Huyện Ba Vì (15:37 12/02/2018)


HNP - Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 60 km về phía Tây Bắc, Ba Vì được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cả bức tranh sơn thủy hữu tình, với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, được coi là "lá phổi xanh" phía Tây thủ đô Hà Nội. 

Trụ sở: HĐND - UBND huyện Ba Vì


Thông tin chung
 
- Đơn vị: Huyện ủy-HĐND-UBND huyện Ba Vì
- Địa chỉ: Thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: (024) 33863018;    Email: vanthu_bavi@hanoi.gov.vn
- Diện tích: 424,03km2.
- Dân số: khoảng 267.300 người (bao gồm 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao). 
 
- Huyện có 31 đơn vị hành chính gồm thị trấn Tây Đằng và 30 xã: Ba Trại, Ba Vì, Cam Thượng, Cẩm Lĩnh, Cổ Đô, Châu Sơn, Chu Minh, Đông Quang, Đồng Thái, Khánh Thượng, Minh Châu, Minh Quang, Phong Vân, Phú Cường, Phú Châu, Phú Đông, Phú Phương, Phú Sơn, Sơn Đà, Tản Hồng, Tản Lĩnh, Tiên Phong, Tòng Bạt, Thái Hòa, Thuần Mỹ, Thụy An, Vạn Thắng, Vân Hòa, Vật Lại, Yên Bài.
 
- Về địa lý, phía Đông giáp thị xã Sơn Tây, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ và phía Bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc. Địa hình của huyện thấp dần từ phía Tây Nam sang phía Đông Bắc, chia thành 3 tiểu vùng khác nhau: Vùng núi, vùng đồi, vùng đồng bằng ven sông Hồng.
 
Lịch sử hình thành và phát triển
 
Ngày 26/7/1968, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 120-CP về việc hợp nhất các huyện Quảng Oai, Bất Bạt và Tùng Thiện thuộc tỉnh Hà Tây thành một huyện lấy tên là huyện Ba Vì. Khi mới thành lập, huyện Ba Vì gồm 43 xã: Ba Trại, Ba Vì, Cẩm Lĩnh, Cam Thượng, Châu Sơn, Chu Minh, Cổ Đô, Cổ Đông, Đông Quang, Đồng Thái, Đường Lâm, Hòa Thuận, Khánh Thượng, Kim Sơn, Minh Châu, Minh Quang, Phong Vân, Phú Châu, Phú Cường, Phú Đông, Phú Phương, Phú Sơn, Sơn Đà, Sơn Đông, Tân Đức, Tản Hồng, Tản Lĩnh, Tây Đằng, Thái Hòa, Thanh Mỹ, Thuần Mỹ, Thụy An, Tích Giang, Tiên Phong, Tòng Bạt, Trạch Mỹ Lộc, Trung Hưng, Trung Sơn Trầm, Vân Sơn, Vạn Thắng, Vật Lại, Xuân Sơn, Yên Bài.
 
Ngày 16/10/1972, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ban hành Quyết định số 50-BT về việc sáp nhập xã Trung Hưng và thôn Yên Thịnh II thuộc xã Đường Lâm, huyện Ba Vì vào thị xã Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây. Huyện Ba Vì còn lại 42 xã.
 
Ngày 27/12/1975, Quốc hội  ban hành Nghị quyết về việc hợp nhất một số tỉnh. Theo Nghị quyết, hợp nhất tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Sơn Bình, do đó, huyện Ba Vì thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.
 
Ngày 18/12/1976, hợp nhất 2 xã Vân Sơn và Hòa Thuận thành xã Vân Hòa, huyện Ba Vì còn 41 xã.
 
Ngày 29/12/1978, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao Lạng, Bắc Thái, Quảng Ninh và Đồng Nai. Theo Nghị quyết, huyện Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
 
Ngày 2/6/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 101-HĐBT về việc phân vạch địa giới thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì và huyện Phúc Thọ thuộc thành phố Hà Nội. Theo Quyết định, chuyển 7 xã: Thanh Mỹ, Kim Sơn, Xuân Sơn, Trung Sơn Trầm, Đường Lâm, Sơn Đông, Cổ Đông về thị xã Sơn Tây quản lý và chuyển 2 xã: Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc về huyện Phúc Thọ quản lý. Huyện Ba Vì sau khi được điều chỉnh địa giới còn lại 32 xã: Ba Trại, Ba Vì, Cam Thượng, Cẩm Lĩnh, Cổ Đô, Châu Sơn, Chu Minh, Đông Quang, Đồng Thái, Khánh Thượng, Minh Châu, Minh Quang, Phong Vân, Phú Châu, Phú Cường, Phú Đông, Phú Phương, Phú Sơn, Sơn Đà, Tản Hồng, Tản Lĩnh, Tân Đức, Tây Đằng, Thái Hoà, Thuỵ An, Thuần Mỹ, Tiên Phong, Tòng Bạt, Vạn Thắng, Vân Hoà, Yên Bài, Vật Lại.
 
