Gốm sứ Bát Tràng: Tiềm năng và triển vọng (09:39 15/09/2010)


HNP - Xã hội phát triển, đổi thay  trên mọi nẻo đường của Tổ quốc. Đây đó, trên mảnh đất Việt thân thương, vẫn còn lưu lại nhiều làng quê với những làng nghề đặc sắc góp phần tô điểm cho sự đa dạng, phong phú của văn hóa dân tộc. Một trong những làng nghề được lưu danh đó là làng gốm Bát Tràng, với những sản phẩm tinh tế, sống động, đầy ắp hơi thở quê hương.

Nghệ nhân cao tuổi của làng gốm Bát Tràng


Gốm Bát Tràng là tên gọi chung cho các loại đồ gốm được sản xuất tại làng Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Theo các cụ cao niên kể lại: có nhiều giả thuyết về sự ra đời của làng gốm Bát Tràng, trong đó có một số giả thuyết đáng được quan tâm là làng được hình thành từ thời Hậu Lê, từ sự liên kết chặt chẽ giữa 5 dòng họ làm gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát như Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm với họ Nguyễn ở đất Minh Tràng.
 
Các mặt hàng gốm men ngọc, men hoa lan, men rạn của Bát Tràng rất đặc biệt, không lẫn với gốm xứ Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh… Để làm ra đồ gốm, người thợ gốm phải trải qua nhiều công đoạn như chọn đất, xử lý, pha chế đất, tạo dáng, hoa văn, phủ men, cuối cùng là nung sản phẩm…
 
Người thợ gốm quan niệm sản phẩm gốm không khác nào một cơ thể sống, có sự kết hợp hài hòa của Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và trong đó còn mang cả yếu tố tinh thần, sự sáng tạo của con người. Tất cả hòa vào nhau để tạo nên sản phẩm gốm Bát Tràng đặc biệt, hài hòa về bố cục, màu sắc thanh nhã, cùng với sự tinh tế của hồn người. 

Làng Bát Tràng có 752 hộ với 2.900 nhân khẩu, trong đó có 1.600 người ở độ tuổi lao động, 90% tham gia sản xuất và kinh doanh gốm sứ. Sản xuất, kinh doanh gốm sứ ở làng nghề chủ yếu theo quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, đến nay đã có 52 doanh nghiệp, công ty ra đời.
 

Gốm Bát Tràng  xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường châu  Âu, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Doanh thu làng nghề năm 2008 đạt khoảng 150 tỷ đồng. Có những năm cao điểm đạt tới 250 tỷ đồng. Có doanh nghiệp xuất khẩu đạt doanh số 1 triệu USD. Thu nhập bình quân của lao động Bát Tràng năm 2008 đạt 60 triệu đồng/người/năm.

Sản phẩm của làng gốm Bát Tràng

Nói đến làng nghề Bát Tràng, không thể không nêu những "linh hồn" của làng, đó là các nghệ nhân gốm sứ tài hoa mà tên tuổi gắn liền với thương hiệu của làng nghề Bát Tràng như các nghệ nhân Trần Văn Giăng, Nguyễn Văn Cần, Lê Văn Cam, Trần Độ, Vũ Đức Thắng, Nguyễn Văn Lợi...

Người Bát Tràng ngoài cái nhạy bén, tinh tế, còn tiềm ẩn tình yêu da diết với nghề. Họ đã lao động không mệt mỏi để tạo nên một thế giới gốm đa dạng, sống động, lấp lánh sắc màu. Sản phẩm gốm Bát Tràng có nhiều kiểu dáng, mẫu mã và chủng loại. Theo chức năng sử dụng, sản phẩm gốm chia thành các nhóm: gốm gia dụng, đồ thờ tự, gốm mỹ thuật, gốm xây dựng và gốm trang trí... Đồ gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Gốm Bát Tràng đa phần được làm thủ công, có nét riêng là cốt đầy, chắc và khá nặng. Lớp men trắng ngà, đục, lối vẽ trên sản phẩm Bát Tràng thiên về ám tả nên được khách hàng đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Vì vậy, sản phẩm gốm cổ của Bát Tràng trở thành những báu vật có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao được giới sưu tầm đồ cổ hết sức quan tâm và có giá trên thị trường và được lưu giữ tại nhiều bảo tàng trong nước và quốc tế.

Bộ mặt Làng nghề Bát Tràng ngày nay đã có nhiều thay đổi nhanh chóng, nhiều ngôi nhà mới khang trang hiện đại, những showroom gốm sứ trang trí đẹp, bề thế thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng. Chợ gốm sứ tràn ngập sản phẩm đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã mới như: tranh sứ, tượng các loại, ấm chén bát đĩa, vò lọ hoa, đồ trang sức gốm… Ngắm những mặt hàng gốm sứ thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân, thợ giỏi Bát Tràng hôm nay, ta càng thán phục tài hoa, sức sáng tạo bay bổng của các nghệ nhân - những con người đã sai khiến được đất và lửa để tạo nên những tác phẩm gốm sứ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Thấy rõ tiềm năng, thế mạnh của làng nghề Bát Tràng, UBND thành phố Hà Nội hết sức quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ cho làng nghề. Nhiều dự án hạ tầng giao thông, điện, nước sạch, cảng du lịch, cụm sản xuất làng nghề tập trung đã hoàn thành đang đi vào khai thác sử dụng có hiệu quả tích cực. Nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch gắn với vùng Bát Tràng đã và đang được vận hành mạnh mẽ.

Từ những thành công trong đầu tư phát triển của làng nghề gốm sứ Bát Tràng, sẽ được đúc kết lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho việc phát triển nhân rộng mô hình phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch đối với thành phố Hà Nội nói riêng và đối với cả nước nói chung.


Thanh Tùng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t