Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56 ngày 16/6/2022 và Chính phủ hướng dẫn triển khai thực hiện tại Nghị quyết số 106 ngày 18/8/2022.
Dự án xây dựng đường Vành đai 4 là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội nói riêng và các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km, có điểm đầu của tuyến đặt tại cao tốc Hà Nội – Lào Cai; điểm cuối nối với cao tốc Nội Bài – Hạ Long. Trong đó, đoạn qua các địa phận Hà Nội dài 58,3 km, Hưng Yên (19,3 km), Bắc Ninh (25,6km) và tuyến nối 9,7km.
Dự án có quy mô 6 làn xe, mặt cắt ngang khi hoàn thiện 90 – 135 m; tổng mức đầu tư 85,813 tỷ đồng.
Được chuẩn bị đầu tư và thực hiện từ năm 2022, dự án phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Dự án đường Vành đai 4
Xác định đây là dự án quan trọng quốc gia, thời gian qua, Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Dự án đường vành đai 4 và chỉ đạo sát sao toàn bộ hệ thống chính trị xuyên suốt từ Thành phố đến các địa phương trong vùng dự án, đồng thời kêu gọi sự hợp tác, ủng hộ của nhân dân.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Ngày 12/12/2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Minh Hoài, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã chủ trì hội nghị kiểm điểm tiến độ, tình hình triển khai, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị việc triển khai dự án phải đồng đều, đồng thuận, trên tinh thần cái gì có lợi cho nhân dân thì áp dụng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh pháp luật đang được sửa đổi, các địa phương cần nghiên cứu, vận dụng các quy luật pháp luật phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.
Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài ghi nhận, đánh giá cao tinh thần quyết liệt, nỗ lực tập trung cao độ của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Đến nay, cả 3 tỉnh, thành phố đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, trong đó có những việc rất khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, có tiến bộ trong triển khai thi công đường song hành theo kế hoạch. Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vật liệu đất, cát đắp cơ bản đã được Hà Nội và Hưng Yên tháo gỡ. Biểu dương ngành Điện đã tích cực tham gia tháo gỡ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tháo gỡ khó khăn trên tinh thần vận dụng tối đa các chủ trương, chính sách có lợi nhất cho nhân dân để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Sát sao chỉ đạo, sẵn sàng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thi công, các đ/c lãnh đạo UBND, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã thăm, kiểm tra tiến độ dự án Vành đai 4 – Vùng thủ đô; đồng thời khẳng định "quyết tâm không để công trình chậm tiến độ".
Tính đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt tỷ lệ gần 99%, di chuyển mộ đạt hơn 99%, hoàn thành 13/13 khu tái định cư đạt 35%, hoàn thành di chuyển 10/16 điểm giao chéo điện cao thế.
Dự kiến trong Quý I/2025 sẽ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án.
Sau 19 tháng nỗ lực triển khai, với 32 mũi thi công trên toàn tuyến, khối lượng đắp nền đường đạt khoảng 85%, cấp phối đá dăm khoảng 35%. Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công đồng loạt các hạng mục đường, cầu, cống và các hạng mục phụ trợ khác.
Trên địa bàn các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, các nhà thầu đã thi công thảm bê tông nhựa được khoảng 15 km.
Đối với huyện Thường Tín, nhà thầu thi công gói thầu số 11 đã tiếp nhận toàn bộ mặt bằng toàn bộ chiều dài gói thầu là 9,3 km và đã hoàn thành đắp nền đất, xử lý đất yếu, các cầu vượt sông.
Đến nay, sản lượng toàn bộ đường song hành đã đạt khoảng 50% giá trị hợp đồng; dự kiến hoàn thành dự án vào quý IV/2025.
Tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng cần giải phóng mặt bằng chung của dự án chỉ còn 1%. Các địa phương đang tích cực tìm giải pháp, quyết liệt tháo gỡ, bởi đây là dự án trọng điểm, sự quyết tâm càng phải cao đi đôi với chất lượng thi công và tiến độ.
Vượt lên mọi khó khăn, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ ngay từ những ngày đầu – tháng đầu, toàn dự án phấn đấu hoàn thành, bàn giao đường song hành vào quý IV/2025.
Với khí thế mới - thắng lợi mới, tin tưởng rằng với sự chỉ đạo sát sao của UBND TP Hà Nội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các bên liên quan, sự ủng hộ của nhân dân và các nhà thầu, thời gian tới, công trình Vành đai 4 – Vùng Thủ đô sẽ cùng các dự án giao thông quan trọng như Hầm chui Vành đai 2,5 – Giải Phóng, đường Lê Quang Đạo kéo dài sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường giao lưu văn hoá – du lịch của Thủ đô Hà Nội và các địa phương.