Báo cáo tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được tại 34 trạm quan trắc trên địa bàn Thành phố năm 2024 duy trì các mức "Tốt" "Trung bình" và "Kém". Tuỳ vào thời điểm, mức độ ô nhiễm khác nhau. Ô nhiễm giao thông (bao gồm cả bụi đường) đóng góp nguồn thải mức cao nhất từ 58% đến 74%; tiếp theo là công nghiệp từ 14% đến 23%, nông nghiệp từ 3,4% đến 18,9%. Cũng do đặc tính lan truyền mà ô nhiễm không khí từ Hà Nội có thể ảnh hưởng tới các tỉnh lân cận và các tỉnh lân cận cũng ảnh hưởng tới Hà Nội.
Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí. Trong đó có tăng cường phủ xanh môi trường; xoá bếp tổ ong; phân loại thu gom, xử lý rác thải theo quy định; cấm đốt rơm rạ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.
Báo cáo thêm tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp xử lý các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội" mời 200 chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu đến chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước giúp bảo vệ môi trường Thủ đô. Cùng với đó đề xuất cần có Ban Chỉ đạo của Chính phủ để triển khai hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường vùng Thủ đô.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo giải quyết ô nhiễm không khí vùng Thủ đô phải thành lập và đi vào hoạt động trong tháng 4/2025. Cùng với đó xây dựng Đề án, cơ chế chính sách cho hoạt động và rõ đầu mối chủ trì triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo./.
Thực hiện : Thu Trang - Minh Quốc