm: Trưởng phòng; từ 01 đến 02 Phó Trưởng phòng; 06 công chức chuyên môn. Tổng biên chế dự kiến: 09 biên chế.

3. Tổ chức thực hiện
- Chánh Thanh tra có trách nhiệm: ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các Phòng thuộc Thanh tra; sắp xếp, bố trí số công chức hiện có của Thanh tra vào các phòng chức năng phù hợp với năng lực, sở trường từng người và yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Phòng.
- Đối với số lượng biên chế cụ thể của Thanh tra Bộ, trên cơ sở tổng biên chế hành chính hàng năm của Bộ, Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ trình Bộ trưởng quyết định bổ sung biên chế cho phù hợp.
- Chánh Thanh tra phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện các công việc:
+ Tiến hành quy trình bổ nhiệm các Trưởng phòng, các Phó Trưởng phòng chuyên môn trình Bộ trưởng xem xét, quyết định;
+ Tiếp nhận cán bộ, công chức về Thanh tra Bộ công tác theo sự phân bổ, quyết định tuyển dụng hoặc tiếp nhận của Bộ trưởng;
+ Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ công chức Thanh tra;
+ Xây dựng Quy chế làm việc của Thanh tra trên cơ sở Quy chế làm việc của Bộ và Quy chế mẫu của các đơn vị.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
 


QD2273_BTP.doc



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t