Huyện Thanh Oai (13:05 17/03/2018)


HNP - Thanh Oai là huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thành phố Hà Nội. Đây vốn là mảnh đất thuộc kinh thành Thăng Long xưa. Người dân nơi đây cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, quật cường anh dũng chống giặc ngoại xâm với các địa danh cả nước biết đến như “Tam Hưng anh dũng, Quế Sơn kiên cường” trong kháng chiến chống Pháp.

Trụ sở: Huyện ủy-HĐND-UBND huyện Thanh Oai


Thông tin chung
 
- Đơn vị: Huyện ủy-HĐND-UBND huyện Thanh Oai
- Địa chỉ: 135, Tổ 3, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: (024) 33.873.065;    Email: vanthu_thanhoai@hanoi.gov.vn
- Diện tích: 142,31km2. 
- Dân số: khoảng trên 185.400 người. 
 
- Huyện có 21 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: Thị trấn Kim Bài và 20 xã là: Bích Hòa, Bình Minh, Cao Dương, Cao Viên, Cự Khê, Dân Hòa, Đỗ Động, Hồng Dương, Kim An, Kim Thư, Liên Châu, Mỹ Hưng, Phương Trung, Tam Hưng, Tân Ước, Thanh Cao, Thanh Mai, Thanh Thùy, Thanh Văn, Xuân Dương.
 
- Về địa lý, Thanh Oai là huyện đồng bằng thuần nông, nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thành phố Hà Nội. Phía Bắc và phía Tây Bắc giáp quận Hà Đông; phía Tây giáp huyện Chương Mỹ; phía Tây Nam giáp huyện Ứng Hòa; phía Đông Nam giáp huyện Phú Xuyên; phía Đông giáp huyện Thường Tín và phía Đông Bắc giáp huyện Thanh Trì.
 
Lịch sử hình thành và phát triển
 
Năm 1831, vua Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội gồm 03 phủ: Ứng Hòa, Lý Nhân và Thường Tín. Huyện Thanh Oai lúc đó thuộc phủ Ứng Hòa của tỉnh Hà Nội. Phủ Ứng Hòa lúc đó gồm 4 huyện là Sơn Minh, Chương Đức, Thanh Oai và Hoài An.
 
Năm 1888, Pháp lập ra tỉnh Hà Đông và lúc đó huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Đông.
 
Ngày 4/01/1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Nghị định số 436-TTg giải tán quận Văn Điển do Quốc gia Việt Nam lập ra trong thời gian bị tạm chiếm trả lại cho tỉnh Hà Đông để tổ chức lại hai huyện Thanh Oai và Thanh Trì.
 
Ngày 20/4/1961, Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa II thông qua Nghị quyết phê chuẩn mở rộng thành phố Hà Nội lần thứ nhất. Theo đó, sáp nhập phần lớn các xã thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông vào thành phố Hà Nội. 
 
Ngày 17/5/1961, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 70-CP sáp nhập các xã, các thôn còn lại của huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông vào các huyện Thường Tín, Thanh Oai và thị xã Hà Đông. Theo đó, 4 xã: Kiến Hưng, Mỹ Hưng, Cự Khê, Hữu Hòa được sáp nhập vào huyện Thanh Oai.
 
Ngày 21/4/1965, tỉnh Hà Tây được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Sơn Tây và Hà Đông. Theo đó, huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây gồm 26 xã: Kim An, Cao Viên, Thanh Cao, Thanh Mai, Xuân Dương, Bích Hòa, Phương Trung, Cao Dương, Bình Minh, Kim Thư, Tam Hưng, Đỗ Động, Hồng Dương, Dân Hòa, Thanh Văn, Tân Ước, Thanh Thùy, Liên Châu, Mỹ Hưng, Cự Khê, Kiến Hưng, Hữu Hòa, Phú Lương, Phú Lãm, Biên Giang, Đồng Mai.
 
Ngày 15/9/1969, sáp nhập xã Kiến Hưng vào thị xã Hà Đông. Huyện Thanh Oai còn lại 25 xã.
 
Ngày 27/12/1975, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V thông qua Nghị quyết hợp nhất 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Theo đó, huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.
 
Ngày 29/12/1978, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc sáp nhập một số huyện, thị xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình vào thành phố Hà Nội.
 
Ngày 17/2/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 49-CP về việc điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn của Hà Nội. Theo đó, sáp nhập xã Hữu Hòa vào huyện Thanh Trì. 
 
Ngày 12/8/1991, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII thông qua Nghị quyết chia tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Lúc này, huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây.
 