Ngày 3/3/1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 45-HĐBT về việc thành lập thị trấn của các huyện Ba Vì và Sóc Sơn thuộc thành phố Hà Nội. Theo Quyết định, thành lập thị trấn Quảng Oai (thị trấn huyện lỵ huyện Ba Vì) trên cơ sở 33,08 hécta đất với 2.375 nhân khẩu của xã Tây Đằng.  
 
Ngày 12/8/1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Nghị quyết, huyện Ba Vì lại trở về với tỉnh Hà Tây quản lý.
 
Ngày 29/8/1994, hợp nhất thị trấn Quảng Oai và xã Tây Đằng thành thị trấn Tây Đằng. Huyện Ba Vì có 01 Thị trấn và 31 xã.
 
Ngày 29/5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 14/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai. Theo Nghị quyết, chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên là 454,08 ha và dân số hiện tại là 2.721 người của xã Tân Đức thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây về thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Huyện Ba Vì còn lại thị trấn Tây Đằng và 30 xã, giữ ổn định cho đến nay.
 
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc Hội khóa XII, huyện Ba Vì tái nhập vào thủ đô Hà Nội từ ngày 01/8/2008.
 
Văn hóa và di tích lịch sử
 
Ba Vì là vùng đất địa linh, nhân kiệt, một vùng đất tối cổ, có truyền thống văn hóa lâu đời, độc đáo, đặc trưng bởi 3 dân tộc Kinh - Mường - Dao với những phong tục, tập quán, nét văn hóa riêng biệt. Nhắc tới Ba Vì có lẽ ấn tượng đầu tiên của du khách đó là về một nền văn hóa dân gian vật thể và phi vật thể độc đáo. Huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh, bản anh hùng ca hùng tráng nhất về sức mạnh Việt Nam trong thời kỳ dựng nước. Cùng với, truyền thuyết về vị thần được ngưỡng kính trong tâm thức ngàn đời người dân đất Việt - Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên, hay còn gọi là Nam Thiên Thần Tổ, vị Thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử.
 
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có vị trí đặc biệt quan trọng trong Khu Di tích K9 - Đá Chông
 
Với bề dày lịch sử, Ba Vì là nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị đặc biệt. Theo thống kê của TP Hà Nội đến năm 2010, Ba Vì có 63 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, tiêu biểu như: Cụm di tích: Đền Thượng - Đền Trung - Đền Hạ thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh; Đình Tây Đằng, Đình Chu Quyến là 2 di tích được xếp hạng đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, Đình Thụy Phiêu được các nhà khoa học đánh giá là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam có niên đại tuyệt đối 1531- thời Nhà Mạc; Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử K9 (nơi lưu giữ những kỷ vật liên quan đến Bác Hồ khi Người ở đây) cùng hàng trăm di tích lịch sử - văn hóa có giá trị khác.
 
Ngoài ra, Ba Vì được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cả bức tranh sơn thuỷ hữu tình, đó chính là Vườn Quốc gia Ba Vì. Nơi đây, không những lưu giữ nhiều huyền thoại từ thời lập đất, lập quốc mà còn là một thế giới đại ngàn xinh đẹp với hệ thống động thực vật muôn điều kỳ thú. Cùng với, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Hồ Tiên Sa, Thiên Sơn - Suối Ngà, Khu du lịch Tản Đà, Thác Đa, Hồ Suối Hai, Hồ Cẩm Quỳ, Rừng nguyên sinh Bằng Tạ - Đầm Long, Đồi cò Ngọc Nhị... Đứng trên đỉnh núi Ba Vì ta có thể quan sát được toàn cảnh non nước của vùng. Phía Tây là dòng sông Đà chảy sát chân núi. Phía Đông là hồ Đồng Mô, phía Bắc là Hồ Suối Hai, xa hơn là dòng sông Hồng. Tất cả tạo nên cảnh trí non nước hữu tình thơ mộng hiếm có của vùng núi Ba Vì. Vườn Quốc gia Ba Vì luôn là địa điểm hút khách du lịch trong và ngoài nước, đây cũng là điều kiện rất thuận lợi cho huyện Ba Vì phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
 
Thác Khoang Xanh Suối Tiên
 
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, nhân dân huyện Ba Vì tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, phát triển mạnh mẽ và vững chắc góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp hiện đại hóa đất nước. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đảng cùng với sự quyết tâm của chính quyền, Ba Vì đang nỗ lực vươn lên với tinh thần chủ động sáng tạo, nhất định trở thành điểm sáng về kinh tế, văn hóa, du lịch của Thủ đô ngàn năm văn hiến. 

Hà Phương


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t