Ngày 23/6/1994, thành lập thị trấn Kim Bài trên cơ sở một phần diện tích và nhân khẩu của 2 xã Kim An, Đỗ Động.
 
Ngày 23/9/ 2003, chuyển 2 xã Phú Lương và Phú Lãm về thị xã Hà Đông quản lý.
 
Ngày 4/01/2006, sáp nhập một phần diện tích và dân số của thôn Phượng Bãi, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ vào xã Biên Giang. Chuyển 2 xã Biên Giang và Đồng Mai về thành phố Hà Đông quản lý.
 
Từ ngày 1/8/2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội theo Nghị quyết của kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12 ngày 29/5/2008. Theo đó, huyện Thanh Oai thuộc thành phố Hà Nội.
 
Văn hóa và di tích lịch sử
 
Thanh Oai có nét đặc trưng của nền văn hóa đồng bằng Bắc Bộ với rất nhiều đình chùa cổ kính và những làng nghề lâu đời, đặc sắc. Hiện nay, huyện có 118 làng nghề; trong đó, có 27 làng nghề đã được công nhận như: nón làng Chuông, quạt làng Vác, điêu khắc Thanh Thùy, sơn tượng Võ Lăng, tương Cự Đà, giò chả Ước Lễ. Toàn huyện hiện có 122 di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, tiêu biểu như: chùa Bối Khê, chùa Xuyên Dương, đình Tràng Xuân, đình Vân Đồng, đền Văn Quán, đình Kim Châu, chùa Khúc Thủy, chùa Cự Đà, đình Ước Lễ... Huyện Thanh Oai có 81 lễ hội truyền thống, trong đó, có nhiều lễ hội lớn như: lễ hội chùa Bối Khê (xã Tam Hưng), lễ hội Bình Đà (xã Bình Minh)…, các lễ hội đều tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm với nhiều nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian, đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tạo được sự phấn khởi trong nhân dân.
 
Cổng tam quan chùa Bối Khê
 
Đặc biệt là chùa Bối Khê - một ngôi chùa cổ kính nhất, độc đáo vào bậc nhất Việt Nam xây dựng vào đời Trần, khoảng năm 1338, là một trong sáu di tích quan trọng hàng đầu của Hà Tây cũ (cùng với Chùa Hương, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương, Chùa Đậu, Làng cổ Đường Lâm) với nhiều cổ vật quý hiếm. Ngày 20/4/1979, Bộ VHTT đã công nhận chùa Bối Khê là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt.
 
Chùa còn nhiều hiện vật quí hiếm: nhang án hoa sen bằng đá được làm vào thời Trần (1382), đèn gốm trang trí hình cánh sen, rồng đắp nổi và tượng Quan Âm Nam Hải thời Mạc, cùng nhiều bia đá mà cổ nhất là bia sự tích “Bối động thánh tích bi ký” có niên đại Thái Hòa 11 (1453)…Trong số 58 pho tượng của chùa có những tượng đẹp không kém tượng Chùa Mía, Chùa Dâu, Chùa Thầy…, chẳng hạn tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thập điện Diêm vương, và nhất là tượng Phật Quan Âm 12 tay cao chừng 2m ngồi trên Tòa sen đặt trên bệ đá chạm khắc hình rồng, chim thần, hoa lá có niên đại 1382.
 
Ai đã từng đến ngôi chùa cổ Bối Khê vào những ngày đầu hạ, sẽ được chiêm ngưỡng một loài hoa đặc biệt, màu trắng, tỏa hương thơm ngát và có hình dáng gần giống như bông hoa sen vẫn thường thấy trong các ao hồ. Người dân Bối Khê vẫn gọi loài hoa này là hoa sen đất. Người dân Việt Nam đã quen thuộc với câu ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình / Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Trong khi hầu hết mọi người cho rằng “cành hoa sen” đó chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng phong phú cho câu ca thêm phần lãng mạn, bởi hoa sen làm gì có cành; thì người dân làng Bối Khê lại tin rằng cành hoa sen được nhắc tới trong câu ca dao chính là cành cây sen đất trong khuôn viên chùa.
 
Toàn cảnh cây sen đất được trồng ở chùa Bối Khê
 
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng bộ và Chính quyền và Nhân dân Thanh Oai luôn quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin cơ sở, từng bước tăng cường cơ sở vật chất cho văn hóa, thể thao, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, từ đó, tạo điều kiện để nhân dân hăng say phát triển kinh tế, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa một cách lành mạnh, phong phú, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, ổn định chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Phương Anh


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t